Phó tổng giám đốc Bảo Long Nguyễn Hữu Trường cho rằng bố ông chỉ hợp với việc khám chữa bệnh, không có khiếu kinh doanh, nên đã chủ quan, vội vàng khi ký hợp đồng với Bảo Sơn, dẫn đến hậu quả khôn lường.

Ông Trường trao đổi với VnExpress.net một ngày sau khi bố ông, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long Nguyễn Hữu Khai bị bắt tạm giam và di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra hành vi sử dụng tài sản trái phép.

- Theo ông tại sao quan hệ chuyện giữa Bảo Long và Bảo Sơn lại đi tới kết cục bố ông bị bắt giữ để điều tra về hành vi sử dụng trái phép tài sản?

- Trước đây, bố tôi có vay ngân hàng và một số cá nhân để đầu tư, xây dựng trường học, bệnh viện. Đây đều là các dự án mới nên khi những khoản vay đến hạn, cộng với kinh tế suy thoái nên Bảo Long không có đủ tiền để trả.

Trong lúc này, bố tôi gặp được ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, cũng là một doanh nhân nổi tiếng phía Bắc. Ông Sơn đã soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn cổ phần và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông, giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm của 3 đơn vị gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa và Trường Võ thuật.

Như chết đuối vớ được cọc, ngày 3/3/2011, bố tôi đã ký với ông Sơn hợp đồng chuyển nhượng. Đến nay, Bảo Sơn đã chuyển cho Bảo Long 227,5 tỷ đồng để trả nợ.

Tuy nhiên, tranh chấp phát sinh khi hợp đồng Bảo Sơn soạn ra có câu tổng giá trị hợp đồng là 227,5 tỷ đồng và kết thúc bằng dấu hai chấm rồi xuống dòng: Giá trị toàn bộ diện tích đất 53.382,7 m2 là 164 tỷ đồng và giá trị công trình xây dựng trên đất là 63,5 tỷ đồng. Nếu cộng 2 khoản đó thì đúng bằng số tiền 227,5 tỷ đồng, không còn dư đồng nào để trả cho thương hiệu, vốn cổ phần. Trong khi đó, phía ông Sơn lại khẳng định số tiền đã đủ để thanh toán cho toàn bộ phần trên.

Giả sử, nếu chúng tôi có cho không những khoản đó thì điều này cũng sẽ phải phản ánh trong nội dung hợp đồng.

Ông Nguyễn Hữu Khai bị di lý về Hà Nội ngày 16/6. Ảnh: CAND

- Theo lý giải của ông thì Bảo Sơn đã chuyển 227,5 tỷ đồng cho Bảo Long, vậy họ có quyền thế nào đối với đất và tài sản trên đất của Bảo Long?

- Nếu là hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thì sẽ là thanh toán tiền và nhà trên đất. Nhưng ở đây không phải vậy, chúng ta phải nhìn một khoản chứ không phải nhìn vào tổng thể tất cả hợp đồng.

Trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập tập đoàn, ông Sơn lại công bố đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 100% Bảo Long, nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Do đó, chúng tôi chỉ còn biết đấu tranh và chưa thể giao hết tài sản.

- Cách đấu tranh của Bảo Long cụ thể là thế nào?

- Ban đầu, bố tôi đã dọn ra khỏi khuôn viên công ty ở Sơn Tây, chỉ còn giữ lại một số cán bộ trông coi các tài sản chưa bán mà không biết Bảo Sơn có mua hay không bởi hợp đồng không nói đến những tài sản dùng để sản xuất thuốc, công cụ dụng cụ bệnh viện, rồi các máy móc thiết bị.

Tuy nhiên, khi Bảo Sơn công bố đã nắm toàn bộ cổ phần của công ty, Luật sư cũng nói với bố tôi rằng mình chuyển ra là đã tuân thủ hợp đồng nhưng phía Bảo Sơn nói như vậy thì phải có đối trọng để họ thanh toán hợp đồng cho mình.

Do đó, bố tôi quay trở lại và hai bên xảy ra tranh chấp căng thẳng. Bảo Sơn cho cho nhiều đầu gấu, nhiều xe xuống đây đóng chốt, chạy ầm ầm trong khuôn viên. Khi Bảo Long chúng tôi muốn cải tạo làm đẹp cho khuôn viên thì họ cho rằng chúng tôi hủy hoại tài sản.

Trong giai đoạn trên, công an Đồng Mô có đóng ở khuôn viên Bảo Long. Lãnh đạo đồn này đã yêu cầu nhân viên chủ chốt của tập đoàn chúng tôi phải mở cửa để cho Bảo Sơn vào khoan phá để lắp đặt thang máy.

