Việt Nam học được gì từ “bom nợ” 300 tỉ USD của Evergrande?Việt Nam học được gì từ “bom nợ” 300 tỉ USD của Evergrande?
Việc đại gia bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc đang chìm trong khoản nợ hơn 300 tỉ USD sẽ không có tác động trực tiếp nhiều đến kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đây là bài học quý giá để các doanh nghiệp Việt Nam rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển dự án và huy động vốn.

Sự “vĩnh hằng” sụp đổ?

Tập đoàn Evergrande đang chìm sâu trong khoản nợ khổng lồ

Được thành lập năm 1996, Tập đoàn bất động sản Evegrande đã có một quá trình phát triển như vũ bão vươn lên thành doanh nghiệp đứng nhất nhì trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc.

Sự tự tin và tham vọng xây dựng một doanh ngiệp “siêu khổng lồ” của giới chủ Evegrande được thể hiện ngay tên gọi của tập đoàn này. Evegrande có nghĩa là Hằng Đại - là sự to lớn, vĩnh cữu không bao giờ sụp đổ.

Những con số của Evegrande trước khi khủng hoảng cũng hết sức thuyết phục. Cụ thể, doanh nghiệp này đứng thứ 2 xét về doanh số với tổng tài sản khoảng 2.300 tỉ nhân dân tệ (gần 354 tỉ USD) trong các bảng xếp hạng 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc. Tập đoàn này đã có mặt trong top 500 doanh nghiệp mạnh nhất toàn cầu 6 năm liên tiếp với thứ hạng hiện nay là 122.

Evegrande nắm trong tay hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Ngoài bất động sản, tập đoàn còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác, như: xe điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, truyền hình,…

Tên tuổi của Evegrande còn được “đánh bóng” khi đổ rất nhiều tiền để đầu tư vào bóng đá khi sở hữu câu lạc bộ Quảng Châu. Đình đám nhất khi Evegrande bạo tay chi gần 2 tỉ USD để xây sân vận động cho câu lạc bộ này.

Tuy nhiên, những con số ấn tượng và sự hào nhoáng bên ngoài đó không giúp Evegrande che giấu được khoản nợ khổng lồ mà doanh nghiệp này đang gánh lên đến hơn 300 tỉ USD.

Khoản nợ này tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc và xấp xỉ bằng GDP trong một năm của cả nước Việt Nam.

Sự “vĩnh hằng” mà Evegrande hướng đến đang có nguy cơ chấm dứt, kéo theo đó là những khủng hoảng kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc và hàng triệu khách hàng của tập đoàn này phải đối diện.

Evegrande đang phát triển hàng nghìn dự án bất động sản tại Trung Quốc (Hình minh hoạ)

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính Ngân hàng phân tích, có hai nguyên nhân chính khiến tập đoàn Evegrande chìm sâu vào khủng hoảng nợ nần.

Thứ nhất là Evegrande đã đầu tư quá nóng bằng nguồn vốn vay vào một thị trường quá lớn nhưng khi gặp suy thoái thanh khoản thì tính chuyển đổi rất chậm như Trung Quốc.

Thứ hai, từ năm 2015 khi phát hiện những dấu hiệu bất ổn Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo. Tuy nhiên, Evegrende không tận dụng khoảng thời gian này để tái cấu trúc nguồn vốn theo hướng bền vững hơn mà tiếp tục đặt cược vào thị trường bất động sản vì cho rằng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại.

“Evegrande tiếp tục vay nóng để đầu tư hàng loạt dự án bất động sản trong giai đoạn từ 2015 – 2020 tuy nhiên thị trường không tăng trưởng như kỳ vọng của họ khiến doanh nghiệp bị sa lầy”, ông Hiển nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính Ngân Hàng cho biết, sự mất cân đối trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã đẩy Evegreenden lâm vào khủng hoảng.

