05/02/2016 8:32 AM
CafeLand - Thị trường bất động sản năm 2015 ghi nhận sự chuyển biến tích cực sau một thời gian dài trầm lắng. Những thay đổi từ chính sách, sự trỗi dậy mạnh mẽ của doanh nghiệp cộng với sự tham gia sôi nổi của dòng vốn ngoại đã tạo nên một bức tranh đa sắc cho thị trường. Sau đây là những điểm nhấn quan trọng nhất của thị trường trong năm qua.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua là một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2015.

1. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực

Ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực đã thổi làn gió mới vào thị trường bất động sản. Trong đó, việc cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam có tác động tích cực với thị trường. Mặc dù, số lượng người nước ngoài được mua nhà trong năm qua chưa thực sự đột biến, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia thì sau một thời gian thăm dò, dự đoán số lượng người nước ngoài mua nhà sẽ tăng vọt trong năm 2016.

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã có nhiều sửa đổi quan trọng. Đặc biệt nhất là quy định các dự án bất động sản hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh. Theo đó, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết thì ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Đây được xem là công cụ đắc lực để bảo vệ người tiêu dùng trước những chủ đầu tư làm ăn manh mún, thiếu năng lực.

2. Sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua

Ngày 25/6, với 93% phiếu tán thành, “siêu” dự án sân bay quốc tế Long Thành được chính thức được Quốc hội thông qua. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào năm 2018 và được chia làm 3 giai đoạn thi công. Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khái toán là 336.640 tỷ đồng (16,03 tỷ USD).

Dự án sây bay Long Thành được thông qua, ngay lập tức đã tạo nên một cơn “sốt” đất tại vùng dự án và các khu vực lân cận. Trong suốt thời gian dài, người dân địa phương “mất ngủ” vì đội ngũ cò đất từ khắp nơi ồ ạt đổ về mua đất. Giá đất nhanh chóng được đẩy lên cao chóng mặt. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án “gắn mác” sân bay Long Thành cũng xuất hiện đã khiến cho thị trường bất động sản quanh khu vực dự án và xa hơn như Nhơn Trạch, khu Đông TP.HCM cũng trở nên nhộn nhịp.

3. Phân khúc cao cấp dẫn dắt thị trường

Nếu như năm 2014 phân khúc nhà ở có giá trên dưới 1 tỷ đồng là điểm sáng của thị trường, thì sang năm 2015 phân khúc lĩnh xướng thị trường lại là các dự án trung và cao cấp. Theo khảo sát của CafeLand, từ đầu năm đến nay, tại thị trường Hà Nội nguồn cung căn hộ cao cấp vẫn chiếm đa số với 41%, tiếp đến là căn hộ trung cấp chiếm 30,2% và căn hộ bình dân chiếm 28,8% trong tổng nguồn cung. Tại thị trường TP.HCM, tổng nguồn cung khoảng 23.300 căn hộ, trong đó phân khúc cao cấp chiếm tới 46%, căn hộ trung cấp chiếm 35% và căn hộ bình dân chiếm 19%.

Theo số liệu thống kê, từ nay đến năm 2017 thị trường bất động sản TP.HCM sẽ có thêm khoảng 50.000 – 60.000 căn hộ, trong đó phân khúc trung và cao cấp chiếm phần lớn trong số này. Sở dĩ, căn hộ cao cấp đang bùng nổ vì phân khúc này mang lại lợi nhuận cao và đang có nhu cầu rất lớn từ khách hàng đầu tư, đầu cơ. Theo nhiều chuyên gia, việc nguồn cung phân khúc căn hộ cao cấp bùng nổ có thể khiến cho thị trường lệch pha cung cầu rất lớn. Do đó, nếu không cẩn thận thì thị trường bất động sản rất có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong năm 2016.

4. Dòng vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản

Thị trường bất động sản khởi sắc cùng với những chính sách cởi mở hơn đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn ngoại trong năm 2015. Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 11 tháng năm 2015, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 3 về thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài với 29 dự án đầu tư mới và 10 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,32 tỷ USD chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư.

Tại TP.HCM hoạt động liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra rất nhộn nhịp. Mới đây nhất là cái “bắt tay” giữa tập đoàn Bitexco với Emaar Properties PJS, một ông lớn bất động sản đến từ Dubai để cùng phát triển siêu dự án KĐT Bình Quới-Thanh Đa (quận Bình Thạnh) có tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng. Trước đó, quỹ đầu tư Genesis Global Capital Singapore tuyên bố đầu tư 300 triệu USD vào Phúc Khang Corp thông qua việc mua 30% sản phẩm tại chuỗi căn hộ Diamond Lotus. Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đầu tư hàng loạt dự án bất động sản của Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) như City Gate Towers, NBB Garden III (quận 8) và NBB Garden II (huyện Bình Chánh). Tiếp đó, quỹ này đã rót 200 triệu USD vào An Gia Investment. Hai nhà đầu tư khác đến từ xứ sở hoa anh đào là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư Nam Long để phát triển dự án Flora Anh Đào (quận 9) thông qua hình thức rót vốn vào công ty con của Nam Long, đầu tư trực tiếp vào dự án.

