Doanh nhân, nhà khoa học - Tiến sĩ Trần Đức Hạnh: “Chọn ngành nghề kinh doanh có đạo đức, luôn có tư tưởng phục vụ cho khách hàng, đối tác, cho cán bộ công nhân viên và có giá trị cho xã hội, biết khiêm tốn, hạ thấp cái tôi của mình thì chắc chắn sẽ thành công”.

Khác hẳn sự sôi động và lên xuống thất thường của các ngành thương mại như: chứng khoán, vàng, ngoại tệ…, ngành nghề sản xuất, kinh doanh thuốc thú y hàng ngày sản xuất ra của cải, vật chất lại là nghề ổn định và có tầm quan trọng đối với nền kinh tế đất nước và an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.

Người xưa có câu Sĩ - Nông - Công - Thương là ý nghĩa nói rằng bốn ngành nghề chính cao quý luôn được xã hội tôn vinh đó là: Người khoa học, trí thức; người sản xuất và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp làm ra của cải vật chất và lương thực ăn uống sinh hoạt hàng ngày; người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thường cho ra những sản phẩm chất lượng cao, hiệu quả; người hoạt động trong những ngành dịch vụ, kinh doanh, thương mại thường cho hiệu quả kinh tế cao.

Cả bốn ngành nghề và các yếu tố quan trọng này đều hội tụ trong “người tài” doanh nhân - Tiến sĩ Trần Đức Hạnh. Người có tố chất tài đức, hành xử văn hóa, người thường xuyên xây dựng và biết cách tu dưỡng cho cá nhân mình cái quyền sẵn có trong mỗi người, người có chuyên môn tốt, yêu chuyên môn và không ngừng học hỏi, đồng thời cũng là người sớm xác định được doanh nhân phải là người hiếu học và cần học suốt đời. Người luôn tự biết rèn luyện nâng cao uy tín cá nhân thông qua việc quản trị tốt các mối quan hệ, quản trị tốt các thông tin, người cần mẫn trong mỗi việc làm, ứng xử linh hoạt và tự tin. Người biết trân trọng pháp lý và chức vụ đang có, người có kỹ năng và biết cách dùng quyền, người có tầm ảnh hưởng lớn với nền khoa học thú y Việt Nam, người là niềm tự hào cho giới trẻ của trí tuệ Việt, niềm tự hào cho sản phẩm chất lượng cao, chứa đựng hàm lượng trí tuệ vượt trội trong mỗi sản phẩm của các doanh nghiệp trẻ xứng tâm và tầm, đủ sức mạnh cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Trần Đức Hạnh nhận Cúp vàng thương hiệu tại Hội chợ Quốc tế 2010

Sản phẩm của Công ty CP Thuốc thú y Marphavet do Tiến sĩ Trần Đức Hạnh làm Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị đang giúp đỡ hàng triệu nông dân Việt Nam và nông dân của hơn mười quốc gia đang có sản phẩm của công ty xuất khẩu yên tâm chăn nuôi sản xuất.

Phát triển bền vững nhờ tư tưởng đúng đắn, cho ra thị trường những sản phẩm tốt hiệu quả cao phục vụ người tiêu dùng giảm nhân công khi dùng thuốc phòng và chữa bệnh cho vật nuôi, nâng cao uy tín cho khách hàng, luôn thể hiện được nhiệm vụ và sứ mệnh của doanh nghiệp “Hiệu quả sử dụng của bạn là sức mạnh của chúng tôi”

Trí thép và chất thép hội tụ trong một con người

Những doanh nhân trẻ thành đạt trong xã hội ngày nay không hiếm, nhưng thành đạt từ hai bàn tay trắng thì không phải là nhiều. Đi lên từ khó khăn, tự thân lập nghiệp trong một lĩnh vực mà ít có người trẻ tuổi nào đam mê theo đuổi.

Với ý chí kiên cường vượt qua khó khăn đã “tôi luyện” cho Trần Đức Hạnh Giám đốc Công ty cổ phần thú y Đức Hạnh Marphavet trở thành một doanh nhân tâm và tài khi tuổi đời còn rất trẻ.

