Coteccons - Cuộc chiến quyền lực và tương lai bất địnhCoteccons - Cuộc chiến quyền lực và tương lai bất định
Sóng gió lại nổi lên tại công ty xây dựng số một Việt Nam Conteccons (CTD) khi cổ đông lớn bất hòa với ban lãnh đạo hiện tại của công ty. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra “cuộc chiến” nhưng lần này tình hình có vẻ trở nên trầm trọng khi cổ đông lớn và Ban kiểm soát của công ty cùng tố cáo ban điều hành . Coteccons dường như đang đứng trước số phận bất định phía trước những xung đột nội bộ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons và ông Bolat Duisenov, CEO Kusto Vietnam

Nhìn lại quá khứ, CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) có một lịch sử huy hoàng. CTD từng là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán với hơn 300.000 đồng/cổ phiếu. Thực vậy, quá khứ huy hoàng của CTD thể hiện qua những con số tài chính hết sức ấn tượng.

Ngay giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2008 đến 2013, CTD vẫn có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất tốt. Trong suốt giai đoạn từ năm 2010 đến 2018 (trước khi sa sút 2019), tăng trưởng doanh thu đạt 40%, lợi nhuận gần 30%. Đây là một kết quả kinh doanh hết sức khả quan và là một kỳ tích vô cùng ấn tượng.

Bên cạnh việc đạt được chỉ số về tăng trưởng rất tốt, chỉ số tài chính về hiệu quả sử dụng vốn của công ty cũng ở mức khá cao. Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) trung bình giai đoạn từ 2010 đến 2018 của công ty lên tới 8,77%, còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên tới 17%. So với doanh nghiệp khác trong ngành xây dựng như Xây Dựng Hòa Bình (HBC), Xây dựng Số 5 (SC5) thì hiệu quả kinh doanh của Conteccons vượt trội.

Không chỉ có vậy, thương hiệu và uy tín của Coteccons trên thị trường ngày càng được củng cố và phát triển. Conteccons đã vượt qua nhiều đối thủ là các công ty xây dựng danh tiếng trên thế giới để làm tổng thầu xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81. Coteccons cũng đã thành công trong việc xây dựng rất nhiều dự án công nghiệp có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng. Chặng đường đó cho thấy công ty này có một quá khứ vô cùng huy hoàng.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2017 đến nay có nhiều dấu hiệu cho thấy việc phát triển của công ty đang chững lại. Thậm chí doanh thu và lợi nhuận năm 2019 của công ty lần đầu tiên giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng mạnh. Không chỉ có vậy những vấn đề lục đục trong ban lãnh đạo và giữa các cổ đông lớn hiện thời khiến cho lòng tin của nhà đầu tư suy giảm. Như một kết quả tất yếu, giá cổ phiếu CTD không ngừng giảm và về mức thấp nhất, chưa đến 50.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3 vừa qua.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu của CTD đạt 23.733 tỉ đồng, giảm 17%, so với năm trước, lợi nhuận công ty đạt 711 tỉ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Kết quả kém khả quan này, bên cạnh nguyên nhân do sự sa sút của ngành xây dựng nói chung, một phần xuất phát từ bản thân nội tại yếu kém của công ty.

Bước ngoặt đánh dấu đà tăng trưởng của CTD bị khựng lại là khi các nhân sự chủ chốt của công ty thành lập một doanh nghiệp mới là có cùng ngành nghề với với CTD. Cụ thể, ông Trần Quang Tuấn người được xem là nhân vật số 2 của CTD cùng với 5 nhân sự chủ chốt khác đã thành lập Central Cons cạnh tranh trực tiếp với CTD.

Đặc biệt, tại đại hội cổ đông năm 2018, các cổ đông lớn trong đó có Kusto Vietnam đã phủ quyết việc sáp nhập Ricons, một công ty liên kết trong ngành xây dựng vào CTD. Đây cũng được xem là bước ngoặt trong việc gia tăng xung đột giữa cổ đông lớn và ban lãnh đạo hiện nay của Công ty. Từ đó, người ta cũng chứng kiến Ricons ngày càng đi lên, trong khi đó CTD lại đi xuống.

Vừa phải chịu gánh nặng về những khó khăn trong đại dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh sa sút, CTD đang hứng chịu một cuộc chiến lớn giữa các cổ đông và ban lãnh đạo công ty. Vào đầu sáng 6 vừa qua cổ đông lớn nhất của công ty (sở hữu 17,55% cổ phần) là Kustocem (Kusto) đã gửi thông báo đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam - Chi nhánh TP HCM và Sở GDCK TP HCM về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cho CTD.

Trong công văn có đoạn viết “Các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong “Coteccons Group” đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của chúng tôi khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông của chúng tôi bị vi phạm nghiêm trọng.”

