Khởi nghiệp với 150 USD, sau đó phá sản và bị thâu tóm công ty, Tommy Hilfiger tìm lại hào quang sau nỗ lực không mệt mỏi.

Tommy Hilfiger là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu với phong cách trẻ trung, logo 3 màu trắng, xanh, đỏ đặc trưng.

Với lịch sử hơn 30 năm, thương hiệu hiện có hơn 1.500 cửa hàng tại 90 quốc gia trên thế giới và được định giá khoảng 8 tỷ USD. Ít ai biết thương hiệu này có khởi đầu khá khiêm tốn với 150 USD vốn ban đầu của nhà sáng lập Tommy Hilfiger.

Tommy Hilfiger (67 tuổi) là một trong những nhà thiết kế thành công nhất nước Mỹ. Năm 2012, ông được trao giải thưởng Thành tựu trọn đời Geoffrey Beene từ Hội đồng nhà thiết kế thời trang Mỹ. Ảnh: Famous Fashion.

Từ tay chơi đến nhà thiết kế thời trang danh tiếng

Tommy Hilfiger sinh năm 1951 tại thành phố Elmira, tiểu bang New York, Mỹ. 18 tuổi, Tommy bước chân vào thế giới thời trang. Với 150 USD dành dụm được trong thời gian làm thêm tại cửa hàng bán xăng, Tommy mở cửa hiệu People’s Place, chuyên may quần jeans và quần ống loe theo đơn đặt hàng, tại quê nhà.

Ở tuổi mới lớn, Tommy sa vào các cuộc chơi vô bổ, chưa thực sự chú tâm kinh doanh. 25 tuổi, Tommy phá sản sau khi một cơn lũ quét qua phá huỷ cửa tiệm.

Tommy Hilfiger chụp trước cửa hàng People’s Place năm 1974. Ảnh: Tumblr.

Trắng tay sau 7 năm làm việc, Tommy cay đắng nhận ra cần phải nghiêm túc hơn trong công việc kinh doanh. Ông quyết định rời quê hương đến New York để tìm lại đam mê và tương lai.

Đặt chân đến New York hoa lệ, Tommy nhanh chóng nhận ra đây là mảnh đất thích hợp nhất để phát triển sự nghiệp. Thành phố này là nơi các xu hướng thời trang độc đáo được đón nhận và việc kiếm tiền từ ngành may mặc khá dễ dàng.

Ông muốn xây dựng một thương hiệu mang dấu ấn riêng và hấp dẫn trong mắt các tín đồ thời trang. Nhưng khi được hai hãng thời trang danh tiếng là Perry Ellis và Calvin Klein mời làm việc, Tommy đã từ chối vì không muốn trở thành bản sao của các nhà thiết kế tiền bối.

Cơ hội đến với Tommy vào năm 1985 khi ông gặp doanh nhân Ấn Độ Mohan Mujani. Mohan đã quyết định đầu tư để Tommy xây dựng thương hiệu riêng. Tham vọng của cả hai là "soán ngôi của Ralph Lauren" trong mảng thời trang đương đại ở Mỹ.

Tommy Hilfiger kể: "Chúng tôi mất 5 năm để định hình phong cách và xây dựng nền móng thương hiệu. Đầu thập niên 90, Tommy Hilfiger dần trở thành cái tên phổ biến tại Mỹ và công việc kinh doanh cũng bắt đầu khởi sắc".

Lúc đầu, Tommy Hilfiger được xem là một nhãn hàng bình dân dành cho người cá tính mạnh, yêu thích sự trẻ trung, năng động. Đặc biệt, thương hiệu nhận được sự đón nhận của giới trẻ mê hip-hop.

Chiếc áo Tommy Hilfiger được Rapper Snoop Dogg mặc năm 1994 trở thành trào lưu thời trang tại Mỹ. Ảnh: scoopnest.

Năm 1994, sau khi Rapper Snoop Dogg mặc một chiếc áo thun quá khổ của Tommy Hilfiger xuất hiện trong chương trình truyền hình Saturday Night Live chào mừng nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Bill Clinton, chiếc áo này nhanh chóng được nhiều người săn lùng và tìm mua.

Tommy Hilfiger trở thành hiện tượng thời trang Mỹ và được sánh ngang với Ralph Lauren, Perry Ellis và Calvin Klein, bước vào bộ tứ nhà thiết kế hàng đầu tại Mỹ.

Tommy Hilfiger đã khéo léo thực hiện chiến dịch marketing hiệu quả mang tên FAME. Trong đó, F là Fashion (thời trang), A là Art (nghệ thuật), M là Music (âm nhạc) và E là Entertainment (giải trí). Doanh thu của hãng nhanh chóng tăng lên gấp đôi so với giai đoạn 1985 – 1989.

