Bất động sản Lâm Đồng: “Ông lớn” chưa kịp lên, cò con đã làm loạnBất động sản Lâm Đồng: “Ông lớn” chưa kịp lên, cò con đã làm loạn
Thông tin nhiều doanh nghiệp lớn xin đề xuất đầu tư các đại dự án đô thị và tuyến cao tốc Giầu Dây – Liên Khương sắp triển khai đã khiến Lâm Đồng trở thành thị trường bất động sản sôi động trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong khi dự án của các “ông lớn” vẫn đang nằm trên giấy thì ngoài thực tế tình trạng phân lô bán nền tràn lan đang phá nát quy hoạch, bóp méo thị trường nhà đất phố núi.

Lâm Đồng mà cụ thể là TP. Đà Lạt và Bảo Lộc là những địa danh nằm cách TP.HCM trên dưới 200km. Loại khí hậu đặc trưng, phong cảnh hữu tình với những rừng thông bạt ngàn, đồi chè xanh ngắt hay những những công trình kiến trúc xưa… đã khiến vùng đất này trở thành một nơi lý tưởng để du lịch, khám phá, nghỉ dưỡng.

Trước khi dịch Covid – 19 xuất hiện, Lâm Đồng là một trong những địa phương đứng đầu về thu hút du lịch. Cụ thể, thống kê trong năm 2019, khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt trên 7 triệu 160 nghìn lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đến Lâm Đồng đạt trên 530 nghìn lượt, tăng gần 10%; khách nội địa trên 6 triệu 600 nghìn lượt, tăng hơn 10% và khách qua lưu trú đạt trên 4 triệu 800 nghìn lượt.

Để khai phá tiềm năng du lịch của Lâm Đồng, nhiều dự án hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư. Đáng chú ý nhất hiện nay là tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt dài 208 km với quy mô 4 làn xe đang chuẩn bị triển khai xây dựng.

Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch đầu tư từ bất động nghỉ dưỡng biển sang nghỉ dưỡng núi ngày càng rầm rộ. Lâm Đồng đang lọt vào tầm ngắm của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn. Nhiều dự án đô thị đã và đang được các doanh nghiệp đề xuất đầu tư với tỉnh Lâm Đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP. Đà Lạt và Công ty Cổ phần địa ốc Đại Quang Minh về việc thống nhất phạm vi nghiên cứu, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị phía Đông TP. Đà Lạt có diện tích hơn 530ha.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu ý tưởng quy hoạch gồm một phần phường 9 (quy hoạch phân khu A9, B3), phường 11 (quy hoạch phân khu Ca, C2, C3) và phường 12 (khu vực hồ Than Thở).

Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (gọi tắt liên danh) đã có đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án tại huyện Lâm Hà có quy mô lên đến 15.000ha.

Phạm vi 15.000ha do liên danh đề xuất được xác định bao gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô, huyện Lâm Hà và một phần thuộc xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp, huyện Đức Trọng.

Theo liên danh này nhận định khu đất phù hợp với mục tiêu hình thành một “khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng”, trong đó nổi bật là: đô thị kết hợp với khoa học - giáo dục, đô thị hành chính, đô thị nông nghiệp kỹ thuật cao, đô thị sáng tạo, đô thị kết hợp sinh thái - dịch vụ.

Dự án quy mô lớn nhất hiện nay đang được một doanh nghiệp tên tuổi đầu tư là NovaWorld Đà Lạt, tọa lạc trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với quy mô 650 ha và 183 ha diện tích mặt hồ, bao gồm các hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại, nhà phố, căn hộ, khách sạn…

Việc cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư hay những doanh nghiệp bất động sản lớn đề xuất các đại đô thị mang đến kì vọng làm thay da đổi thịt cho Lâm Đồng trong tương lai.

Tuy nhiên, trong khi các dự án trên vẫn đang ở dạng đề xuất thì thực tế trên thị trường đã có hàng loạt cá nhân, tổ chức ăn theo những thông tin này để trục lợi cá nhân. Trong đó, tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp ở TP. Bảo Lộc đang gây ra nhiều hệ luỵ khôn lường.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo Thanh tra tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an tỉnh này để điều tra các sai phạm của tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý đất đai dẫn đến tình trạng núp bóng hiến đất làm đường nhưng mục đích chính là để phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trái phép ở TP. Bảo Lộc.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, để người dân hiến đất, tự ý xây dựng đường giao thông, đầu tư hạ tầng, công trình công cộng không có thiết kế, nghiệm thu... nhằm mục đích phân lô, tách thửa.

