Gần đây tôi muốn bán đất nhưng khi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì nơi đây không giải quyết viện lẽ có tranh chấp. Vậy tôi muốn làm thủ tục chuyển nhượng đất vượt cấp (lên Sở Tài nguyên và Môi trường) thì có được không? Hoặc tôi có thể khiếu nại việc từ chối giải quyết của cấp huyện hay không?
Tran The Do (trandonb@...)
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO trả lời: Theo Điều 127 Luật Đất đai năm 2003, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn thì nộp tại UBND xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo quy định của nhiều địa phương, hồ sơ chuyển nhượng đất giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Nếu tỉnh của bạn cũng quy định như thế thì bạn buộc phải đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện nơi có đất để làm thủ tục chuyển nhượng đất, chứ không thể làm khác hơn. Trường hợp cơ quan này không đồng ý giải quyết hồ sơ của bạn thì bạn có thể đề nghị họ ra văn bản nêu lý do để bạn có thể thực hiện quyền khiếu nại hành vi hành chính trong quản lý đất đai theo luật định.
2. Cấp giấy chứng nhận cho nhà được ủy quyền
Năm 1972, trước khi đi nước ngoài, bà cô của tôi có làm giấy ủy quyền cho bà nội của tôi được quyền sử dụng căn nhà hợp pháp của bà. Từ đó, bà nội và ba mẹ tôi đã cư ngụ trong nhà đến nay. Giờ ba mẹ tôi có thể làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận hay không?
Một bạn đọc ở quận 3, TP.HCM
Luật sư LÊ BỬU THÀNH trả lời: Theo Điều 23 Nghị quyết số 1037 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người VN ở nước ngoài tham gia), trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã ủy quyền cho người khác thường trú tại VN quản lý thì nay chủ sở hữu được lấy lại nhà ở sau khi đã thông báo trong hạn quy định tùy thuộc vào việc thời hạn ủy quyền vẫn còn hay đã hết trước ngày nghị quyết này có hiệu lực hay không xác định.
Như vậy, về nguyên tắc thì căn nhà nêu trong thư vẫn thuộc quyền sở hữu của bà cô của bạn. Chỉ khi nào được bà cô đồng ý chuyển nhượng, tặng cho hay để lại thừa kế nhà theo pháp luật hoặc theo di chúc thì những người đang sử dụng nhà mới có thể làm thủ tục đề nghị cấp giấy công nhận quyền sở hữu nhà cho mình.