Năm 1996, Tommy Hilfiger đạt doanh thu 500 triệu USD và được đánh giá là công ty may mặc kinh doanh hiệu quả nhất tại phố Wall. Đồng thời, Tommy Hilfiger cũng được vinh danh Nhà thiết kế của năm từ Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA).

Hãng cũng phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới như: nước hoa, khăn quàng cổ, thời trang trẻ em. Lúc này nhiều chuyên gia nhận định Tommy Hilfiger là một đế chế "không thể bị lung lay".

Tommy Hilfiger và các người mẫu nam tại sự kiện ra mắt cửa hàng thời trang mới tại Hàn Quốc năm 2015. Ảnh: Famous Fashion.

Hào quang vụt tắt

Với sự phát triển thần tốc, Tommy Hilfiger liên tục khai trương nhiều cửa hàng mới và tìm mọi cách phát triển thị trường nội địa. Thay vì hướng bền vững, hãng chọn cách phát triển nóng và khiến người tiêu dùng bị bội thực. Sau thành công chóng vánh, Tommy Hilfiger rơi vào thời kỳ khó khăn.

Tommy thừa nhận: "Chúng tôi là một công ty cổ phần, các cổ đông đều cố gắng thu về lợi nhuận cao nhất. Chính điều này dẫn đến sai lầm khi thương hiệu bị người tiêu dùng quay lưng".

Đầu những năm 2000, tình hình kinh doanh của Tommy Hilfiger tụt dốc, doanh số của năm 2001 giảm 30 – 40%. Tommy Hilfiger dính vào hàng loạt scandal kỳ thị chủng tộc, bị cáo buộc sử dụng lao động giá rẻ... Fan bắt đầu rời bỏ thương hiệu và không còn ai nhắc đến Tommy Hilfiger nữa.

Năm 2005, Tommy Hilfiger bị tập đoàn đầu tư Apax (Anh) thâu tóm với giá chỉ 1,6 tỷ USD. Nhà thiết kế Tommy Hilfiger mất quyền điều hành công ty nhưng Apax vẫn để ông đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo và là nhà thiết kế trưởng của thương hiệu.

Tìm lại chính mình

Năm 2006, Apax tiến hành cấu trúc lại thương hiệu. Đầu tiên, Tommy Hilfiger cho thiết kế lại logo nhỏ hơn, trang phục được sử dụng chủ yếu với gam màu cổ điển. Đồng thời Tommy hướng thương hiệu đến phong cách năng động, trẻ trung nhưng vẫn toát lên vẻ thanh lịch.

Tommy Hilfiger bên siêu mẫu Gigi Hadid trong buổi ra mắt bộ sưu tập Xuân/Hè 2018 của hãng tháng 4/2018. Ảnh: Fashion.

Năm 2010, Tommy tìm lại được vị thế khi tham gia ban quản trị của những nhà đầu tư và có một số quyền quyết định hướng đi của thương hiệu.

Cùng năm, Apax bán thương hiệu Tommy Hilfiger cho Philip van Heusen (PVH), tập đoàn sở hữu thương hiệu Calvin Klein và IZOD. Từ đó, Tommy Hilfiger có chỗ đứng trong ngành thời trang với phong cách riêng và giá cả phù hợp.

Năm 2015 đánh dấu 30 năm hình thành và phát triển thương hiệu Tommy Hilfiger. Đây cũng là năm hãng tìm lại được hào quang khi các bộ sưu tập tại các show diễn thời trang được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Năm 2017, doanh thu của thương hiệu này tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái khi cán mốc 1,1 tỷ USD. Đầu năm 2018, hãng tiếp tục gây được tiếng vang trong ngành thời trang khi ra mắt bộ sưu tập Xuân/Hè 2018 tại Milan (Italy) lấy cảm hứng từ giải đua xe Công thức 1. Tommy Hilfiger và Calvin Klein trở thành hai thương hiệu đem đến doanh thu khổng lồ cho tập đoàn PVH.

Nhiều nhà thiết kế chọn giải nghệ sau khi bán lại thương hiệu của mình, nhưng Tommy Hilfiger vẫn tiếp tục sự nghiệp và tham gia các chiến lược kinh doanh của hãng. Hiện nay ông giữ vai trò nhà thiết kế chính và giám sát toàn bộ quá trình sáng tạo của hãng.

Ông sở hữu khối tài sản lên đến 400 triệu USD, trong đó nổi tiếng nhất là "siêu biệt thự" nằm ở quận trung tâm Manhattan của thành phố New York (Mỹ) trị giá 80 triệu USD.

Thảo Nguyên (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.