Những mảnh ghép của bức tranh bất động sản Khánh HòaNhững mảnh ghép của bức tranh bất động sản Khánh Hòa
Được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ bãi biển dài và đẹp, Khánh Hòa từ lâu được ví như thủ phủ của ngành du lịch nghĩ dưỡng Việt Nam. Hàng loạt dự án bất động sản mọc lên đã làm thay da đổi thịt vùng đất này. Nha Trang, Cam Ranh và mới đây là sự trỗi dậy của Bắc Vân Phong là những mảnh ghép chính trong bức tranh tổng thể của thị trường bất động sản Khánh Hòa hiện nay.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh đón trên 4,9 triệu lượt người với hơn 13,6 triệu ngày khách lưu trú, tăng lần lượt là 15,3% và 25,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, khách lưu trú quốc tế đón hơn 2,1 triệu lượt với trên 7,6 triệu ngày khách, tăng lần lượt 43,9% và 55,3% so với cùng kỳ năm trước. Khách lưu trú quốc tế tại tỉnh Khánh Hòa chủ yếu đến từ Trung Quốc, Liên bang Nga và Hàn Quốc.

Tính chung 9 tháng năm 2018, tổng doanh thu du lịch từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh được hơn 16.509 tỉ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ.

Những con số thống kê khá ấn tượng trên đã phần nào cho thấy tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường du lịch Khánh Hòa và cũng là động lực của ngành kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể đó vẫn có những vết loang lổ cần sớm được khắc phục.

Chỉ tay vào những dự án cao tầng san sát nhau, ông Nam, người dân thành phố Nha Trang, cho biết cách đây khoảng 5 – 7 năm, những tòa nhà cao tầng vẫn còn khá hiếm hoi. Nhưng hiện nay, diện mạo của thành phố đã hoàn toàn thay đổi.

Sự phát triển mạnh mẽ về du lịch đã kéo theo các doanh nghiệp bất động sản đổ về đây cùng hàng loạt dự án bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng mọc lên khắp nơi. Đặc biệt, những cung đường ven biển có vị trí đắc địa như Trần Phú – Phạm Văn Đồng đã “thay da đổi thịt” từng ngày.

Mặc dù vậy, người dân Nha Trang lại tỏ ra lo lắng bởi tốc độ phát triển quá nhanh của các dự án bất động sản. Họ cho rằng dự án xuất hiện dày đặc sẽ có nguy cơ gây áp lực lên hạ tầng giao thông của thành phố.

Theo ghi nhận thực tế của Cafeland, hiện thành phố Nha Trang đã và đang có hàng trăm dự án bất động sản được xây dựng. Đặc biệt, ven tuyến đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng là nơi các dự án nối đuôi nhau nằm san sát.

Không chỉ gây nguy cơ quá tải về hạ tầng, sự phát triển ồ ạt của các dự án bất động sản theo hình thức condotel cũng đứng trước nguy cơ dư thừa nguồn cung.

Trong một báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động Việt Nam cho biết, trong quý III/2018 thị trường nghỉ dưỡng, nhất là dòng sản phẩn condotel đã chững lại cả về nguồn cung và lượt giao dịch thành công. Tính chung lượng giao dịch sản phẩm condotel cả nước chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm trong quý vừa qua, sụt giảm 2-3 lần so với một số quý trước đó.

Nói về việc thanh khoản sản phẩm condotel gặp khó, Hội Môi giới chỉ ra một số nguyên nhân chính. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là giá bán đã bị các chủ đầu tư đẩy lên mức cao, bình quân từ 35 - 50 triệu đồng/m2, thậm chí có sản phẩm được bán với giá trên 70 triệu đồng/m2. Với mức giá này, nhà đầu tư rất khó bán ra khi muốn chuyển nhượng.

Nguyên nhân thứ hai, hiện Nhà nước đã siết chặt vốn đầu tư, đặc biệt là vốn tín dụng cho bất động sản nghỉ dưỡng. Thứ ba, là các chính sách của Nhà nước về pháp lý cho condotel vẫn chưa hoàn thiện, khúc mắc chưa được tháo gỡ nên các nhà đầu tư vẫn có tâm lý e ngại.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các dự án bất động sản cũng đang gây sức ép lên bộ máy quản lý của cơ quan chính quyền.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, sở này đã phối với các cơ quan chức năng liên quan, ghi nhận gần 1.000 công trình xây dựng sai quy định. Trong đó, có 838 công trình xây dựng không phép, 174 công trình xây dựng sai nội dung giấy phép.