Ông Hiếu cho biết, tỉ lệ đòn bẩy lý tưởng nhất là 1/1 ngĩa là 1 đồng nợ trên một đồng vốn. Mức 2/1 có thể chấp nhận, 3/1 là khá cao, 4/1 là nguy cơ rất cao và 5/1 thì nguy cơ phá sản là rất lớn.

Nếu đối chiếu tỉ lệ này với Evegrande thì doanh nghiệp này đang có khoảng 6 đồng nợ trên 1 đồng vốn sở hữu. Cụ thể, tổng tài sản của Evegrande khoảng hơn 300 tỉ USD, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 54 tỉ USD.

Evegrande cũng đã phá rào nếu căn cứ vào 3 lằn ranh đỏ mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho các doanh nghiệp.

Lằn ranh thứ nhất là tỉ lệ tổng nợ trên tổng tài sản không thể vượt quá 70% (Evgrean ở mức 83%). Lằn ranh thứ hai là nợ (nợ vay ngân hàng hoặc trái phiếu) trên vốn chủ sở hữu không được phép vượt qua 100% (Evegrande là 118%). Lằn ranh thứ 3 là tiền mặt (có thể tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng) chia cho nợ ngắn hạn (nợ sẽ phải trả trong vòng 12 tháng tới) phải trên 100% (Evegrende chỉ có 36%).

“Vơi các chỉ số xấu như vậy thì các ngân hàng sẽ không thể tiếp tục cho Evegrenden vay tiếp. Doanh nghiệp buộc phải bán tháo tài sản để trả nợ với mức lỗ rất lớn không chỉ làm tụt giảm tài sản mà còn mất đi cả thị trường. Đây là thảm hoạ với doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Tác động như thế nào đến Việt Nam?

Tiến sĩ Hiếu cho biết, với quy mô khổng lồ như Evegrande thì sự sụp đổ của doanh nghiệp này sẽ có tác động rất lớn với nền kinh tế Trung Quốc và các thị trường tài chính lớn trên thế giới.

Với một thị trường chứng khoán quy mô còn nhỏ như Việt Nam vụ vỡ nợ này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, nếu các nhà thầu của Evergrande mà cũng đang làm nhà thầu cho các dự án ở Việt Nam thì có thể bị ảnh hưởng. Những nhà thầu này nếu không được Evegrande trả nợ thì sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp nguyên liệu cho các dự của ở Việt Nam.

Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển thì cho rằng, thị trường bất động sản Trung Quốc và Việt Nam đều có những nét tương đồng. Cụ thể, cách thức phát triển của các doanh nghiệp đều dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng và gần đây là trái phiếu. Cả hai nước đều cho phép loại hình bán nhà hình thành trong tương lai và thiếu đi các quỹ đầu tư tài chính bền vững.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết mỗi nước lại có một đặc điểm riêng để “chống lưng” cho thị trường bất động sản. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam còn mới mẻ đang tăng trưởng tốt và có độ mở rất cao. Giá trị xuất nhập khẩu ngày càng tăng mạnh. Các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đổ vốn vào Việt Nam.

Với hệ thống tài chính thì Ngân hàng Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách quản lý chặt chẽ. Trong đó, việc giảm tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ “nắn” dòng chảy đồng tiền không đổ quá nhiều vào thị trường bất động sản.

Trong cuộc trao đổi mới đây với báo Zing.vn, ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, câu chuyện từ vụ Evegrande là bài học quý giá với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.

Cụ thể, bài học đầu tiên là các doanh nghiệp cần kiểm soát dòng tiền một cách hiệu quả, tránh vay nợ quá nhiều.

Bài học tiếp theo là doanh nghiệp nên tập trung vào thế mạnh của mình, tránh việc đầu tư quá tham vọng vào các lĩnh vực khác một cách thiếu cẩn trọng. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh mà kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch.

Thứ ba là khi vay nợ quá nhiều, doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề và trong những giai đoạn kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, dòng tiền trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu.

Bên cạnh đó, ông David Jackson khuyến nghị các doanh nghiệp nên tập trung vào thế mạnh của mình, tìm cách khai thác các phân khúc có nhu cầu thực lớn trên thị trường.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.