Sở hữu 6 bằng sáng chế trong lĩnh vực y khoa tại Mỹ, những tưởng Philip Phước Đào sẽ gắn đời mình trong không gian của những phòng thí nghiệm tối tân ở Mỹ. Vậy mà ông vẫn bước ra ngoài, dấn thân vào kinh doanh ở một quốc gia còn nghèo. Đơn giản chỉ vì đó là quê hương của ông.

Ông Philip Phước Đào, Tổng giám đốc Công ty Johnson&Johnson Việt Nam

Cuộc đời của Philip Phước Đào có hai cuộc lội ngược dòng. Thứ nhất, khi ông 15 tuổi, gia đình sang Mỹ định cư và phải đối diện với cuộc sống chật vật bởi bằng cấp chuyên ngành y khoa của cha mẹ ông tại Việt Nam không có giá trị trên đất Mỹ và phải làm lại từ đầu. Thứ hai, sau khi vượt mọi khó khăn để có được 6 bằng sáng chế trong lĩnh vực y khoa tại Mỹ, ông lại quyết định quay về Việt Nam gây dựng sự nghiệp.

Động lực níu chân

* Việc các bác sĩ Việt Nam sang Mỹ phải học lại từ đầu mới có thể làm nghề tại Mỹ là câu chuyện rất nhiều người di cư gặp phải. Gia đình ông ngày đó liệu trù về điều này chăng?

- Ngày đó, tôi còn chưa được quyết định điều gì cả. Cha mẹ tôi biết trước khó khăn nhưng vẫn chấp nhận, chỉ để chị em chúng tôi có điều kiện phát triển.

Sự hy sinh của cha mẹ khiến chị em chúng tôi suy nghĩ nhiều và nó cũng chính là động lực để chúng tôi cố gắng. Tôi chọn ngành y, phần vì yêu thích nhưng cũng có phần vì muốn hoàn thành sự nghiệp mà cha mẹ phải bỏ dở vì mình.

* Cha mẹ đã đánh đổi sự nghiệp cho anh được sống tốt hơn ở Mỹ để rồi bây giờ anh lập nghiệp tại Việt Nam. Điều này có là “hoài phí” không?

- Nếu so sánh về đời sống và mức lương tôi được đề nghị làm việc ở Mỹ hoặc ở châu Âu thì có lẽ là phí nhưng có rất nhiều thứ khiến người ta phải so sánh hơn là thu nhập. Sau khi tốt nghiệp ngành Sinh Hóa và làm việc nhiều năm ở Mỹ, tôi dành một năm học thêm Quản trị kinh doanh tại Trường IMD ở Thụy Sĩ.

Mùa Hè năm học ấy, tôi trở lại Việt Nam thăm gia đình, kết hợp với du lịch thì may mắn được gặp đại diện của Johnson & Johnson Medical. Trước nay, mọi người chỉ biết đến ngành hàng tiêu dùng của Johnson & Johnson qua dòng sản phẩm Johnson’s Baby chứ không biết thương hiệu này cũng rất phát triển mảng thuốc và thiết bị y tế.

Chống nhiễm khuẩn bệnh viện và phẫu thuật nội soi chính là những tiến bộ mà Johnson & Johnson Medical mang đến Việt Nam. Nó thay đổi cục diện ngoại khoa tại Việt Nam, nâng cao chất lượng đời sống cho bệnh nhân.

Tôi rất bất ngờ trước những điều mà thương hiệu này làm được cho ngành y ở quê hương. Và khi biết mình có cơ hội để làm việc cho một doanh nghiệp có những giá trị kinh doanh tương đồng với giá trị cuộc sống của mình, và tôi đã nhận lời gắn bó với Johnson & Johnson.

Cha mẹ tôi đã hy sinh sự nghiệp để chúng tôi có điều khiện học tập, phát huy bản thân tốt nhất, và là những người có ích cho xã hội chứ không phải hy sinh để tôi được sống ở Mỹ. Vậy nên, chứng kiến các con mình trưởng thành, có định hướng đúng và có ý định làm việc tại quê hương, cha mẹ tôi cũng rất thuận lòng.

* Hơn mười năm học và làm việc trong ngành khoa học y khoa, duy chỉ hơn 1 năm học quản trị kinh doanh, nên khi đổi phòng nghiên cứu để ngồi vào chiếc ghế CEO có khiến ông “lăn tăn” chút nào?

