27/06/2016 10:30 PM
Đang sinh sống yên ổn, gia đình ông Đỗ Văn Tuyền đột nhiên bị nhóm người lạ mặt đến chiếm giữ ngôi nhà trên phố Pháo Đài Láng (P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội) 
của mình.
“Cả tuần nay họ cắm chốt ăn ngủ tắm giặt trong nhà tôi, có khi tới 30-40 người khiến gia đình tôi hoang mang cực độ” - ông Tuyền nói với giọng bức xúc xen lẫn 
sợ hãi.
Bỗng dưng bị chiếm nhà
Theo ông Tuyền, khi gia đình ông yêu cầu nhóm người lạ mặt ra khỏi nhà thì họ cho rằng đã có ủy quyền của Công ty TNHH một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản của Ngân hàng Techcombank (Techcombank AMC) về việc quản lý tài sản thế chấp.
Họ cũng khẳng định có hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ, có danh sách các nhân viên bảo vệ mục tiêu kèm theo những nhiệm vụ, quyền hạn. “Tuy nhiên khi chúng tôi yêu cầu được xem những giấy tờ trên thì họ không xuất trình” - ông Tuyền nói.
Ông Tuyền cho hay trước đây ngôi nhà của mình đã được người con nuôi của ông thế chấp để vay tiền tại Ngân hàng Techcombank. Có thể đây là nguyên cớ xuất hiện nhóm người lạ tới chiếm nhà ông.
“Dù họ là ai khi vào nhà cũng phải xuất trình giấy tờ và được chủ sở hữu nhà cho phép. Nếu họ được Techcombank ủy quyền quản lý tài sản thì cũng không được phép vào nhà tôi vì chúng tôi chỉ bảo lãnh, thế chấp quyền sử dụng đất, không thế chấp quyền sở hữu nhà.
Đất thì không thể bay mất được, giấy tờ gốc về quyền sử dụng đất thì ngân hàng đang giữ. Việc tôi thế chấp bảo lãnh vay vốn ngân hàng không làm mất đi quyền sở hữu của mình, tôi chỉ bị hạn chế một số quyền của chủ sở hữu thôi chứ” - ông Tuyền 
bức xúc.
“Thu giữ tài sản 
là có căn cứ”
Trong công văn trả lời Tuổi Trẻ, Techcombank cho biết căn nhà của ông Tuyền được dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay giữa Techcombank với Công ty Sino Đức. Sau khi vay vốn, Công ty Sino Đức để nợ quá hạn kéo dài do đó ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản.
Về cơ sở pháp lý để thu giữ ngôi nhà ông Tuyền, Techcombank viện dẫn điều 336 và điều 355 về “xử lý tài sản” của Bộ luật dân sự năm 2005 và điều 56 nghị định 163/2006 quy định “tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Ngoài ra Techcombank viện dẫn điều 63 nghị định 163 quy định “bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này. Nếu hết thời hạn ấn định mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản để xử lý hoặc yêu cầu tòa án giải quyết”.
Từ đó, Techcombank cho rằng “việc thu giữ tài sản bảo đảm của Techcombank hoàn toàn có căn cứ, được tiến hành công khai và theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”. Ngoài ra, “Techcombank không vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở khi thực hiện quyền thu giữ tài sản” vì “chủ tài sản bảo đảm đã đồng ý bằng văn bản với Techcombank tại hợp đồng thế chấp tài sản”.
Phải để tòa phán quyết
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn luật sư TP Hà Nội), nếu ông Tuyền (hoặc người thân) vay tiền của ngân hàng và ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, khi đáo hạn, ông Tuyền không có khả năng trả nợ thì ngân hàng tiến hành chiếm giữ tài sản để thu hồi nợ.
Như vậy, theo hợp đồng thế chấp thì ông Tuyền chấp thuận để ngân hàng hoặc bên thứ 3 do ngân hàng ủy quyền được “trực tiếp vào nơi cư trú để tiếp cận, thu hồi, chiếm giữ, quản lý tài sản thế chấp”. Đây chính là căn cứ mà ngân hàng đang viện dẫn để tiến hành việc chiếm giữ nhà của ông Tuyền.
Tuy nhiên, tại thời điểm ngân hàng cho người đến chiếm giữ nhà của ông Tuyền thì căn nhà trên vẫn là nơi ở, thuộc sở hữu hợp pháp của ông Tuyền, do đó nếu ông Tuyền không đồng ý thì không ai có quyền chiếm giữ (quyền bất khả xâm phạm được pháp luật ghi nhận). Có chăng trong trường hợp này, ông Tuyền vi phạm hợp đồng thế chấp và ngân hàng có quyền khởi kiện tới cơ quan tài phán để yêu cầu 
giải quyết.
Cũng theo luật sư Bách, tại điều 63 nghị định 163 về giao dịch bảo đảm thì bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này.
Nếu hết thời hạn mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản để xử lý hoặc yêu cầu tòa án giải quyết. Như vậy, trong trường hợp này pháp luật cho phép bên nhận bảo đảm (ngân hàng) có quyền “thu giữ tài sản bảo đảm” hoặc “yêu cầu tòa án giải quyết”.
Dẫu vậy, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải tuân thủ các nguyên tắc: thông báo trước một khoảng thời gian hợp lý, không áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội (khoản 2 điều 63 nghị định 163).
Trong trường hợp này, ngân hàng đã cho người tới chiếm giữ nhà ở trái với ý chí của ông Tuyền, chưa kể trong căn nhà còn có các tài sản khác. Rõ ràng đây là một biện pháp thu giữ vi phạm điều cấm của pháp luật. Như đã nói ở trên, muốn xử lý tài sản nếu không có sự đồng ý của chủ tài sản, ngân hàng buộc phải thông qua thủ tục yêu cầu tòa án giải quyết.
Lâm Hoài (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.