14/03/2016 9:52 AM
Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:
Năm 1986 gia đình tôi đi khai hoang vùng kinh tế mới và được Nhà nước phân mảnh đất hiện đang ở. Đến năm 2002 được chính quyền địa phương và UBND huyện đo và cấp bìa đỏ sử dụng với số diện tích là 350,5m2, liền dải đất này còn khoảng 600m2 là đất vườn tạp.

Gia đình tôi cho nhà ông A đi qua vườn làm xưởng chế biến lâm sản. Tháng 10 năm 2015 gia đình tôi khởi công xây dựng nhà thì mới biết có con đường đi trên dải đất liền thổ của gia đình. Gia đình tôi không hề biết việc làm này và không được thông báo cũng như lấy ý kiến. Khi hỏi cán bộ địa chính UBND thì phía cơ quan đã trả lời con đường này đã có từ lâu.

Vậy xin hỏi với dải đất liền thổ như của gia đình tôi như vậy mà trước đây chính quyền địa phương đã cho là lối đi chung trên bản đồ địa chính có đúng không?

Nếu con đường trên đã có thì việc đi qua và cắt ngang thửa đất sang khu vườn tạp thì tôi phải nhượng lối đi với kích thước là bao nhiêu? Gia đình tôi có được bồi thường gì khi UBND xã phường đã làm như vậy? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.

phungchung1979@...

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội

Ở đây, những thông tin bạn cung cấp còn thiếu và chưa rõ ràng nên có các trường hợp như sau:

Thứ nhất, Để xác định lối đi chung có đúng không thì bạn có thể nộp phiếu yêu cầu cung cấp thông tin về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường để được cung cấp Trích lục bản đồ địa chính đối với thửa đất của bạn để kiểm tra lối đi chung đó có trong bản đồ hay không.

Thứ hai, Căn cứ vào Điều 275. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề

1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Trường hợp đất của nhà ông B bị bao bọc bởi các mảnh đất khác, lối đi qua phần diện tích đất bên nhà bạn là lối đi duy nhất của nhà ông B thì theo Điều 275 Bộ luật Dân sự 2005 gia đình bạn có nghĩa vụ dành lối đi đó cho nhà ông B và nhà ông B phải có nghĩa vụ đền bù cho gia đình bạn. Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều này thì vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do gia đình bạn và gia đình ông A thỏa thuận.

Thứ ba: Nếu bạn có tranh chấp về lối đi bạn có thể đề nghị hòa giải tại UBND xã phường, nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi có bất động sản để được giải quyết.

CafeLand kết hợp Công ty luật TNHH Đức An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.