Những bước đệm của năm 2015 cùng những tác động từ việc ký kết các hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thúc đẩy sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa đến từ các nhà đầu tư ngoại trong năm 2016.

5. Nhiều vụ cháy lớn tại chung cư

Hàng loạt các vụ cháy liên tiếp xảy ra tại các cao ốc chung cư đã trở thành nỗi ám ảnh của cư dân trong năm qua. Tại Hà Nội, các vụ cháy chung cư xảy ra với mật độ dày đặc. Cụ thể, khoảng 10h sáng ngày 16/9, tại chung cư HH4 Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã xảy ra cháy lớn. Sau đó ít ngày, vào 20h30 ngày 20/9, chung cư CT5 Xa La – Hà Đông bỗng dưng phát hỏa. Vào ngày 11/10, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại tòa nhà CT4 chung cư Xa La gây thiệt hại lớn về tài sản. Chiều 29/11, một căn hộ nằm ở tầng 6 - Lô A, chung cư Hưng Phát (Nhà Bè, TP.HCM) đã bất ngờ bốc cháy dữ dội. Gần đây nhất là khoảng 0h30 ngày 14/12, một vụ hỏa hoạn lại xảy ra tại chung cư Hồ Gươm Plaza khiến người dân hoảng loạn.

Hàng loạt vụ cháy liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng và an toàn cháy nổ tại các chung cư, gây bất an cho cư dân. Có thể thấy công tác quản lý chung cư, nhà cao tầng của các cơ quan chức năng đang có sự lỏng lẻo, nhiều tòa chung cư khi chưa được thẩm định về an toàn phòng cháy, chữa cháy thậm chí là chưa mua bảo hiểm bắt buộc đã cho phép người dân vào sinh sống.

6. Sai phạm nghiêm trọng tại cao ốc 8B Lê Trực

Sai phạm xây dựng nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực là đề tài nóng hổi trên các mặt báo suốt một thời gian dài trong năm 2015. Theo đó, chủ đầu tư dự án đã xây dựng tòa nhà này sai so với giấy phép xây dựng được cấp về tổng chiều cao công trình vượt 5 tầng (16m), về tổng diện tích sàn xây dựng tăng 6.126m2.

Sau 27 lần thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm nhưng công trình vẫn tiếp tục được thi công, mãi đến khi dư luận lên tiếng, vụ việc mới được xử lý. Chủ đầu tư tự phá dỡ phần vi phạm từ ngày 21/11 nhưng tính đến ngày 10/12 mới phá dỡ khoảng 50m ở tầng tum.

Đây được xem là hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim”. Tuy nhiên, đây cũng là hiện tượng phổ biến xảy ra trong lĩnh vực bất động sản. Nếu ai từng làm nhà ở thành phố như Hà Nội, TP.HCM và kể các nhiều nơi khác chỉ cần đổ một xe cát nhỏ trong con hẻm thì vài giờ đồng hồ sau là có người đến “hỏi thăm” và phạt vì vi phạm trong xây dựng. Tuy nhiên, rất nhiều công trình đồ sộ vi phạm xây dựng giữa “thanh thiên, bạch nhật” lại không bị phát hiện cho đến khi có ai đó tố cáo.

7. Bùng nổ tranh chấp chung cư

Tranh chấp chung cư kéo dài âm ỉ và đã bùng nỗ dữ dội trong năm 2015. Đỉnh điểm là vụ ẩu đả giữa nhóm “côn đồ” và cư dân xảy ra ngày 11/12 tại chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức). Theo các cư dân, nhóm “côn đồ” này là do chủ đầu tư đưa tới để tháo dỡ công trình xây dựng sai phép. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được với cư dân nên họ phản đối và bị những người trong nhóm “côn đồ” hành hung khiến một cư dân phải nhập viện.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, có khoảng 63 dự án nhà ở xảy ra tranh chấp khiếu nại liên quan đến nhà chung cư. Trong một cuộc khảo sát gần đây, có 8/30 chung cư đang có tranh chấp về quyền sở hữu chung, riêng. Cụ thể là tranh chấp về cách xác định diện tích căn hộ, tranh chấp tầng hầm gửi xe, phòng y tế, khu sinh hoạt chung… Trong đó, có nhiều vụ tranh chấp kéo dài qua nhiều năm như tại chung cư PetroLandmark hàng trăm cư dân liên tục đòi nhà nhiều năm nhưng vô vọng; hàng trăm khách hàng bị chủ đầu tư lừa bán một căn hộ tại dự án Gia Phú; tranh chấp về phí bảo trì tại Era Town (quận 7), của dân lô M thuộc chung cư Bàu Cát 2 (Tân Bình)...

Tại Hà Nội, cuộc chiến chung cư cũng nóng không kém. Cụ thể là các vụ tranh chấp của cư dân chung cư Keangnam (Mễ Trì - Nam Từ Liêm), chung cư Keangnam Landmark (Phạm Hùng – Từ Liêm), chung cư Thăng Long Number One, tổ hợp chung cư Hồ Gươm Plaza (Mỗ Lao – Hà Đông), dự án Sky City 88 Láng Hạ… và rất nhiều tranh chấp khác.

Vũ Ngọc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.