Khởi nghiệp bằng 1 triệu USD, cộng với đam mê công nghệ, Nguyễn Trọng Khang hiện đang nắm trong tay linh hồn của công nghệ MPR3K, là phần mềm cá thể hóa thẻ nhúng và mong muốn trở thành “một Apple của Việt Nam”...
Nguyễn Trọng Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn MK: Nắm chìa khoá để theo chân AppleNếu tình cờ bạn gặp một người đang thổ lộ niềm say mê với công nghệ thẻ thanh toán với sự nhiệt tình và hào hứng tưởng như không bao giờ nguội, đó có thể là Nguyễn Trọng Khang, người sáng lập và điều hành Tập đoàn MK.

Tôi đã ngồi với anh nhiều buổi, nói nhiều đề tài, nhưng không có gì khiến anh mở lòng như khi nói về những tấm thẻ nhựa chỉ bằng bàn tay, cứng quèo và thiếu hấp dẫn.


Từ ý tưởng chọn thị trường trống...


Anh tiếp tôi trong phòng làm việc rộng chừng 20m2. Căn phòng không nhiều đồ đạc, mọi thứ lại được sắp xếp ngăn nắp khiến tôi thấy thật trống trải.


Như đọc được ý nghĩ ấy của tôi, anh phân bua: “Làm công nghệ thì chỉ cần vậy thôi. Mọi thứ đều ở trong đầu, trong máy hết rồi. Và còn cả thêm những cái này nữa…”.


Câu chuyện bắt đầu xoay quanh một chiếc hộp bé, chứa mẫu thẻ mà anh đã và sắp tung ra thị trường thẻ thanh toán Việt Nam.


Sinh năm 1972, tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế và Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 1993, anh là một trong những người thuộc thế hệ du học sinh cuối cùng theo chương trình đào tạo liên kết giữa Việt Nam và Liên Xô cũ. Khi Liên Xô cũ tan rã, anh về nước, đầu quân cho Công ty Renong Group (Malaysia) trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ và trở thành Phó trưởng Văn phòng đại diện của Công ty tại Việt Nam.


Tuy nhiên, công việc được cho là ổn định, có thu nhập cao ở một công ty nước ngoài khi đó không đủ níu chân một thanh niên nhiều ý tưởng. Anh quyết định theo đuổi chương trình sau đại học về quản trị của Trường Henley Management College (Anh) và hệ sau đại học về quản trị kinh doanh của Trường Boise State University (Mỹ).


Đây là thời điểm anh phát hiện ra niềm đam mê với tấm thẻ nhựa thông minh... Tại Anh cũng như Mỹ, anh được cấp một tấm thẻ nhựa, ứng dụng hàng loạt các chức năng, từ thông tin về sinh viên, đến thẻ thư viện, vé xe buýt dành cho sinh viên, phiếu ăn uống tại căng – tin... So với thẻ sinh viên ép plastic có dán ảnh thô sơ ở Việt Nam, tấm thẻ nhựa có sức hút vô cùng. Trong một lần thầy giáo giao bài tập về ý tưởng kinh doanh có gắn với thực tế tại nơi mình sinh sống, ý tưởng thành lập công ty trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng các tiện ích của thẻ tại Việt Nam nhen nhóm.


Thời ấy, công nghệ dùng thẻ từ thanh toán, giao dịch đã rất thịnh hành ở các nước phát triển, nhưng lại khá xa lạ với thị trường Việt Nam, kể cả các “đại gia” trong lĩnh vực công nghệ- thông tin, bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Khi đó, nếu ai đó khởi xướng về một cách tiêu tiền không dùng tiền mặt tại Việt Nam, chắc sẽ bị liệt vào diện “có vấn đề”...


Song, tất cả những yếu tố trên lại khiến Nguyễn Trọng Khang quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng kinh doanh đó, bởi theo lý thuyết về marketing, thị trường đang quá rộng và không có đối thủ. Năm 1999 trở về nước, anh cùng một số người bạn thành lập Công ty MK chuyên làm đại lý phân phối, đồng thời tiến hành các nghiên cứu về giải pháp triển khai ứng dụng về thẻ tại Việt Nam.


Tuy nhiên, ở một thị trường trống, chưa có bất cứ dấu hiệu nào về cả ý thức và công nghệ, MK đã thất bại khi 90% khách hàng mà Công ty mời dùng thử thẻ thông minh, gồm cả doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn đều lắc đầu. Công ty thua lỗ và tiêu gần hết số vốn góp khi thành lập doanh nghiệp...


... đến tư duy theo chân Apple


Theo đánh giá của Nilson Report, MK được xếp hạng là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có nhà máy sản xuất thẻ thông minh. Không những thế, MK được nhắc đến nhiều trong giới kinh doanh công nghệ thẻ thông minh trên thế giới, nằm trong top 10 nhà sản xuất SIM điện thoại lớn nhất toàn cầu và là một trong 10 nhà sản xuất thẻ tài chính có độ bảo mật cao trên thế giới.


Nhớ lại những thất bại đầu tiên không đủ sức dập đi niềm say mê về công nghệ thông minh và những ứng dụng thực tế tưởng như không có giới hạn của công nghệ thẻ, anh Khang cho rằng, thành công hiện tại của MK một phần nhờ chọn đúng thời điểm gia nhập thị trường.


Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, trong lĩnh vực công nghệ, trở thành người đi trước, làm chủ công nghệ là bước quan trọng nhất để thành công. MK đã tận dụng được lợi thế đó, cộng với dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ngay từ những ngày đầu. Về lý thuyết, những yếu tố then chốt đó đưa MK trở thành thương hiệu lớn của Việt Nam và cả quốc tế. Nhưng, kinh doanh ở Việt Nam, lại là một lĩnh vực mới toe, lạ hoắc, trong thời điểm doanh nghiệp tư nhân mới bắt đầu gỡ được những rào cản về tư duy đầu tiên, thành công của MK thực sự là một hiện tượng.


Cuối năm 2002, Nguyễn Trọng Khang quyết định liên doanh với nhà đầu tư Sinclair Tek (Mỹ) xây dựng Công ty liên doanh thẻ thông minh MK (MK Smart Card Joint Venture Company - MK JVC). Với vốn đầu tư hơn 2 triệu USD, MK đã xây dựng 1 nhà máy sản xuất thẻ tại KCN Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) với công nghệ có khả năng sản xuất 30 triệu thẻ/năm, cá thể hóa 5.000 thẻ/giờ và đã đi vào hoạt động từ năm 2007.


Lúc này, với Nguyễn Trọng Khang, mọi việc vẫn đang suôn sẻ, như anh nói. Nhưng vị trí Top 10 thế giới trong lĩnh vực sản xuất SIM điện thoại và sản xuất thẻ tài chính, chắc không chỉ toàn ánh hào quang.


Tôi thử đặt ra 2 mô hình mà anh sẽ phải lựa chọn để đi tiếp. Một là, MK phát triển theo mô hình Tập đoàn công nghệ máy tính Apple (Mỹ) - thuê toàn bộ bên ngoài, hưởng lãi nhiều. Hai là, MK sẽ theo Tập đoàn Foxcom (Đài Loan), chuyên sản xuất thiết bị kết nối máy tính lớn nhất thế giới, trực tiếp sản xuất hoặc làm gia công và chấp nhận lãi ít.


“Tôi chọn cách thức Apple đã làm và đã thành công, đó là tập trung xây dựng công nghệ lõi, xây dựng các nền tảng ứng dụng tiện dụng cho người dùng”, anh Khang nói không ngần ngại. Lý giải, anh cho rằng, với phương châm kinh doanh của mình là “sáng tạo + công nghệ đỉnh cao + lĩnh vực cốt lõi = sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ”, mô hình của Apple sẽ rất phù hợp khi không cần đầu tư quá nhiều máy móc thiết bị nhưng vẫn có thể sản xuất được lượng sản phẩm lớn, phục vụ số đông khách hàng, trong một thời gian ngắn.


“Là người đam mê công nghệ, tôi thích một cuộc chơi mà ở đó mình sẽ làm chủ công nghệ. Tôi không thiên về sản xuất. Muốn cạnh tranh trên thị trường thế giới, phải cần đến phần công nghệ lõi, những giải pháp bảo mật đi kèm sản phẩm thẻ”, anh nói.


Tất nhiên, nắm được công nghệ lõi là cả một câu chuyện. Cốt lõi tạo nên giá trị của thẻ thông minh là hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng đi kèm với thẻ. Nếu thiếu đầu tư chiều sâu, MK có thể chỉ còn lại danh xưng của người mở đường...


“Chúng tôi tận dụng lợi thế phân phối các sản phẩm cho các thương hiệu thẻ trên thế giới, đó là cách duy nhất biết được xu hướng công nghệ thẻ thông minh trên thế giới, để từ đó tìm cách làm chủ công nghệ lõi và tách dần khi làm chủ được công nghệ. Hiện MK là nhà phân phối độc quyền về hệ thống cá thể hoá thẻ, máy ATM, thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán POS Terminal, giải pháp quản lý tiền mặt... của các hãng hàng đầu thế giới như: Datacard, Triton (Mỹ), Cybernet (Hàn Quốc); De La Rue (Anh), SecurCard Gemplus (Singapore)”, anh Khang tiết lộ.

Giờ MK đã có khả năng sản xuất thẻ thông minh (thẻ SIM) và thẻ chip. Thẻ SIM được sản xuất với công nghệ trọn gói, từ làm phôi thẻ đến gắn chip và cá thể hóa chip trên dây chuyền công nghệ tự động MPR3K. Anh tự hào vì anh đã nắm được linh hồn cốt lõi của công nghệ MPR3K, là phần mềm cá thể hóa thẻ nhúng do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D Centre) của MK phát triển, giúp công ty tiết kiệm hàng trăm ngàn USD (nếu phải mua của nước ngoài).

Việc nghiên cứu và phát triển sẽ là chìa khóa để MK có thể Việt hóa các ứng dụng tiên tiến của thẻ thông minh ở nước ngoài và nhanh chóng đưa các ứng dụng này vào thị trường trong nước. Điều đó càng khiến anh tự tin hơn trong việc từng bước chèo lái con thuyền MK theo cách mà Steve Job đã hết mình tạo nên Apple, đó là luôn luôn đổi mới và sáng tạo, nhất là khi thị trường thẻ Việt Nam đang “mở tung” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Sự cạnh tranh để dành ngôi vị hàng đầu đang thực sự khó khăn, và thành công chỉ dành cho những người làm chủ công nghệ lõi...
Theo Báo đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.