Cũng trong lá thư đó, Kusto bày tỏ mong muốn chỉ định kiểm toán độc lập để kiểm tra các hoạt động của CTD từ năm 2017 cho đến thời điểm hiện tại và bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị mới. Đáng chú ý là vấn đề liên quan đến việc CTD “Từ bỏ/không đấu thầu các hợp đồng lớn và sau đó được đấu thầu bởi/hoặc được giao cho Ricons”.

Không chỉ có Kusto, mới đây một cổ đông lớn khác liên quan đến Kusto là Công ty The 8th Pte Ltd (The8th), đơn vị có trụ sở tại Singapore, cũng đã gửi thư tới HĐQT Coteccons để yêu cầu đưa thêm vấn đề bãi nhiệm tư cách Thành viên HĐQT của cả hai ông Nguyễn Bá Dương và Nguyễn Sỹ Công vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức ngày 30/06 sắp tới. Được biết, The8th đang nắm giữ gần 8,26 triệu cp CTD, tương đương 10,42% cổ phần đang lưu hành có quyền biểu quyết của Coteccons.

Trong phát biểu với báo giới, ông Bolat Duisenov, Tổng giám đốc Kusto Vietnam, cho biết hiện tại ông đã tập hợp được một liên minh giữa các nhà đầu tư đại diện cho khoảng 40-50% cổ phần Coteccons hiện đang ủng hộ những đề xuất của Kusto. Phía Kusto cũng cho biết nếu nỗ lực tổ chức đại hội bất thường không thành công, thì nhóm cổ đông liên quan có thể bỏ qua luôn cuộc họp thường niên.

Trong khi đó, Ban lãnh đạo của Coteccons cũng phản pháo cho rằng những cáo buộc vô căn cứ trong thông cáo báo chí của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiệm trọng đến giá cổ phiếu CTD và hoạt động sản xuất kinh doanh công ty. Đặc biệt, Coteccons cho biết Ricons, Unicons hay bất cứ đơn vị nào khác cũng chỉ là một trong số rất nhiều nhà thầu phụ của Coteccons và không có sự xung đột lợi ích với Conteccons như cáo buộc của Kusto.

Cuộc chiến giữa ban lãnh đạo và cổ đông lớn của CTD xem ra ngày càng gay gắt và vẫn chưa tìm ra bất kỳ một giải pháp khả dĩ nào. Như vậy, CTD không chỉ phải đối mặt với những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính mà chắc chắn hiệu quả quản trị, thương hiệu của công ty này cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã diễn ra khá nhiều “cuộc chiến” giữa các cổ đông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp. Bình Thiên An một thời đã gây ra nỗi “kinh hoàng” cho không ít lãnh đạo doanh nghiệp. Tranh chấp giữa các cổ đông ngân hàng Sacombank trước đây cũng gây ra sóng gió lớn cho thị trường tài chính. Gần đây nhất, những tranh chấp giữa các nhóm cổ đông Eximbank cũng khiến báo chí tốn không ít giấy mức.

Hậu quả của những cuộc chiến này thường làm cho hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút trầm trọng. Chẳng hạn như Eximbank luôn chìm ngập trong khó khăn mà không thể bứt phá lên được.

Giá cổ phiếu CTD đã giảm không phanh kể từ cuối năm 2017. Hiện chưa có dấu hiệu gì sẽ hội phục trở lại. Cuộc chiến quyền lực này có thể tiếp tục kéo giá cổ phiếu CTD chìm sâu hơn nữa.

Trở lại câu chuyện của Coteccons, sau khi tờ trình sáp nhập Riccons vào Coteccons bị bác bỏ vào năm 2019, mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo hiện nay và cổ đông ngày càng sâu sắc. Đặc biệt, vào đầu tháng 6 vừa qua Ban kiểm soát của Công ty mà Trưởng ban kiểm soát là đại diện cho các cổ đông lớn đã gửi công văn lên UBCK chỉ ra nhiều sai phạm của ban điều hành hiện nay. Điều này, cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tời hoạt động doanh nghiệp.

Năm 2019, doanh thu của Coteccons sụt giảm đến 17%, lợi nhuận sụt giảm 52%, ROE chỉ còn 8,65%, mức thấp nhất của doanh nghiệp này hàng chục năm qua. Trong khi đó, Riccons thì dường như ngày càng lớn mạnh và doanh thu hiện đã bằng 1/3 so với Coteccons, hiệu quả kinh doanh cao hơn nhiều so với CTD.

Kết quả kinh doanh của CTD trong quý 1 cũng giảm sút khá lớn. Doanh thu quý 1 chỉ đạt 3.553 tỷ đồng, giảm 16%, lợi nhuận đạt 123 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Với tình hình hiện nay, có thể 2020 sẽ tiếp tục là một năm lao dốc của CTD. Cùng với “cuộc chiến” dành quyền lực ngày càng gay gắt, số phận của Coteccons tựa như ngàn cân treo sợi tóc.

Tuy nhiên, đây vẫn được xem là doanh nghiệp tốt. Sự sụt giảm của cổ phiếu có thể lại là cơ hội của các nhà đầu tư.

Hoàng Nam - Thiết kế: KD
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.