Nhiều trường hợp sau khi “hiến đất” làm đường để phân lô, tách thửa trái phép xong thì chiếm dụng luôn phần đất đã hiến để xây dựng công trình cá nhân.

Thanh tra tỉnh phát hiện nhiều công trình giao thông với kết cấu bê tông nhựa, xi măng, có điểm xây dựng cả vỉa hè, dựng trụ điện trên đất nông nghiệp. Đây là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, có dấu hiệu của việc hủy hoại đất.

Thực tế, dù mang danh nghĩa cá nhân xin hiến đất làm đường song phía sau là các doanh nghiệp bất động sản. Sau khi dùng thủ thuật hiến đất làm đường rồi phân lô, tách thửa dù không được chính quyền phê duyệt nhưng các doanh nghiệp này đã “hô biến” thành các dự án và cho chào bán rầm rộ.

Cá biệt, một doanh nghiệp đã cả gan “xẻ thịt” quả đồi có diện tích 36ha ở Thành phố Bảo Lộc để phân thành 1.000 lô đất rồi rao bán.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã “chỉ mặt, điểm tên” hàng loạt "dự án" bất động sản có vấn đề trên địa bàn và yêu cầu thanh tra vào cuộc điều tra.

Cụ thể, các "dự án" được đề nghị thanh tra bao gồm: Khu dân cư Nguyễn Đình Chiểu, Pine Valley Bảo Lộc tại phường Lộc Phát; Đambri Hill Village Bảo Lộc, Happy Valley Bảo Lộc, Jade Garden Hill Bảo Lộc tại phường Lộc Tiến; Thanh Niên DaLat Hills, Fog Garden Bảo Lộc tại phường Lộc Sơn...

Liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai, thời gian qua UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã xử lý kỉ luật nhiều cán bộ.

Tốc độ đô thị hoá quá nhanh, việc hàng loạt dự án bất động sản mọc lên nhưng lại không theo quy hoạch bài bản đang làm “chết” dần bản sắc vốn của các thành phố du lịch tại Lâm Đồng.

Đà Lạt là một ví dụ. Trước đây, du khách đến với thành phố này là để tận hưởng cái không khí thoáng đãng, yên bình, để ngắm những rừng thông ẩn hiện dưới lớp sương mù. Du khách cũng có thể khám phá, tìm lại “hồn xưa” của vùng đất này thông qua những công trình kiến trúc xưa còn giữ lại gần như nguyên vẹn.

Tuy nhiên, hiện nay Đà Lạt đang dần mất đi nét riêng của mình. Thay vào đó là hình ảnh một đô thị hiện đại nhưng ngột ngạt xe cộ, bê tông đang dần thế chỗ của các đồi thông.

TP. Bảo Lộc cũng đang đối diện với tình trạng tương tự kể từ khi cơn “sóng đất” nổi lên. Những đồi chè xanh bạt ngàn có tuổi đời lâu năm vốn là thương hiệu của vùng đất này đang bị xoá sổ để nhường chỗ cho các dự án phân lô bán nền.

Cơn sốt đất bất ngờ cũng làm cho cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn. Giá đất tăng cao khiến nhiều người dân quyết định bán đất để xây nhà, tậu xe hơi sau nhiều năm lam lũ trồng chè, cà phê.

Cứ như thế, những đồi chè đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân Bảo Lộc bị người ta cạo trọc, chia năm xẻ bảy và khoác lên “cái mác” khu đô thị mới.

Đắng cay thay, những khu đô thị ấy chỉ xôm tụ thời gian ngắn người mua người bán tấp nập rồi sau đó nằm im lìm, cỏ mọc um tùm, hoang hoá không thấy cư dân nào về ở. Trong khi đó, người dân địa phương phải đối diện với nguy cơ không còn đất canh tác.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là trang thông tin đầu tư bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.