Việc làm trên tôi cho rằng chỉ làm cho mâu thuẫn thêm căng thẳng. Thời điểm xảy ra tranh chấp, TAND Hà Nội đang thụ lý, công an Đồng Mô không có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp.

Công an Đồng Mô sau đó đã rút khỏi khuôn của Bảo Long nhưng tôi cho rằng việc đóng đồn ở đây là không đúng nguyên tắc. Vụ việc ngày đó chúng tôi đã gửi đơn đến một số cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

- Bố ông là người đọc hợp đồng, nhưng sao không phát hiện ngay những vô lý đó ngay từ đầu và tiến hành định giá thương hiệu công ty?

- Khi đó, bố tôi quá sốt ruột, lại thêm tâm lý chủ quan do đã có mối quan hệ với ông Sơn từ trước nên đưa ra quyết định cũng hơi vội vàng. Ông cũng lo rằng nếu đòi ngay tiền thương hiệu, vốn cổ phần thì không hay, thậm chí làm chặt quá có thể khiến bảo Sơn không ký và công ty không có tiền trả ngân hàng.

Bố tôi đã chủ động và nói nhiều các phương tiện truyền thông là sẵn sàng đàm phán nhưng phía Bảo Sơn không có tinh thần trên mà thường giải quyết bằng các đơn tố cáo. Bảo Sơn hoàn toàn dựa vào hình sự.

- Vừa là cán bộ chủ chốt của tập đoàn y dược Bảo Long, đồng thời là con trai của người đang vướng vào vòng lao lý, ông nói gì về việc Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội khởi tố và bắt tạm giam bố mình để điều tra về hành vi sử dụng trái phép tài sản?

- Tôi được biết lệnh khởi tố và bắt tạm giam có từ ngày 26/12/2012, tuy nhiên gần 6 tháng sau VKSND cùng cấp mới phê chuẩn. Việc bắt tạm giam, theo nhận định của tôi và nhiều người là có phần "hơi ép" vì đây là tranh chấp dân sự, chưa có cơ quan thẩm quyền nào phân định tài sản. Nếu tòa đã phân xử hoặc cơ quan nào xác nhận tài sản chuyển nhượng trên hợp đồng thuộc về Bảo Sơn thì có thể nói bố tôi sử dụng tài sản trái phép.

- Việc Chủ tịch Hội đồng Quản trị Y dược Bảo Long bị bắt ảnh hưởng gì đến kinh doanh của Tập đoàn?

- Bố tôi không phải là người bình thường vì ông là một người đã có tên tuổi, là linh hồn sáng lập ra Bảo Long. Khi bị bắt tạm giam, hoạt động kinh doanh của công tỷ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bảo Long có nguy cơ bị sụp đổ.

Hiện doanh số của tập đoàn cũng chỉ bằng 15% so với trước kia. Những đơn vị, cá nhân cho công ty vay vốn hiện đang rất sốt ruột, nhân viên hoang mang, đối tác cũng đặt hàng e dè hơn.

Bên cạnh đó, mới đây Bảo Long vừa ký một hợp đồng ghi nhớ với đối tác Nga trong việc xây nhà máy sản xuất thuốc tại TP HCM trị giá 100 triệu USD, tập đoàn này sẽ mua lại công ty sản xuất của Bảo Long, từ đó sẽ có vốn để trả nợ và phát triển. Song, việc bố tôi bị bắt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thực thi hợp đồng.

- Liên quan đến kết luận công an cho rằng ông Nguyễn Hữu Khai đã lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, ông nói gì về việc này?

- Chuyên môn của tôi là nghề y, không tham gia sâu vào tài chính công ty nên không nắm rõ được những khoản bố tôi đã huy động trước đây.

Là người chứng kiến việc bố mình bị bắt, chiều 17/6, ông Nguyễn Hữu Trường (31 tuổi, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long, chi nhánh Sài Gòn) cho VnExpress.net biết đây là "cú sốc" đối với các thành viên trong gia đình cũng như các nhân viên trong tập đoàn Y dược Bảo Long. Do từng là võ sư nên anh Trường tin bố mình sẽ cứng rắn, không bị suy sụp tinh thần.

Ông cũng thông tin, Tập đoàn Bảo Long có 6 đơn vị trực thuộc. Trong đó có 5 đơn vị ở Hà Nội là Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long (trụ sở tại Sơn Tây, được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng cho Bảo Sơn) có vốn điều lệ 150 tỷ đồng (theo tài liệu của cơ quan Thuế), Công ty Cổ phần Y dược Bảo Long, Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long vốn 20 tỷ đồng, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thảo dược Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long, Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long và tại TPHCM là Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long vốn 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện chỉ còn 2 đơn vị là Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long ở Hà Nội và TP HCM còn hoạt động.

Nhóm Phóng viên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.