Sự thành công của anh được hội tụ giữa tri thức và kinh nghiệm thực tiễn. Anh được mọi người cảm phục không chỉ trên cương vị là một nhà kinh doanh giỏi mà còn là tấm gương không ngừng học hỏi làm giầu tri thức cho mình và giúp ích cho đời.

Con đường thực hiện ước mơ

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp, với đồng lương “ba cọc, ba đồng” trong nghề giáo của bố và mẹ nên để lo cuộc sống cho gia đình luôn là gánh nặng trĩu vai cha mẹ, anh thường khóc thầm nhưng đang tuổi ăn học nên anh không thể làm gì để chia sẻ được mà chỉ biết học thật giỏi. Năm 1981 - 1986 vì sức khỏe, bố mẹ anh xin nghỉ chế độ một lần thì khó khăn lại càng thêm chồng chất. Anh đỗ một lúc hai trường đại học có tiếng nhất đó là Bách Khoa và Đại Học Y, đối với mọi gia đình lúc bấy giờ thì đấy là niềm vui, niềm tự hào nhưng đối với gia đình anh thì lại là nỗi lo.

Cảm thông với nỗi vất vả của bố mẹ, anh phải từ bỏ ước mơ bước chân trên giảng đường của hai trường đại học. Khó khăn vật chất không quật ngã được niềm khát khao tri thức của anh. Trường Đại Học Nông Lâm Thái Nguyên là lựa chọn để anh đặt niềm tin cho ước mơ của mình vì chỉ có ở Thành phố Thái Nguyên thì anh mới có thể giấu bố mẹ để bố mẹ yên lòng, đồng thời chi phí ở đây thấp hơn ở Hà Nội.

Tuy nhiên đi học đồng nghĩa với việc anh phải tự trang trải cho cuộc sống của mình, không có con đường nào khác là phải lao động nỗ lực hết mình. Sự lựa chọn này có lẽ là “bản ngã” trong cuộc đời dẫn anh đến vị trí như ngày hôm nay. Trong nhà anh lúc bấy giờ duy nhất chỉ có người em trai là biết được anh đang học đại học. Anh tự bươn trải với cuộc sống mưu sinh, nhưng thành tích học tập của anh vẫn không hề giảm. Để đảm bảo cho cuộc sống của một sinh viên nghèo anh không từ bất kỳ công việc gì miễn đó là nghề lương thiện.

Tốt nghiệp hai bằng đại học với hai chuyên ngành kỹ sư Nông học và bác sĩ Thú y đã là một tấm gương sáng, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các thầy cô và bạn bè, là sinh viên nghèo vượt khó hay nói đúng hơn anh là một hiện tượng với nghị lực phi thường, vừa học vừa làm thêm, kiếm tiền ăn học. Trong quá trình học, gia đình kinh tế khó khăn nên anh vừa đi học vừa đi đào ao thuê, đi đóng than tổ ong, đi bốc vác quặng ở ga Quán Triều - Thái Nguyên, chụp ảnh thuê cho sinh viên, buôn ti vi đen trắng từ vùng xuôi mang lên vùng ngược, buôn đồ điện tử lên vùng Na Rì, Bắc Cạn khi vùng này còn chưa có điện lưới, buôn lợn giống hướng nạc lên vùng cao.

Anh là người có công lớn góp phần cải tạo các giống lợn Ỉ (lợn cắp nách) thành giống lợn siêu thịt lai F1, với cương vị là một sinh viêm anh tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp trường và viết nhiều bài báo có giá trị. Vừa học đại học vừa làm thêm, đồng tiền anh kiếm được từ mồ hôi, nước mắt nên anh vô cùng trân trọng và càng tạo cho anh động lực cũng như ý chí là quyết tâm phải học xong đại học làm được nhiều tiền để thoát nghèo cũng như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Giờ đã là doanh nhân trẻ có nhiều triển vọng nhưng anh vẫn nhớ mãi những khó khăn vất vả những ngày đã qua vì thế mỗi khi cần có ý chí để vượt qua khó khăn là anh lại nhớ về kỉ niệm cũ để lấy thêm nghị lực.

