Sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống, Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp định TPP (Trans-Pacific Partnership), Nhật Bản đề xuất khởi động lại một TPP “mới”. Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên các nội dung cốt lõi của TPP "cũ" với hy vọng chờ sự quay lại của Mỹ.
So sánh về quy mô các nền kinh tế CPTPP nhỏ hơn rất nhiều khi không có Hoa Kỳ tham gia. Do đó, hiệu quả thực sự của CPTPP chắc chắn sẽ giảm sút rất nhiều. Dù vậy, việc 11 quốc gia thành viên TPP nổ lực tiếp tục thực hiện CPTPP được xem là đánh dấu một bước phát triển mới trong việc hợp tác với tiêu chuẩn cao giữa các quốc gia.
Tính vào cuối năm 2017, quy mô nền kinh của 11 thuộc tham gia CPTPP là 10.567 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia chiếm đến gần 50% về quy mô kinh tế với 4.872 tỷ USD, các quốc gia lớn thứ là Canada với 1.653 tỷ USD, Mexico 1.150 tỷ USD và Autralia 1.323 tỷ USD. Quy mô kinh tế Việt Nam đứng thứ 10 trong này với 224 tỷ USD, bằng khoảng 2% tổng GDP toàn khối. Quốc gia có quy mô rất nhỏ là Brunei chỉ vỏn vẹn 12 tỷ USD.
Tổng GDP toàn cầu trong năm 2017 khoảng 93.152 tỷ USD. Tổng GDP các quốc gia tham gia CPTPP bằng khoảng 11% kinh tế toàn cầu. Mức này thấp hơn rất nhiều so với mức 21% của Hoa Kỳ, hay 14% của Liên minh châu Âu hay 13% của Trung Quốc. Như vậy, so với TPP trước đây CPTPP khi thiếu Hoa Kỳ có vị thế yếu hơn rất nhiều.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 11 quốc gia CPTPP vào năm 2017 là 5.375 tỷ đồng, bằng 50,8% GDP các quốc gia này. Một số nước có độ mở nền kinh tế rất cao như Singapore với kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 2,16 lần GDP, tiếp theo là Việt Nam với 1,9 lần, Malaysia 1,31 lần. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam bằng khoảng 8% kim ngạch toàn khối.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của 11 quốc gia TPP bằng 15,52% tổng thương mại toàn cầu. Mặc dù về quy mô nền kinh tế các quốc gia này nhỏ hơn nhiều với Mỹ, Trung Quốc, EU nhưng kim ngạch thương mại lại có quy mô lớn hơn.
Trong 11 quốc gia thuộc CPTPP thì có 5 quốc gia thuộc các nước phát triển với GDP bình quân đầu người hơn 30.000 USD/người/năm. Trong đó, Australia và Singapore là 2 quốc gia có thu nhập bình quân cao nhất với trên 55.000 USD/người/năm.
Việt Nam là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất chưa đến 2.000 USD/người/năm, bằng 1/3 so với nước đứng gần cuối là Peru và chỉ bằng 1/30 so với quốc gia thu nhập cao như Australia.
Tổng dân số các nước tham gia CPTPP là 500 triệu người, bằng 6,5% dân số thế giới và bằng 36% dân số của Trung Quốc. 2 nước có dân số lớn nhất là Nhật Bản với 126 triệu người, tiếp theo là Mexico với 123 triệu người. Việt Nam nằm trong “top” 3 với dân số với 95,5 triệu người, cao hơn nhiều so với quốc gia đứng thứ 4 là Canada chỉ có 37 triệu người. Quốc gia có dân số ít nhất là Brunei với vọn vẹn chỉ có 0,43 triệu người. Như vậy, với quy mô dân số lớn Việt Nam sẽ là một thị trường rất tiềm năng đối với các quốc gia còn lại trong CPTPP.
Kim ngạch thương mại giữa các quốc gia trong CPTPP vẫn còn khá nhỏ. Đối với Việt Nam ngoại trừ Nhật Bản, Australia và Malaysia thì kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các đối tác khác cũng tương đối nhỏ. Xuất nhập khẩu Việt Nam và 10 quốc gia trong CPTPP chỉ khoảng 67 tỷ USD (năm 2017), bằng 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam. Đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia CPTPP nhỏ hơn nhiều so với xuất khẩu vào Mỹ, Liên minh châu Âu và cả Trung Quốc.