Muốn được bồi thường, người dân phải có văn bản xác nhận hành vi trái pháp luật của thẩm phán xử sai.

Ông Nguyễn Phi Đô, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, cho biết tòa này đang xem xét yêu cầu đòi bồi thường của ông Lê Hồng Sơn (86 tuổi, ngụ xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên) về việc ông yêu cầu tòa bồi thường cho mình. đây là trường hợp đầu tiên người dân yêu cầu bồi thường do xử sai án dân sự ở Phú Yên.

Yêu cầu xác định hành vi trái luật

Ông Sơn cho biết hơn năm năm nay ông liên tục yêu cầu TAND tỉnh Phú Yên bồi thường nhưng tòa vẫn chưa giải quyết.

Theo hồ sơ, năm 2004, bà Lê Thị Liên (em gái ông Sơn) khởi kiện ra TAND huyện Tuy An (Phú Yên) yêu cầu ông phải trả lại quyền sử dụng 450 m2 đất màu. Xử sơ thẩm năm 2005, TAND huyện Tuy An tuyên buộc ông Sơn phải giao trả diện tích trên cho bà Liên, đồng thời kiến nghị hủy giấy đỏ của ông Sơn để bà Liên làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất lại.

Xử phúc thẩm vào tháng 3-2006, TAND tỉnh Phú Yên bác kháng cáo của ông Sơn, tuyên y án sơ thẩm.

Đến năm 2009, Tòa Dân sự TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Tuy An xét xử lại…

Tháng 12-2011, khi xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Phú Yên tuyên công nhận diện tích đất trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Sơn. Với phán quyết này, ông Sơn đã thắng kiện, nghĩa là bản án phúc thẩm lần đầu của TAND tỉnh Phú Yên là sai.

Sau khi có bản án phúc thẩm, ông Sơn có đơn yêu cầu TAND tỉnh có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của HĐXX phúc thẩm trong việc ra bản án phúc thẩm vào năm 2006 (Bản án số 17/2006/DS-PT). Tuy nhiên, TAND tỉnh có công văn trả lời ông Sơn cho rằng do hồ sơ TAND Tối cao mượn chưa trả nên chưa thể xem xét giải quyết theo yêu cầu của ông.

Vợ chồng ông Lê Hồng Sơn buồn bã đứng nhìn ngôi nhà của mình đã bị phát mại mà ông cho rằng do hậu quả của việc tòa xử sai. Ảnh: TẤN LỘC

Phải chờ văn bản xác định của tòa

Theo công văn hướng dẫn của Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), vụ việc của ông Sơn thuộc trường hợp yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Cục Bồi thường nhà nước cho rằng trường hợp này bị thiệt hại do việc ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Căn cứ để ông Sơn yêu cầu bồi thường là bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự đã bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng cần phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật thì mới đủ căn cứ để bồi thường.

Tuy nhiên, để có được điều kiện thứ hai này không phải dễ.

Theo khoản 2 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 01/2012 nói trên, có bốn loại văn bản để xác định điều này. Trong đó, hai loại văn bản đầu thì khó có thể xảy ra trong vụ việc của ông Sơn. Đó là: a) Bản án, quyết định có hiệu lực xác định người tiến hành tố tụng phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án; b) Các quyết định đình chỉ vụ án theo diện miễn trách nhiệm hình sự người tiến hành tố tụng có hành vi như đã nêu ở điểm a.

Chỉ còn lại hai loại quyết định mà ông Sơn có thể trông chờ theo điểm c và điểm d khoản 2 Điều 3 của thông tư nói trên. Đó là quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của chánh án tòa án xác định người đã tiến hành tố tụng có hành vi nói trên chưa bị khởi tố (điểm c); quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đối với người đã tiến hành tố tụng có hành vi nói trên nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm d).

Và ông Sơn đã làm đơn yêu cầu TAND tỉnh Phú Yên xác định theo điểm c nói trên nhưng chánh án tòa này chưa giải quyết.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phi Đô cho rằng đến nay TAND Tối cao vẫn chưa trả hồ sơ vụ án nên TAND tỉnh Phú Yên chưa thể xem xét việc bồi thường.

“Chúng tôi đang chờ TAND Tối cao trả hồ sơ vụ án về để xem xét. Hội đồng của tòa sẽ xác định tòa án có bồi thường thiệt hại cho ông Sơn hay không. Nếu bồi thường thì sẽ áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, sau đó mới xem xét trách nhiệm cá nhân của người xử” - ông Đô nói.

Tán gia bại sản vì vụ kiện
Ông Lê Hồng Sơn cho rằng việc TAND tỉnh xử phúc thẩm sai (bản án năm 2006) đã khiến gia đình ông tán gia bại sản. Từ khi bà Liên khởi kiện, tòa đã buộc ông Sơn phải đình chỉ việc sử dụng mảnh đất tranh chấp mà ông đã có giấy đỏ hợp pháp. Sau khi bản án phúc thẩm năm 2006 của TAND tỉnh có hiệu lực, bà Liên đã chuyển quyền sử dụng diện tích đất này cho một người khác. Mãi đến đầu năm 2012, ông Sơn mới được trả lại mảnh đất này theo bản án phúc thẩm lần hai.
“Do tòa xử sai nên tôi mới bị tước quyền sử dụng mảnh đất của mình trong hơn bảy năm trời. Việc này gây cho gia đình tôi nhiều thiệt hại” - ông Sơn nói.
Chuyện là trước khi bị bà Liên kiện, để có tiền điều trị tai biến, ông Sơn đã chuyển nhượng miếng đất trên cho người khác và nhận trước 110 triệu đồng. Do TAND tỉnh xử phúc thẩm ông thua kiện nên ông không thể thực hiện hợp đồng chuyển nhượng. Không có tiền trả lại, ông Sơn bị người mua đất khởi kiện ra tòa, buộc trả gốc lẫn lãi gần 160 triệu đồng.
Sau đó, cơ quan thi hành án đã kê biên, bán đấu giá ngôi nhà rộng 50 m2 cùng 225 m2 đất ở của ông Sơn để trả tiền cho người mua đất. Tuy nhiên, cả ngôi nhà cùng diện tích đất ở phát mại này chỉ bán được 76 triệu đồng nên gia đình ông Sơn phải tự bán thêm nhà, đất khác mới đủ trả cho người mua đất.
“Sau khi được trả lại 450 m2 đất, gia đình tôi phải bán luôn mới có tiền cất nhà để có chỗ ở, trang trải nợ nần, chữa bệnh cho tôi. Bây giờ thì vợ chồng già tôi trắng tay rồi, hằng ngày phải sống nhờ con cái” - ông Sơn nghẹn ngào.
Tấn Lộc (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.