Tận dụng phế phẩm nông nghiệp và quỹ đất, Hoàng Anh Gia Lai vừa quyết định liên kết với doanh nghiệp ngành sữa (Nutifood) và kỹ nghệ súc sản (Vissan) để triển khai dự án chăn nuôi - khai thác lớn chưa từng có.

Đầu tuần này, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa hoàn tất thủ tục ký kết hợp tác đầu tư với Công ty thực phẩm dinh dưỡng Nutifood và Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan). Đây là lần đầu tiên 3 doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác đầu tư một dự án nông nghiệp quy mô hơn chục nghìn tỷ đồng. Theo đó, HAGL sẽ đảm nhiệm khâu chăn nuôi đàn đại gia súc, hai đối tác còn lại Nutifood và Vissan sẽ cam kết thu gom thịt - sữa, cung ứng ra thị trường với giá cả cạnh tranh.

Theo dự kiến của các bên, sẽ có không dưới 11.300 tỷ đồng được bỏ ra để thực hiện dự án, được chia làm 2 giai đoạn (từ nay đến 2017). Doanh nghiệp của Bầu Đức kỳ vọng sẽ tạo được đàn bò 236.000 con (gồm cả loại lấy sữa và loại cho thịt), tức là tương đương tổng số đàn bò hiện có tại Việt Nam.

Là đối tác thu gom bò thịt bò từ các trang trại của dự án, Công ty Vissan cũng tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc với công suất 78.000 tấn một năm, tiêu thụ toàn bộ lượng thịt bò do HAGL cung cấp.

Ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAGL (bên trái) bắt tay Chủ tịch HĐQT Nutifood Trần Thanh Hải (bên phải) sau khi ký kết hợp tác dự án nuôi bò - cung ứng sữa bò. Ảnh: Vũ Lê

Chủ tịch Công ty thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, Trần Thanh Hải cho biết, với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa hiện nay, nếu phải đầu tư nuôi đàn bò sữa doanh nghiệp sẽ phải tính đến 3 yếu tố: quỹ đất quy mô lớn, thức ăn và nguồn nhân lực - công nghệ. Do đó, việc hợp tác có thể giúp doanh nghiệp của ông rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, qua đó góp phần hạ giá sữa.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Vissan, Văn Đức Mười cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam khoảng 3.000 con một ngày, riêng TP HCM tiêu thụ 600 con. Do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu nên đa phần thịt bò trên thị trường phải nhập khẩu. Do đó, với mô hình chăn nuôi công nghệ cao khép kín, tiết kiệm 70% chi phí thức ăn (do tận dụng được nguồn phụ phẩm từ cây mía, bắp, cọ dầu...), người tiêu dùng chắc chắn sẽ được sử dụng thịt bò chất lượng cao giá cả cạnh tranh từ năm 2015.

Chủ tịch HAGL, Đoàn Nguyên Đức cho biết, ngày 16/6 lứa bò thịt đầu tiên sẽ nhập về các trang trại của tập đoàn tại Lào, Campuchia. Riêng bò sữa sẽ về đến Gia Lai vào cuối năm nay. "Nếu không có gì thay đổi, đến năm 2015 bò thịt sẽ mang về khoản lợi nhuận tối thiểu 30 triệu USD cho tập đoàn. Riêng bò sữa, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật nên tôi chưa thể công bố lợi nhuận dự kiến", ông Đức nhẩm tính.

Khi bị chất vấn về những rủi ro của việc chăn nuôi bò và dự án từng bị một đại gia ngành sữa đánh giá là không phải ai cũng thành công, Bầu Đức thừa nhận những lời cảnh báo là có cơ sở. Nhưng ông cho rằng đó là lời đánh giá chưa toàn diện, vì những chuyên gia đó chưa biết HAGL nuôi bò như thế nào.

"Tôi có sẵn đất đai, phụ phẩm, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Đối tác hỗ trợ công nghệ cho chúng tôi là Israel, một ông lớn về nông nghiệp kỹ thuật cao của thế giới. Với dự án nắm chắc một lời một, sức hấp dẫn là không thể chối từ", ông Đức nói.

Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.