Năm 2017, các cơ quan chức năng đã ban hành 905 quyết định xử phạt với số tiền hơn 10,8 tỉ đồng, và 6 tháng đầu năm 2018 là 125 quyết định xử phạt với số tiền hơn 6,4 tỉ đồng.

Chỉ tính riêng tại thành phố Nha Trang, trong 9 tháng đầu năm 2018 đã triển khai kiểm tra 1.570 trường hợp xây dựng trên địa bàn, phát hiện 369 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có 205 trường hợp xây dựng trên đất không phù hợp với quy hoạch.

Một trong những công trình xây dựng sai phép đình đám nhất ở thành phố Nha Trang là dự án tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa (tại lô TM2, thuộc khu dân cư cồn Tân Lập, phường Xương Huân, TP.Nha Trang) do DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư. Dự án này được phê duyệt chiều cao tối đa 40 tầng nhưng chủ đầu tư đã xây dựng lên đến tầng 43. Hiện tại, 3 tầng xây dựng vượt này được yêu cầu tháo dỡ.

Cùng với Nha Trang, Cam Ranh những năm gần đây là địa điểm đầu tư được nhiều đại gia bất động sản săn đón tại Khánh Hòa. Từ năm 2003, khu vực này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với định hướng phát triển thành khu du lịch chất lượng cao, dịch vụ vận tải hàng không và trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị cao cấp đạt chuẩn quốc gia và quốc tế.

Tỉnh Khánh Hòa cũng định hướng phát triển Cam Ranh trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, bao gồm các loại hình như du lịch sinh thái đa dạng; du lịch nghỉ mát chất lượng cao; trung tâm dịch vụ văn hóa, thương mại, hội thảo, du lịch vùng…

Bên cạnh lợi thế về đường bờ biển dài và đẹp, sự phát triển của hạ tầng giao thông, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường bất động sản Cam Ranh. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, nhà ga quốc tế Cam Ranh vừa đi vào hoạt động với công suất lên đến 4,8 triệu lượt khách/năm và sẽ đạt 8 triệu khách/năm vào năm 2030.

Là trục đường huyết mạch nối sân bay Cam Ranh với thành phố Nha Trang, đường Nguyễn Tất Thành đang là nơi cát cứ của hàng chục dự án bất động sản. Dọc bờ biển theo tuyến đường này đang hình thành các dự án đình đám như The Arena, Movenpick Cam Ranh Resort, Fusion Resort, The Anam, Erowindown, Vinpearl bãi dài, Golden Bay, Cam Ranh Mystery Villas, Duyên Hà…






Đánh giá về tiềm năng của bất động sản Cam Ranh, ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa, cho biết Cam Ranh có lợi thế khi nằm liền kề với cảng hàng không quốc tế. Bên cạnh việc đầu tư mở rộng nhà ga quốc tế, trong thời gian tới nếu được mở nhiều hơn nữa các tuyến bay thẳng đến các quốc gia khác, lượng khách đổ về đây sẽ nhiều hơn.


Khảo sát thực tế của CafeLand cho thấy, hiện nay bán đảo Cam Ranh như một đại công trường với hàng loạt dự án được xây dựng. Thống kê hiện tại có khoảng hơn 40 dự án tập trung ở đây. Tuy nhiên, cũng có những dự án bất động chưa thấy dấu hiệu được triển khai.

Đình đám nhất phải kể đến dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao của Tổng công ty MBLand. Theo tìm hiểu, dự án này được phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2015 có quy mô 101.365m2. Cuối năm đó, MBLand cũng đã rầm rộ tổ chức thi tuyển thiết kế dành cho dự án này. Tuy nhiên, từ đó đến nay khu đất của dự án vẫn là bãi đất trống.

