Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:

Kính chào Luật Sư! Gia đình tôi có miềng đất đã có bản vẽ hiện trạng nhà cấp 4, do ông ngoại tôi làm chủ và mất năm 1990 có lập di chúc cho riêng mẹ tôi, nhưng do thời đó mẹ tôi không biết rõ về luật nên đã ghi thêm tên của 01 vài anh chị em đang vượt biên đi nước ngoài vào đồng chủ sở hữu nhà ( với suy nghĩ để họ sau này về có chỗ tạm ở không bị ai làm khó.

Hiện nay mẹ tôi muốn làm lại giấy tờ nhà lên sổ hồng và muốn xây dựng mới lại nhà do nhà đã xuống cấp trầm trọng nhưng lại không làm được với lý do UBND quận nói phải có tất cả những người đứng tên chủ sở hữu nhà cùng ký tên hoặc ủy quyền cho mẹ tôi làm...

Cái khó là hiện giờ mẹ tôi cũng không liên lạc được với những người có trong chủ quyền nhà thì làm sao xin ủy quyền được. Kính mong Luật Sư cho tôi biết vậy với tình trạng trên mẹ tôi phải làm thể nào để có thể toàn quyền quyết định việc chủ quyền nhà trên? mẹ tôi có thể thông báo qua báo chí hay trên đài để yêu cầu họ về xử lý giấy tờ nhà nếu quá thời hạn mà họ không xuất hiện mẹ tôi có quyền toàn quyền quyết định cho ngôi nhà trên không ạ? Trân trọng cảm ơn !

phamminhhuy2011@...

Luật sư Nguyễn Văn Đàm – Công ty Luật TNHH Đất Luật trả lời:

Nếu di chúc được lập hợp pháp, thì căn nhà (di sản thừa kế) được xem là tài sản chung của những người thừa kế có tên trong di chúc, và việc định đoạt căn nhà cần phải có sự thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu (Khoản 2, Điều 223, Bộ luật Dân sự). Trong trường hợp một số người có tên trong bản di chúc hiện đang sinh sống ở nước ngoài thì mẹ bạn phải liên lạc được với những người này để có ý kiến của họ về xử lý di sản thừa kế như : họ lập giấy ủy quyền ủy quyền cho mẹ đứng đơn xin làm lại giấy tờ nhà hoặc/và xây dựng mới lại căn nhà; hoặc họ lập giấy tặng cho phần thừa kế của họ được hưởng cho mẹ bạn . Việc đăng thông báo trên thông tin đại chúng để tìm người có tên trong bản di chúc sẽ không thể loại bỏ quyền định đoạt căn nhà của họ cho dù sau một thời gian tìm kiếm mà vẫn không thể tìm thấy họ. Như vậy đề xuất của bạn là không phù hợp với quy định của pháp luật, trừ trường hợp sau thời gian 30 năm kể từ ngày mở thừa kế (ngày ông ngoại của bạn chết), nếu những người có tên trong bản di chúc vẫn không được tìm thấy sau khi đã thông báo tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng thì mẹ bạn có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xác lập quyền sở hữu căn nhà cho mẹ bạn đứng tên (khoản 2, Điều 22, Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Lưu ý: theo quy định của pháp luật, chỉ người lập di chúc (chủ sở hữu tài sản) thì mới có quyền chỉ định người được thừa kế di sản, trường hợp mẹ bạn tự ý viết thêm một vài người vào bản di chúc là không phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy, phần viết thêm nào không được người lập di chúc biết và đồng ý thì bị xem là không có giá trị.

CafeLand kết hợp Công ty Đất Luật
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.