Cập nhật 04/03/2015 1:18 PM
Bí quyết của Buffett là ông cùng 25 cộng sự tại Berkshire Hathaway phân bổ nguồn vốn tốt hơn hẳn hệ thống tài chính hiện đại, bao gồm ngân hàng, thị trường cổ phiếu và trái phiếu, và các quỹ đầu tư.

Tỷ phú Buffett - Ảnh: Bloomberg.

Giới nghiên cứu về tài chính doanh nghiệp phần lớn tin rằng tập đoàn đa ngành - tức các doanh nghiệp khổng lồ hoạt động trong nhiều ngành và phát triển thông qua các vụ sáp nhập - là một mô hình kinh doanh tệ hại.

Nhưng theo The New York Times, tập đoàn đa ngành Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett là một ngoại lệ. Berkshire là một trong những doanh nghiệp Mỹ thành công nhất trong vòng 50 năm qua và hiện là công ty có giá trị lớn thứ tư tại Mỹ, sau Apple, Google và Exxon Mobil. Berkshire có 340.000 nhân viên, tương đương với dân số của đảo Honolulu của Haiwaii.

Trong thư gửi các cổ đông gần đây, Buffett phần nào lý giải về sự phát triển tưởng như trái ngược với nguyên lý kinh tế của Berkshire. Thư của Buffett cũng hé mở cách ông xây dựng một đế chế kinh doanh và tạo dựng khối tài sản cá nhân trị giá 72 tỷ USD.

Trong những năm 1960, chiến lược phổ biến của các doanh nghiệp Mỹ là mua lại các công ty khác và sử dụng thủ thuật kế toán để tạo nên “ảo ảnh” về tăng trưởng, ngay cả khi các công ty được mua về hoạt động không hề khá hơn, thậm chí còn tệ hơn khi hoạt động độc lập.

Thoạt nhìn thì những gì Berkshire Hathaway làm trong nhiều năm qua cũng không có gì khác. Buffett dường như cũng mua tràn lan các doanh nghiệp, nhiều đến mức khó có thể tóm lược Berkshire hoạt động trong những ngành gì.

Berkshire hiện sở hữu một hãng bảo hiểm, một hệ thống đường sắt, một công ty điện lực, cùng với một danh mục đầu tư cổ phiếu khổng lồ, đi kèm những khoản đầu tư “hầm bà lằng” từ dịch vụ đi lại bằng máy bay riêng, nhà di động, đến đồ lót nam nữ, sản xuất món tráng miệng từ sữa, và cả nước sốt cà chua.

Lý thuyết tài chính chỉ ra rằng không có lý do gì để tất cả các ngành và các khoản đầu tư chẳng liên quan gì đến nhau này có thể kết hợp trong cùng một doanh nghiệp.

Berkshire là một ví dụ điển hình cho mô hình phi tập trung hoá, khi công ty này chỉ có 25 nhân sự tại trụ sở ở Omaha, bang Nebraska, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của cả đế chế kinh doanh. Trách nhiệm điều hành các công ty mà Berkshire sở hữu đều nằm trong tay bộ máy quản lý của chính các doanh nghiệp đó.

Vậy tại sao Berkshire không để các công ty đó tồn tại độc lập, hoặc Berkshire chỉ tập trung kinh doanh trong những ngành nghề nhất định? Buffett lý giải như sau:

“Một trong những điểm nổi bật của chủ nghĩa tư bản là nó có khả năng phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả,” Buffett viết trong thư gửi cổ đông. “Tuy nhiên, sự dịch chuyển của dòng vốn thường gặp phải trở ngại”, ví dụ giám đốc điều hành của một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ có thể trì hoãn việc giải thể công ty và trả lại vốn cho các cổ đông để họ đầu tư sang nơi khác. Thuế và chi phí giao dịch cũng có thể ngăn cản nhà đầu tư chuyển dịch vốn từ ngành này sang ngành khác.

“Tại Berkshire, chúng tôi có thể dịch chuyển nguồn vốn lớn từ các công ty có cơ hội đầu tư hạn chế sang những ngành có triển vọng tốt hơn. Thêm vào đó, chúng tôi không tự hạn chế mình trong ngành nào cả chỉ vì đã gắn bó với ngành đó cả đời, hay chịu áp lực phải giữ nguyên tình trạng hoạt động. Điều này rất quan trọng: Nếu loài ngựa có quyền quyết định đầu tư, thì đã không có ngành công nghiệp ôtô.”

Buffett chỉ ra rằng ông cùng với phó chủ tịch Berkshire là Charlie Munger và đội ngũ 25 người tại Ohama có khả năng phân bổ nguồn vốn tốt hơn hẳn hệ thống tài chính hiện đại, bao gồm ngân hàng, thị trường cổ phiếu và trái phiếu, và các quỹ - những thể chế được cho là có vai trò phân bổ vốn.

Nói cách khác, các quyết định phân bổ vốn của Berkshire không chịu ảnh hưởng của lợi ích cá nhân, đặc biệt từ cấp quản lý của các công ty mà Berkshire sở hữu, và cũng bị tác động bởi lợi ích ngắn hạn.

Buffett cũng đề cập một yếu tố khác giúp công ty của ông thành công: “Chúng tôi mang lại lựa chọn cho cho chủ sở hữu và quản lý của các công ty hàng đầu.” Nói cách khác, nếu bạn muốn thu lợi từ một doanh nghiệp nhưng không muốn tiếp tục quản lý nó, đồng thời muốn giữ lại toàn bộ nhân viên của công ty, thì bán lại cho Berkshire là một lựa chọn hấp dẫn.

Tuy nhiên, nhiều khả năng bạn sẽ phải bán lại cho Berkshire với giá thấp hơn so với bán cho một quỹ đầu tư hay doanh nghiệp khác.

Khả năng mua bán doanh nghiệp và đàm phán Buffett và Berkshire Hathaway đã trở thành một nghệ thuật và từng được hãng tin Bloomberg miêu tả là “chặt chẽ mà tưởng như đầy cảm tính, giành lấy mức giá hời bằng vẻ ngoài tưởng như vô hại”.

Thực tế, Buffett có thể thâu tóm với giá hời bởi danh tiếng của ông trong việc mua lại các công ty có nền tảng tốt và ít nhiều giữ các công ty đó ít bị xáo trộn sau khi tiếp quản.

Đây cũng là vấn đề nhiều người đặt ra với tương lai của Berkshire Hathaway một khi Buffett nghỉ hưu. Mô hình tập đoàn đầu tư đa ngành của Buffett có tiếp tục thành công hay không không chỉ phụ thuộc vào việc Berkshire có cách phân bổ nguồn vốn hiệu quả hơn phương thức toàn thế giới đang dùng. Điều này còn phụ thuộc vào danh tiếng của người sẽ quản lý Berkshire, để thuyết phục các công ty chấp nhận bán lại cho Berkshire với giá thấp hơn giá thị trường.

Diệu Minh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….