- Tôi không cho rằng đây là chuyện đổi cái này, lấy cái khác. Dù làm ở phòng thí nghiệm, trong bệnh viện hay điều hành doanh nghiệp như hiện nay, tôi đều cống hiến trong ngành y. Với tôi, mục đích sống do hết sức quan trọng.

Nó chính là người dẫn lối để tôi dù có đi con đường này hay chọn con đường khác đều có thể tự tin. Hơn nữa, trong cương vị quản lý, tôi có thể thu hút và đào tạo những con người có chung tâm niệm để cùng nhau làm nên những biến đổi lớn lao hơn nữa trong ngành y, cũng như đóng góp nhiều hơn xã hội.

Bên cạnh đó, am hiểu về ngành cũng là nền tảng để có thể điều hành một doanh nghiệp hoạt động trong ngành y tế vì tôi có thể am hiểu ngôn ngữ, tâm tư và mong muốn của khách hàng.

* Sức hấp dẫn trong việc khám phá ra cái mới của người làm khoa học hoàn toàn không đủ sức níu chân ông?

- Ngay từ năm thứ 3 đại học, dự án đầu tiên mà tôi bắt tay vào là tìm ra phương pháp ngăn chặn virus HIV nhưng bất thành. Sau này, tôi nghiên cứu để có thể làm ra những vắc-xin từ thực vật, sở hữu 6 bằng sáng chế khác nhau.

Công việc nghiên cứu trong mắt người thường là nhàm chán nhưng với chúng tôi, nó là một công việc hấp dẫn bởi tính khám phá. Mỗi công việc đều có một niềm vui.

Vấn đề là mình đón nhận niềm vui ấy như thế nào. Niềm vui của tôi bây giờ là đi thăm bệnh nhân sau phẫu thuật và thấy họ bình phục nhanh chóng để trở về với gia đình; là khi thấy đồng nghiệp của mình phát triển trong sự nghiệp; là khi tôi thấy một thế hệ trẻ em Việt Nam lớn lên, khỏe mạnh...

Vươn vai Thánh Gióng

Ba năm làm việc ở Việt Nam, Philip Phước Đào là một trong những người đề ra và triển khai chiến lược “One J&J”, thống nhất cả 3 ngành hàng là Tiêu dùng, Dược phẩm và Thiết bị y tế mà Johnson & Johnson đang kinh doanh để có được sức mạnh chung. Dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2013.

Điều đáng chú ý là mô hình này hoàn toàn khác với vận hành truyền thống của Johnson & Johnson toàn cầu, đang ứng dụng ở 57 quốc gia và Việt Nam là quốc gia tiên phong triển khai mô hình này.

* Nếu tự nhận xét, ông thấy điều gì ở bản thân giúp ông từ giám đốc một ngành hàng trở thành Tổng giám đốc của Johnson & Johnson Việt Nam chỉ sau 3 năm cống hiến?

- Johnson & Johnson tổ chức bộ máy theo ngành hàng. Cụ thể như ở Johnson & Johnson Việt Nam, chúng tôi có ba giám đốc, phụ trách từng ngành khác nhau là Dược phẩm, Thiết bị y tế và Tiêu dùng. Ba ngành hoạt động với những cơ chế pháp lý khác nhau.

Tôi phụ trách mảng Thiết bị y tế. Khi triển khai chiến lược “One J&J” và tìm ra người đứng đầu Johnson & Johnson Việt Nam thì tôi may mắn được chọn vì nhờ có những hoài bão dành cho Việt Nam.

Theo lãnh đạo cấp trên, hoài bão đó là điều kiện tiên quyết để giúp dự án thành công vì những người thực hiện có động lực dám dấn thân. Yếu tố người Việt còn giúp tôi “tăng điểm” vì có lợi thế ngôn ngữ, am hiểu đời sống, thị trường.

* Trong bối cảnh kinh tế còn đang khó khăn, việc giữ “phong độ” được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Thay đổi một mô hình đang trơn tru và mang lại sự “an toàn” cho Johnson & Johnson, dù chỉ ở trong phạm vi thị trường Việt Nam, liệu có phải là tham vọng quá lớn?

- Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng nhưng thị phần mà Johnson & Johnson có được lại chưa đúng với thực lực. Chúng tôi đã mổ xẻ kỹ và phát hiện sự riêng lẻ của từng ngành hàng dẫn đến việc đầu tư lẻ tẻ, tài nguyên bị tản mát...

Để tạo nên sức mạnh tổng hợp và tận dụng được tài nguyên chung, cách tốt nhất là phải kết hợp với nhau, kết hợp với nhau về mặt tinh thần và chiến lược. Mảng dược phẩm Janssen Pharmaceuticals của chúng tôi vẫn là văn phòng đại diện.

Tuy nhiên, với một tập đoàn lớn và có lịch sử dài như Johnson & Johnson thì việc thay đổi, dù chỉ là ở một quốc gia cũng là quyết định phải trải qua rất nhiều quá trình khảo sát. Từ tháng 8/2011, chúng tôi đưa ra chiến lược nhưng phải thuyết phục những lãnh đạo cấp cao của tập đoàn.

Phải trình bày cụ thể con đường sẽ đi như thế nào, tận dụng cơ hội nào, cam kết mức tăng trưởng... tất cả phải cụ thể. Theo tính toán của chúng tôi, nếu đi theo con đường hợp nhất One J&J từ nay, giai đoạn 2016-2018, Johnson & Johnson sẽ tạo nên sự khác biệt rất đáng kể vì chiến lược sẽ không tập trung vào sản phẩm, mà tập trung vào những nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và những xu hướng bệnh lý ảnh hưởng rất nhiều người bệnh ở Việt Nam.

Rất may là lãnh đạo cấp cao chấp nhận cho chúng tôi thử sức. Việt Nam là thị trường tiên phong cho việc hợp nhất này, chúng tôi gọi chiến lược của mình là Thánh Gióng cũng vì thế.

* Sau mười sáu năm hoạt động ổn định ở Việt Nam, việc hợp nhất này có gây hoang mang cho nhân viên?

- Quả thật đây là một trong những thử thách lớn nhất khi tiến đến hợp nhất. Chúng tôi phải quản lý sự thay đổi bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch hành động với nhân viên.

Cho họ thấy được sự đảm bảo khi hợp nhất và nhất là cho họ thấy được cơ hội khi phạm vi hoạt động được mở rộng, không còn gói gọn trong một ngành hàng như trước.

Minh chứng rõ nhất là việc hai giám đốc ngành hàng, không làm việc ở Việt Nam nữa, họ có cơ hội ở những thị trường khác. Họ vui vẻ với thay đổi và chúng tôi vẫn là những đồng nghiệp thân thiết, chia sẻ với nhau nhiều thứ.

Khó khăn trong công tác điều hành sự hợp nhất này cũng xuất phát từ con người. Thử thách của chúng tôi chủ yếu là tự nội bộ.

Nhưng tôi tin, con người có thể thay đổi tất cả nếu họ hiểu và tin sự thay đổi là cần thiết. Tôi thay đổi cách quản trị theo phương pháp cuốn chiếu, thay đổi từng ngành mới tiến đến thay đổi toàn thể, tìm kiếm những mối quan hệ tương đồng giữa các mô hình kinh doanh, cấu trúc lại các phòng ban hiện hữu...

Để làm được tất cả những điều đó, chúng tôi phải gạt sang một bên những suy nghĩ, thói quen làm việc riêng biệt trước đây.

Trước những cảnh đời...

Trong cuộc sống hằng ngày, mong muốn xuyên nhất của Philip Đào cho bản thân mình và những người xung quanh là can đảm, bình yên và sáng suốt. Can đảm để thay đổi những gì mình có thể thay đổi; bình yên để có thể chấp nhận những thứ mình không thay đổi được và quan trọng hơn; sáng suốt để có thể phân biệt được hai chữ trên.

* Cả gia đình theo ngành y, dù đang kinh doanh trong lĩnh vực không ngoài ngành nhưng ắt phải có lý do gì khiến ông bỏ bệnh viện?

- Thú thật là ngày trước tôi cũng nghĩ mình sẽ gắn cuộc đời với việc khám chữa bệnh, nhưng năm thứ nhất đại học, khi chúng tôi thực tập ở các bệnh viện tại Mỹ, tôi đã chứng kiến sự phân biệt đối xử rất rõ ở những bệnh nhân có loại bảo hiểm sức khỏe khác nhau.

