Chàng sinh viên năm nhất trường y lập công ty Dell với 1.000 USD sau trò tháo tung máy tính để nâng cấp rồi bán lại kiếm lời.

Khối tài sản 22,5 tỷ USD đưa Michael Dell nằm trong danh sách 50 người giàu nhất hành tinh, ngang hàng Elon Musk.

Dell, 53 tuổi, sở hữu căn penthouse 100 triệu USD giữa lòng Manhattan, New York, cộng thêm ngôi nhà 40 triệu USD tại Boston và dinh thự bên bờ biển Kona, Hawaii, với 7 phòng ngủ và 12 phòng tắm.

Thế nhưng nhà sáng lập và CEO Dell Technologies khởi đầu đế chế máy tính năm 19 tuổi từ một nơi còn chưa thể gọi là nhà: phòng ký túc xá.

"Tôi lập công ty với 1.000 USD, một tuần trước kỳ thi cuối năm nhất đại học", ông Dell kể trên CNBC về thời điểm năm 1984, được coi là dấu mốc ra đời hãng máy tính Mỹ.

Michael Dell biết kinh doanh và kiếm được 18.000 USD từ năm 16 tuổi. Ảnh: Fortune.

Khi còn nhỏ, toán học và công nghệ chưa phải mối quan tâm thường trực của ông trùm máy tính. Năm 12 tuổi, cậu bé Dell tiết kiệm tiền để làm giàu bộ sưu tập tem bằng cách đi rửa bát cho quán ăn địa phương.

Vài năm sau, cậu có việc làm thêm mùa hè là bán báo dài hạn. Đó là thời điểm "ươm mầm" trí tuệ kinh doanh của tỷ phú tương lai.

Với công việc thuyết phục khách đặt mua báo lâu dài, thay vì nhấc máy liên lạc với bất cứ ai, Dell dùng tư duy phân tích. Chàng trai để ý những người có ý định an cư lạc nghiệp một nơi nhiều khả năng sẽ đặt báo dài hạn hơn. Từ nhận định đó, Dell thu thập thông tin người mua nhà và lập gia đình trong khu vực phụ trách để kết nối. Logic kinh doanh giúp cậu học sinh trung học kiếm 18.000 USD năm đó, hơn lương cả năm của giáo viên dạy cậu.

15 tuổi, Dell sở hữu chiếc máy tính đầu tiên nhãn hiệu Apple và quyết định tháo tung để tìm hiểu cấu tạo và cách thức vận hành bên trong. Đam mê công nghệ đến với cậu từ đây.

Dù vậy, cha mẹ muốn Dell theo nghề bác sĩ và để thỏa lòng phụ huynh, con trai họ trở thành sinh viên dự bị y khoa tại ĐH Texas.

Quãng thời gian này, Dell bắt đầu "độ" máy tính như một sở thích và công việc tay trái. Bằng cách nâng cấp ổ cứng và bộ nhớ, cậu bán lại máy cho bạn bè trong trường.

Chủ tịch Dell Technologies lý giải đơn giản trên NPR: "Đại loại bấy giờ tôi mua máy tính về, làm chúng mạnh lên, rồi bán lại. Với tôi, trò đó khá vui mà còn kiếm cho mình chút tiền".

Năm 1999, Dell về thăm căn phòng ký túc, nơi ông khởi nghiệp. Ảnh: CNBC.

Sau đó, Dell dần nhận ra tiềm năng có thể làm lớn hơn, vươn ra ngoài khuôn viên trường học. Cha mẹ nổi giận khi Dell bày tỏ nguyện vọng nghỉ học kiếm tiền, chàng sinh viên năm nhất phải giao kèo nếu doanh số mùa hè không như mong đợi, cậu sẽ lại lên lớp. Thế nhưng sau tháng đầu, Dell đã bán máy được 180.000 USD. Con đường đại học của "trùm" máy tính dừng lại năm 19 tuổi.

Nỗi ám ảnh về hiệu suất, với Dell, không chỉ dừng lại ở những chiếc máy tính mà còn về cách thức kinh doanh chúng. Ông kể lại thời điểm bước ngoặt: "Tôi bắt tay nghiên cứu sâu hơn mọi thứ về máy tính, và nhận ra một lỗ hổng trong ngành là sự thiếu hiệu suất đáng kể. Phải mất rất lâu để công nghệ từ tay người làm ra tới tay người dùng và quy trình này thậm chí đắt đỏ mà ì ạch".

Dell rút ra rằng cách nhanh nhất thu hẹp khoảng cách giữa bên lắp ráp và người mua là loại bỏ người bán trung gian. Chàng sinh viên nhận ra có thể tự mua các bộ phận, ráp thành chiếc PC với hiệu suất tương đương mà giá thành rẻ hơn so với sản phẩm tại các cửa hàng phân phối. Dell thậm chí bán trực tiếp qua điện thoại, nhận yêu cầu của khách rồi mới "chế" máy.

Chiến lược "bán hàng trực tiếp" giúp công ty của chàng trai 19 tuổi đạt doanh thu 6 triệu USD trong năm đầu vận hành, Dell bắt đầu "nổi như cồn".

Mối làm ăn của Dell nhanh chóng được Mark Cuban, năm ấy 25 tuổi, để mắt. Cuban chính là tỷ phú "cá mập" nổi tiếng của Shark Tank Mỹ sau này. Thời điểm đó, ông còn chập chững xây dựng công ty máy tính riêng có tên MicroSolutions ở Dallas.

"Tôi lái xe đến để nhặt vài chiếc ổ cứng về lắp vào máy tính cá nhân của khách hàng", Cuban nhớ lại chuyến đi đến công ty của Dell tại Austin, khi ấy được gọi PC's Limited và mới chuyển từ phòng ký túc xuống một nhà kho.

Tuy nhiên, Cuban vô cùng ấn tượng với hậu bối, đến mức viết tâm thư cảm ơn vì công việc tuyệt vời Dell đang làm và nói rằng nếu kiên trì, cậu chắc chắn còn tiến xa hơn nhiều.

Tỷ phú 53 tuổi và vợ lập quỹ Michael & Susan Dell đóng góp hàng tỷ USD cho các hoạt động từ thiện và phi lợi nhuận. Ảnh: Forbes.

Danh tiếng cho Dell tự tin đổi tên công ty theo tên mình năm 1987. Doanh số tiếp tục tăng vùn vụt, đạt đỉnh 159 triệu USD cuối năm 1988.

Cùng thời điểm đó, Dell Computer "lên sàn" với mức vốn hóa 85 triệu USD sau chỉ 4 năm từ khi ra đời và đến năm 1992, Michael Dell trở thành CEO trẻ nhất điều hành một công ty trong danh sách Fortune 500, khi mới 27 tuổi.

Năm 1996, hãng máy tính toàn cầu cho ra đời kênh bán online và nhanh chóng đạt doanh số trực tuyến 1 triệu USD mỗi ngày. Năm 2001, Dell vươn lên trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân số 1 thế giới. Đến nay, Dell đã bán được hơn 650 triệu máy.

Với những sinh viên tham vọng như bây giờ, ông Dell cho rằng cơ hội vô cùng dồi dào để tạo nên hàng loạt gã khổng lồ công nghệ tiếp theo. Tuy nhiên để làm nên chuyện, theo ông, họ cần khơi dậy trí tò mò thực thụ.

"Vua máy tính" quan niệm những công ty thành công luôn ra đời từ việc: "Thứ này làm tôi thích thú, rồi nó khiến tôi quan tâm, sau cùng tôi nảy ra một ý tưởng".

Quốc Việt (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.