Nước mắt và nụ cười

Ngày anh và người thân tìm lại những vùng anh vừa học vừa làm cảnh xưa vẫn còn đó với bao kỷ niệm. Căn phòng trọ 7-8m2 nơi anh ở trọ giờ đã được bà chủ nhà dùng làm kho chứa đồ dùng cũ, chứa rác thải của gia đình và xóm trọ. Những ao cá giờ đây với nhiều loại các đang tung mình bơi lượn nhưng ai đâu biết rằng để có được ao cá hàng nghìn m2 như ngày hôm nay là cả bao ngày đêm nước mưa trộn lẫn mồ hôi trên gương mặt chàng thành niên Đức Hạnh.

Khi anh học xong đại học thì những bãi đất sỏi vô giá giờ đã được anh cải tạo giúp mọi người thành những ao cá bội thu. Nhìn vào những thành quả mà anh đã làm mà người thân và bạn bè vừa thấy xót xa vừa khâm phục vì sự gian khổ mà anh đã âm thầm chịu đựng cũng như ý chí và nghị lực của một chàng trai trẻ.

Anh và mọi người nhận cá bác chủ nhà biếu, anh cười mà nước mắt cứ tuôn trào, em trai anh đi cùng không giấu được cảm xúc đã ôm anh trai và cùng khóc nức nở. Đã có những giọt nước mắt đắng cay ngày hôm qua rơi xuống để hôm nay những giọt nước mắt hạnh phúc chảy dài mãi trong tim mỗi người quý mến anh. Tất cả kiến thức được học trên ghế nhà trường, anh áp dụng ngay vào thực tiễn.

Tuy tuổi đời mới ngoài 30 nhưng kinh nghiệm trong công việc chuyên môn cũng như trong lĩnh vực kinh doanh lại rất dạn dày. Sau khi tốt nghiệp, lấy bằng kỹ sư nông học, anh tiếp tục đi học cao học chuyên ngành về thú y, tốt nghiệp bác sĩ, thạc sỹ, và rồi tiến sĩ. Trong quá trình học, anh còn tranh thủ đi làm ở các công ty dược và kinh doanh của các hãng Mỹ, Hà Lan, tham gia viết bài cho một số tờ báo quốc tế và nhiều cuốn sách xuất bản, nhiều giáo trình được sử dụng để giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học… và giữ nhiều chức vụ quan trọng như trưởng phòng kinh doanh, hay làm phó giám đốc kinh doanh.

Để khẳng định mình đồng thời phát huy hết được những trải nghiệm về lý thuyết, thực tiễn và những kinh nghiệm quý báu phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt của mình, anh đã mạnh dạn bỏ số vốn ít ỏi dành dụm được đầu tư vào kinh doanh do mình làm chủ. Mới đầu anh mở trang trại chăn nuôi, sau đó trang trại đã phát triển lên đến hàng vạn con và mô hình trang trại của anh chính là mô hình chăn nuôi trang trại lớn đầu tiên ở Phổ Yên, Thái Nguyên. Thành công của anh đã tạo ra phong trào chăn nuôi có quy mô, đã có nhiều hộ chăn nuôi trang trại thành công và đã xuất hiện nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi của huyện, tỉnh. Ngoài chăn nuôi trang trại anh mở một cửa hàng kinh doanh thu hút gần mười lao động có thu nhập ổn định.

Năm 2007, một quyết đinh táo bạo đối với chàng trai trẻ Đức Hạnh đó là thành lập: “Công ty cổ phần thuốc Thú y Đức Hạnh Maphavet” đóng tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội và dần dần đã phát triển thêm chi nhánh tại Đồng Nai, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Thành Phố HCM... đồng thời là chủ tịch HĐQT của năm công ty thành viên khác.

