Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Gia đình tôi và hộ ông H nhà ở sát vách nhau. Năm 2004, do có Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua nên giá đất ở khu vực này tăng vọt. Trước đây, 2 nhà chỉ thoả thuận bằng miệng lấy cây nhãn ngoài đường làm mốc ranh giới sử dụng đất giữa 2 bên. Nay nhà ông H xây tường bao, nếu tính từ vạch kẻ gốc nhãn thì vào phần đất nhà tôi 20 cm.
Tôi có yêu cầu ông H xây dựng lại tường bao lùi vào phần đất của mình 20 cm, nhưng ông H không đồng ý phá bức tường đã xây. Tranh chấp đất đai xảy ra.
Cho tôi hỏi, trong trường hợp này, cơ quan nào sẽ giải quyết vụ việc, ai là người vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất? Mong luật sư tư vấn giúp tôi phải làm gì bây giờ. Xin cảm ơn.
touyen87@...
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN.
Việc gia đình bạn cho rằng người hàng xóm có hành vi lấn chiếm đất của gia đình bạn, thì gia đình bạn sẽ có nghĩa vụ chứng minh diện tích đất lấn chiếm đó thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn. Theo quy định tại Điều 265 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:
“Điều 265. Nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản
1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.
2. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách”.
Để giải quyết vấn đề này thì hai bên có thể thỏa thuận với nhau, trường hợp không thỏa thuận được thì được khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Và hai bên đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã nơi có bất động sản.
Trường hợp các bên không thể chứng minh được do không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì tranh chấp được giải quyết như sau:
Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đất đai 2013 về Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành
“1. Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
a) Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;
b) Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;\
c) Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;
đ) Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
2. Căn cứ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành.”
CafeLand kết hợp Công ty luật TNHH Đức An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.