Dự án Nha Trang Seahorse Resort & Spa của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hồng Ngọc Việt cũng đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ. Dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở không hình thành đơn vị ở hồi tháng 8/2016.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa qua cũng có những động thái nhằm xử lý các dư án chây ì, chậm tiến độ. Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, xử lý vi phạm theo quy định, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ cụ thể để thực hiện, nếu tiếp tục vi phạm thì tham mưu thủ tục thu hồi dự án theo quy định.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) trở thành một trong ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam? Nhiều người cho rằng, điều đó sẽ có những tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương và cả tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, viễn cảnh tốt đẹp đó vẫn chỉ đang nằm ở tương lai. Hiện tại Quốc hội vẫn chưa thông qua luật đặc khu và Bắc Vân Phong vẫn phải chờ. Thế nhưng, những thông tin đồn thổi về việc Bắc Vân Phong sẽ thành đặc khu đã khiến cho những vùng quê vốn êm đềm bị chao đảo trong những cơn sốt đất, đời sống của người dân bị xáo trộn trong khi chính quyền tỏ ra lúng túng trong cách xử lý.

Trở lại huyện Vạn Ninh những ngày gần đây, các văn phòng môi giới nhà đất vẫn đóng cửa im lìm. Tình trạng này đã kéo dài từ khi lệnh cấm tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được tỉnh Khánh Hòa ban hành vào đầu tháng 5/2018.

Theo anh Nhân, một môi giới nhà đất tại đây, những người tham gia và tạo nên cơn sốt đất thời điểm cách đây vài tháng là nhà đầu cơ cá nhân nhỏ lẻ, chủ yếu là lướt sóng để kiếm lời nhanh. Họ chủ yếu mua đi bán lại và tung tin để tạo cơn sốt giá ảo. Người ta ước tính có đến 80% những người về đây mua đất là người Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Anh Nhân cho biết, tuyến đường Nguyễn Huệ ở Tu Bông lúc đỉnh cơn sốt giá đất khoảng 20 triệu đồng/m2, nhưng nay chỉ còn 10 – 12 triệu đồng/m2, khu vực ngoài đô thị còn khoảng 8 – 9 triệu đồng/m2.

Tại thị trấn Vạn Giã, các cung đường có giá cao như Trần Hưng Đạo lúc cơn sốt đất lên đỉnh điểm khoảng 60 – 70 triệu/m2, hiện tại nhiều người đang rao bán giá 40 – 50 triệu đồng/m2 nhưng không có giao dịch.

Ngoài ra, các tuyến đường Lạc Long Quân, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Ngô Gia Tự trước đây có giá khoảng 20 – 30 triệu đồng/m2 nay đã giảm một nửa mà không có người mua.

Việc chính quyền ban hành “lệnh cấm” đã phần nào kiềm tỏa được cơn sốt đất, tuy nhiên nó lại khiến cho người dân gặp khó khăn.

Một người dân tên Trần Minh cho biết, quy định cấm tách thửa, chuyển quyền mục đích sử dụng đất của tỉnh Khánh Hòa là cần thiết để kiểm soát sốt đất. Nhưng ở phương diện nào đó, quy định này lại khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn.

“Đất đai là tài sản của người dân, họ phải có quyền tự quyết với tài sản đó. Nhiều người muốn bán đất để chữa bệnh, cho con cái hay tách thửa, chuyển đổi cho con lập gia đình cũng không được”, ông Minh nói.

Ông Minh cho rằng, người dân ở đây bao đời khốn khó, cuộc sống mưu sinh chỉ dựa vào nghề biển bấp bênh. Đất đai trước đây cũng không có giá. Trong cơn sốt đất vừa rồi, giá đất tăng nhiều lần và họ có nhu cầu bán là quyền lợi chính đáng. Việc chính quyền cấm như vậy là không thỏa đáng, mà cần có biện pháp để khác để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Cuối tháng 9 vừa qua, UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có công văn đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cho phép huyện tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa theo các quy định của Luật Đất đai. Lý do của đề xuất này là tình trạng sốt đất trên địa bàn đã lắng dịu và mở lại để tạo điều kiện cho người dân.

Nếu đề xuất này được thông qua, giới đầu cơ nhà đất tại Vạn Ninh khẳng định tình trạng đất sốt ảo sẽ tiếp tục quay trở lại.

Câu hỏi đặt ra là, chính quyền sẽ làm gì để xử lý những cớn sóng đất này hay lại tiếp tục điệp khúc “cấm rồi mở” như xưa nay?

Trần Phong - Thiết kế: Kha Trần
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là trang thông tin đầu tư bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.