Anh mở công ty với mong muốn giúp bà con được sử dụng các loại thuốc có hiệu quả để tránh được rủi ro trong chăn nuôi. Anh kinh doanh bằng chữ tín và chữ tâm cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một nhà chuyên môn, người chăn nuôi nên tất cả các sản phẩm do Công ty Marphavet sản xuất có mặt trên thị trường dù chỉ một thời gian ngắn nhưng đều được bà con trên các vùng miền tín nhiệm vì hiệu quả sử dụng tốt.

Anh tự hào vì ở đâu có thị trường thuốc thú y của các nước tiên tiến như: Đức, Pháp, Mỹ… có mặt thì công ty anh là công ty đầu tiên dám cạnh tranh và đã chiếm được lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên bên cạnh những thành quả mà anh có được anh cũng gặp không ít khó khăn của nhiều đối thủ kể cả cạnh tranh lành mạnh cũng như không lành mạnh.

Ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm và sự đoàn kết của toàn anh em trong công ty đã giúp anh vượt qua tất cả. Để chứng minh giá trị cho sản phẩm của mình anh đã xây dựng thành công nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thanh Tôn, Trung Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên.

Thời gian, nhiệt huyết và công sức anh bỏ ra không hề uổng phí. Công ty anh đã gây dựng được thương hiệu cho mình đối với ngành chăn nuôi trong nước và quốc tế. Với mục tiêu “Hiệu quả của bạn là sức mạnh của chúng tôi”, công ty đã mở ra hàng trăm câu lạc bộ chăn nuôi ở khắp các tỉnh thành cả nước. Mục đích của câu lạc bộ là tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn cách sử dụng thuốc có hiệu quả mà chi phí thấp, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, phòng dịch bệnh và cung cấp các tài liệu liên quan.

Để chứng minh cho giá trị sản phẩm của mình, công ty cung cấp thuốc cho bà con sử dụng trước, nếu tốt, thấy hiệu quả thiết thực thì mới thu tiền sản phẩm. Không những có sản phẩm có chất lượng, chế độ hậu mãi khách hàng tốt mà Đức Hạnh Marphavet luôn biết chia sẻ thành quả của mình bằng các hoạt động từ thiện. Mỗi năm số tiền anh tham gia từ thiện lên đến hàng tỷ đồng.

Với một đội ngũ chuyên viên nghiên cứu trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề và hàng trăm tiến sĩ đầu ngành Hóa, Sinh, Dược, Bệnh lý, Thú y… và những công nghệ máy móc hiện đại nhất, Đức Hạnh Marphavet đang chứng minh là một thương hiệu Việt có đủ tầm để cạnh tranh và hội nhập với thế giới. Hiện nay Đức Hạnh Marphavet đã có hàng trăm sản phẩm của Cục Thú Y cấp phép và lưu hành, trong đó có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng.

Ghi nhận thành quả của công ty anh, Cục Thú Y đã cấp giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thuốc” và công ty anh còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, các loại cúp như: Cúp vàng sản phẩm nông nghiệp, Huy chương vàng sản xuất nông nghiệp, Thương hiệu Việt uy tín, Thương hiệu nổi tiếng các nước ASEAN, TOP 10 nổi tiếng thế kỷ 21, Cúp vàng doanh nhân văn hóa thời đại HCM, Cúp vàng nhà quản lý xuất sắc các nước ASEAN, Cúp vàng nhân tố mới...

Đi lên từ bản lĩnh, trí tuệ và “tinh thần thép” của người con nơi căn cứ địa cách mạng, thành công của Trần Đức Hạnh không chỉ là niềm tự hào cho mọi người thân của anh mà anh chính là tấm gương sáng trên Đất thép.

Trăn trở vì nông dân

Trên cương vị của Tổng giám đốc một công ty thuốc thú y, Trần Đức Hạnh phân tích ra rằng: Tôi hiểu người nông dân. Tôi biết họ đang cần gì. Họ đứng ở đâu. Và tôi làm được gì cho họ!

