Hợp đồng mua bán nhà có bắt buộc phải công chứng? Ảnh minh họa
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 về việc công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau:
- Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
- Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
- Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà ở.
Như vậy, hợp đồng mua bán nhà ở bắt buộc phải thực hiện công chứng. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà ở.
Phí công chứng hợp đồng nhà ở
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch nhà đất được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch áp dụng với các loại hợp đồng, giao dịch:
- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, chia tách hoặc nhập, đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Tính theo phần trăm tương ứng với giá trị của quyền sử dụng đất) hoặc nhà ở công trình trên đất (tính theo phần trăm của tổng giá trị đất và tài sản trên đất).
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản thì tính trên giá trị của di sản dùng để phân chia đó.
- Hợp đồng vay tiền: Tính phí công chứng trên khoản vay.
- Hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản: Tính phí công chứng theo giá trị của tài sản thế chấp hoặc cầm cố. Nếu những hợp đồng này có ghi giá trị khoản vay thì sẽ tính phí công chứng trên giá trị khoản vay…
STT | Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch | Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 | Dưới 50 triệu đồng | 50.000 |
2 | Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng | 100.000 |
3 | Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng | 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
4 | Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng | 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
5 | Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng | 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng |
6 | Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng | 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng |
7 | Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng | 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng. |
8 | Trên 100 tỷ đồng | 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
-
Những hợp đồng nhà đất bắt buộc phải công chứng mới có giá trị
Giao dịch mua bán nhà đất có giá trị lớn nên các hợp đồng liên quan nhà đất cần được công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị lừa đảo mất trắng. Pháp luật cũng quy định các loại hợp đồng nhà đất bắt buộc phải công chứng mới có giá trị.