Theo dự thảo, thời gian tới nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ được
chuyển đổi thành đất đô thị, đất công nghiệp. Tới năm 2030, Đà Nẵng có
khoảng 2 triệu dân, đất xây dựng đô thị là 22.500 ha, đất các đô thị vệ
tinh là 3.000 ha.
Đáng chú ý, TP sẽ lấn biển tại khu vực vịnh Đà Nẵng khoảng 70 ha để
xây dựng các khu du lịch cao cấp. Ở phía nam bán đảo Sơn Trà, TP cũng dự
kiến lấn biển 50 ha để hình thành cụm đô thị ven biển; xây dựng bảy bến
tàu tại bán đảo Sơn Trà, biển Phạm Văn Đồng, T20 và Non Nước. Đà Nẵng
cũng đặt vấn đề với tỉnh Quảng Nam nối sông Hàn với sông Cổ Cò để phát
triển du lịch từ phố cổ Hội An ra Đà Nẵng.
Về giao thông, TP sẽ xây dựng 26 bãi đỗ xe lớn và bốn bãi đỗ xe ngầm. Đặc biệt, Đà Nẵng dự định xây tuyến giao thông ngầm bắt đầu từ đường Duy Tân, qua đường Lê Trọng Tấn đến khu vực Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ông Lê Đức Quý, Viện phó Viện Quy hoạch TP Đà Nẵng, cho biết: “Về lâu dài, Sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ được chuyển ra khu vực sát biển. Ga tàu lửa hiện nay cũng được dời lên khu vực Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) để giảm tải cho nội thị”.
Theo UBND TP Đà Nẵng, đến năm 2030 TP sẽ có bốn sân golf đẳng cấp quốc tế ở Hòa Hải, Đa Phước, Hòa Ninh và khu vực núi Hòa Phong-Hòa Phú. Ngoài làng đại học 120 ha tại quận Ngũ Hành Sơn, TP sẽ xây thêm một làng đại học tại huyện Hòa Vang. Ông Quý nói thêm: “Khu vực đất từ làng Vân đến bắc KCN Liên Chiểu sẽ không bố trí cho các doanh nghiệp nữa mà chuyển hết sang đất du lịch. Khu vực làng Vân, bán đảo Sơn Trà sẽ trở thành những khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết TP đã yêu cầu các sở, ban ngành góp ý thật chi tiết bằng văn bản cho dự thảo đồ án. Viện Quy hoạch cũng phải mời các chuyên gia quy hoạch đô thị giỏi tham gia phản biện dự thảo, hoàn chỉnh đồ án trước tháng 5. Dự kiến đến tháng 9, TP sẽ trình đồ án lên Thủ tướng.