Trần Đức Hạnh say mê nói về công việc của mình, nói về người nông dân: Làm về ngành thuốc thú y phục vụ cho nền chăn nuôi Việt, tôi biết nông dân cần thứ thuốc thú y tốt và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cũng chính bởi niềm trăn trở ấy mà tôi lập nên Đức Hạnh Marphavet. Công ty chuyên về lĩnh vực sản xuất thuốc thú y, thuốc thủy sản, chế phẩm sinh học, vacxin phòng bệnh, thức ăn gia súc, thức ăn bổ sung, sản xuất các men sống hữu ích…

Trong khi trên nhiều kênh thông tin về nông nghiệp người ta cứ thao thao bất tuyệt nói về sự hợp tác giữa 5 nhà: Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà đầu tư sản xuất - Nhà phân phối - Nhà tiêu dùng. Thế nhưng thực tế, không có nhiều nơi làm tốt được điều này. Hạnh có cách làm riêng của mình, anh không “đao to búa lớn” anh chỉ bảo: “Khi nông dân vất vả tôi lo lắng, khi có lợi nhuận tôi sẵn sàng chia với đại lý phân phối và người tiêu dùng. Để phát triển công ty, tôi coi con người là yếu tố quan trọng nhất. Ở công ty họ được đãi ngộ và làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp nhất. Công ty còn là nơi mọi người được học tập và thỏa sức sáng tạo. Còn tôi, với cương vị là người quản lý, tôi luôn gương mẫu và làm hài hòa các lợi ích đó. Tôi nhắc mình từng ngày, từng giờ để làm tốt hơn”.

Trước khi biết đến Trần Đức Hạnh, tôi từng làm việc với những nông dân. Những người nông dân chăn nuôi vừa và lớn thuộc làu những cái tên thuốc như Marphamox-LA, Mardoxy, Coli 102, Colicoc, Coli-lỵ… Họ bảo, họ đã dùng, đã nhớ vì những thứ thuốc ấy là cứu cánh cho đàn gia súc, gia cầm của họ khi mang bệnh. Họ gọi thân mật thứ thuốc đó là “thần dược thú y” hay “thuốc thú y kỳ diệu.

Hết lòng vì cộng đồng

Dõi theo Hạnh, tôi thấy anh là con người tài giỏi và đức độ. Anh có những clip đăng trên mạng hướng dẫn cụ thể cho nông dân về từng bệnh và cách phòng chữa. Tôi thấy anh hát trên sân khấu với cán bộ công nhân viên của công ty. Tôi thấy anh nắm tay rất chặt những người có niềm tin vào nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. Và hơn hết, tôi thấy anh cười tươi khi thấy các em học sinh nghèo vui với những phần quà nhỏ từ các nghĩa cử của mình... Tất cả đủ “lộ” ra một nhà một nhà khoa học hàn lâm về chuyên môn và luôn “Đức Hạnh”. Một nhà quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, xuất chúng. Một nhà văn hóa đáng kính. Một con người có tính cam kết cao. Một đối tác tin cậy. Một con người sống giản dị. Một con người đầy trách nhiệm và luôn có tâm vì cộng đồng…