Điều này khiến tôi không chấp nhận được, nhưng tôi biết, mình chẳng thể nào thay đổi được thực tế ấy nên đã chọn một môi trường làm việc khác hơn là nghiên cứu y khoa.

* Nhưng, sự bất công thì ở đâu cũng có?

- Đúng! Nhưng có những thứ mình có thể đấu tranh được và ngược lại, phải chấp nhận nó vì cuộc sống vốn chẳng hoàn hảo. Tôi nghĩ, trước khi đấu tranh, phải biết tập chấp nhận.

Tôi dành nhiều thời gian đọc báo, theo dõi tin tức và thấy sự bất công có mặt ở khắp nơi, và chúng ta lên án bất công là bước đầu tiên để đấu tranh với nó. Cũng từ những tin nóng trên các trang báo, mới thấy rằng những mối liên kết trong xã hội chúng ta đang ngày một xuống cấp.

* Theo ông vì sao những vụ việc như thế ngày càng nhiều?

- Tôi không phải là một nhà xã hội học để có thể lý giải thấu đáo những hiện tượng xã hội. Nhưng tôi thấy được xã hội chúng ta đang có sự phân hóa rất cao.

Nhiều người bần cùng nhưng cũng chẳng hiếm người giàu có và thước đo cho vị trí xã hội hiện nay là vật chất. Chính sự phân hóa này dẫn đến việc xuất hiện những người muốn có tất cả bằng đường tắt thay vì nỗ lực cá nhân để đạt được vật chất trong thời gian sớm nhất.

Dần dà, các giá trị đạo đức cũng mất đi theo cái nhìn ấy.

* Ông có lo lắng cho tương lai của thế hệ con cháu mình?

- Xã hội nào cũng có hai mặt. Tôi chưa có con nhưng đã có nhiều cháu. Tôi chọn cách cho chúng nó thấy được những khía cạnh khác nhau của đời sống.

Tôi thường dành thời gian đưa các cháu đến các mái ấm, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật... để chúng quan sát, phụ giúp những người kém may mắn. Những hoạt động này sẽ khiến chúng biết trân trọng cuộc sống này và khi đã trân trọng, chúng ắt sẽ biết phải nỗ lực, phải chọn con đường nào để phát triển tốt nhất trong cuộc sống và biết giúp đỡ những con người kém may mắn hơn.

Có lần, tôi đưa các cháu đi ăn ở một nhà hàng khá đắt tiền ở TP.HCM để chúng có trải nghiệm mới và tập phong cách ăn uống ở một bàn tiệc châu Âu.

Khi nhìn vào thực đơn, các cháu hỏi: “Tại sao mình lại đi ăn ở một nhà hàng quá đắt tiền thế này trong khi có quá nhiều người nghèo xung quanh?”. Câu hỏi làm tôi lặng người và hạnh phúc vì biết rằng các cháu của mình đã trưởng thành trong suy nghĩ và nhân cách theo cách mà chúng tôi mong muốn.

* Nỗ lực chiếm tỷ lệ thế nào trong thành công của một con người, thưa ông?

- Tôi chỉ dám lấy ví dụ từ bản thân để nói rằng, chỉ có khoảng 10% may mắn còn tất cả phải do nỗ lực và sự chuẩn bị từ quá khứ. Cuộc sống không đủ may mắn để chia đều cho tất cả mọi người nhưng nỗ lực để khai phá sức mạnh bản thân là khả năng của bất cứ ai.

Trong cuộc sống, chúng ta nên dũng cảm theo đuổi những gì mình đam mê, cố gắng làm hết sức có thể để đạt được thành công. Đừng bao giờ để mình phải nói “Nếu như...” đầy hối tiếc.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Doanh nhân Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Philip Phước Đào: "Hãy cứ đi đến tận cùng của đam mê!"

    Philip Phước Đào: "Hãy cứ đi đến tận cùng của đam mê!"

    23/08/2012 10:53 AM

    Sở hữu 6 bằng sáng chế trong lĩnh vực y khoa tại Mỹ, những tưởng Philip Phước Đào sẽ gắn đời mình trong không gian của những phòng thí nghiệm tối tân ở Mỹ. Vậy mà ông vẫn bước ra ngoài, dấn thân vào kinh doanh ở một quốc gia còn nghèo. Đơn giản chỉ vì đó là quê hương của ông.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.