Bên cạnh việc tạo ra các loại thuốc tốt giúp ích cho bà con nông dân, anh còn sáng kiến lập ra hàng trăm câu lạc bộ chăn nuôi ở khắp các tỉnh thành cả nước. Mục đích của các câu lạc bộ là tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn cách sử dụng thuốc có hiệu quả mà chi phí thấp, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, cung cấp các thông tin mới, kiểm soát dịch bệnh và cung cấp các tài liệu liên quan cho nông dân. Đây là một hoạt động thiết thực giúp đỡ nông dân, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Không nói nhiều về những điều mình đã làm cho cộng đồng nhưng tôi biết hằng năm Doanh nghiệp của anh đã dành rất nhiều kinh phí trích từ quỹ phúc lợi cho các hoạt động từ thiện, con số lên tới hàng tỷ đồng phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ trẻ em tàn tật nghèo khó, chất độc mầu da cam; giúp đỡ các trung tâm thương binh nặng; trung tâm bảo trợ xã hội; Bộ đội biên phòng, hải đảo; hỗ trợ các quỹ xã hội, các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như Trường Tiểu học Tân Phú là một trong những địa chỉ mà những năm qua luôn có sự đồng hành giúp đỡ của Mapharvet. Công ty đã dành khá nhiều kinh phí lập nên các quỹ khuyến học cho sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên xuất sắc ở nhiều trường đại học trong cả nước, ủng hộ kinh phí tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho nhiều trường cấp I, II, III trong tỉnh Thái Nguyên, đắp đường công đức...

Ngoài ra Công ty còn tổ chức các chương trình tặng sữa, tặng quà cho học sinh các trường tiểu học như chương trình “Tặng sữa tươi Mộc Châu cho học sinh Trường Tiểu học Tân Phú”. Chương trình đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, sự phản hồi tích cực từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh. Đặc biệt, các em học sinh rất thích thú và vui mừng khi nhận được món quà ý nghĩa này.

Trần Đức Hạnh là người đàn ông “ăn to nói lớn”. Nói thế để thấy, dù đứng từ rất xa nhìn anh, người ta vẫn thấy uy lực của một người lãnh đạo lớn. Một cái bắt tay thật chặt với vị giám đốc mạch lạc này. Tôi không biết “Đức Hạnh Marphavet” còn lớn mạnh đến đâu nhưng chắc chắn vị doanh nhân này sẽ còn làm những điều tốt và có giá trị cho xã hội. Tôi cảm thấy vững tin vào anh, vững tin vào con người lúc nào làm việc cũng nghĩ đến lợi ích xã hội, gắn sự phát triển của doanh nghiệp với trách nhiệm vì cộng đồng.

Năm 2013, Trần Đức Hạnh đang có một kế hoạch được coi là hướng đi chiến lược đối với công ty Marphavet. Đó là xây dựng nhà máy sản xuất Vacxin thú y đạt tiêu chuẩn GMP của WHO. Những năm qua anh cùng ban giám đốc công ty CP Thuốc Thú y Đức Hạnh Marphavet đã đi tìm hiểu công nghệ Sản xuất Vacxin của nhiều quốc gia trên thế giới, cuối cùng anh và công ty đã chọn được dây chuyền công nghệ sản xuất Vacxin tiên tiến đạt tiêu chuẩn GMP/WHO bên phía đối tác tại Mỹ, Đức, Ý, Nhật… với cả ba dây chuyền sản xuất virus, virus tế bào và vi khuẩn. Dự kiến cuối năm 2013 nhà máy sẽ khánh thành và đi vào hoạt động sản xuất.

Đây không những là bước tiến lớn đối với Marphavet mà còn là một tiến bộ của công nghiệp sản xuất thuốc thú y Việt Nam. Sau khi xây dựng và hoàn thiện quá trình thẩm định dây chuyền sản xuất, công ty của Trần Đức Hạnh đã có kế hoạch phát triển thị trường Vacxin sang các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, và một số nước thuộc Nam Phi. Đối tác Vacxin Ấn Độ đã sang thăm và làm việc tại nhà máy sản xuất thuốc Thú y Marphavet, mở ra triển vọng hợp tác giữa hai bên.

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, anh vinh dự được nhận giải thưởng tôn vinh "Doanh nghiệp - Doanh nhân Văn hóa Thời đại Hồ Chí Minh" vào sáng ngày 14/10/2013 tại Nhà hát lớn (Hà Nội). Tiến sĩ Trần Đức Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet vẫn luôn là con người giản dị, chân tình, khiêm tốn, sống lao động, cống hiến và khát khao đóng góp trí tuệ nhỏ bé của mình cho sự phát triển của ngành Chăn nuôi Thú y nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Đức Thanh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.