Bất động sản Bình Thuận: Những gam màu tương phảnBất động sản Bình Thuận: Những gam màu tương phản
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sôi động với hàng loạt dự án đình đám của nhiều “ông lớn” xuất hiện; những tàn tích còn lại của một quá khứ thăng trầm hay cơn sốt đất ăn theo dự án hạ tầng cao tốc và sân bay là những mảng màu tương phản trong bức tranh bất động sản Bình Thuận hiện nay.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sôi động với hàng loạt dự án đình đám của nhiều “ông lớn” xuất hiện; những tàn tích còn lại của một quá khứ thăng trầm hay cơn sốt đất ăn theo dự án hạ tầng cao tốc và sân bay là những mảng màu tương phản trong bức tranh bất động sản Bình Thuận hiện nay.

Trong khi các “thủ phủ” du lịch khác như Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng đang có dấu hiệu bão hòa thì Bình Thuận lại bật dậy mạnh mẽ trong khoảng vài năm trở lại đây.

Tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng ven biển của Bình Thuận từ lâu đã được đánh giá rất cao khi địa phương này sở hữu đường bờ biển dài gần 200km với hàng loạt bãi tắm đẹp. Trong số những bãi biển nổi tiếng phải kể đến “thủ đô” resort Mũi Né, mũi Kê Gà, La Gi…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 560 cơ sở lưu trú đang kinh doanh với tổng cộng khoảng 16.500 phòng. Số lượng cơ sở lưu trú đã xếp hạng là 90, trong đó có ba cơ sở tiêu chuẩn 5 sao, 27 cơ sở 4 sao, 17 cơ sở 3 sao… Ngoài ra, Bình Thuận còn có hàng trăm căn hộ, biệt thự cho thuê.

Báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho thấy, kể từ hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 đã có tác động lớn đối với tình hình kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017 - 2019. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 264 dự án với tổng số vốn đăng ký là 53.031 tỉ đồng.

Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ViệtNam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Thuận được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước và hình thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, bất động sản Bình Thuận sẽ có dịp “cất cánh” khi hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm sẽ được triển khai trong thời gian tới. Quan trọng hơn cả là dự án sân bay Phan Thiết và dự án cao tốc Giầu Dây – Phan Thiết.

Dự án sân bay Phan Thiết được Chính phủ xác định là sân bay quân sự - dân dụng kết hợp, được xây dựng trên tổng diện tích 543 ha, với vốn đầu tư lên đến 10.000 tỉ đồng. Bộ Quốc phòng là có thẩm quyền đối với khu bay quân sự, còn UBND tỉnh Bình Thuận có thẩm quyền đối với hạng mục hàng không dân dụng.

Sân bay Phan Thiết được chấp thuận nâng cấp từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất/hạ cánh từ 2.400m lên 3.050m, đưa dự án trở thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, với công suất thiết kế là 2 triệu hành khách/năm

Dự án cao tốc Giầu Dây – Phan Thiết sẽ có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách QL1A khoảng 2,6km) tỉnh Bình Thuận và điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 99km, riêng đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km đi qua các địa phương Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và Thống Nhất. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỉ đồng.

Sau khi những dự án này đi vào hoạt động, khoảng thời gian di chuyển của du khách từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… đến Phan Thiết được rút ngắn và trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Để đón đầu lợi thế của những dự án hạ tầng nghìn tỉ, hiện nhiều ông lớn bất động sản đang đổ bộ vào nhiều khu vực của Bình Thuận. Có thể kể đến tập đoàn Novaland với tổ hợp Novaworld Phan Thiết và dự án NovaHills, hay như Nam Group cũng đang triển khai khu nghỉ dưỡng cao cấp Thanh Long Bay tại Kê Gà - Hòn Lan, Công ty Hưng Lộc Phát cũng đang đẩy nhanh tiến độ dự án Summerland Mũi Né... Tập đoàn FLC cũng đang thăm dò để tìm các quỹ đất đầu tư ở Bình Thuận.

Thực tế, không phải đợi đến khi những thông tin về các dự án hạ tầng được công bố thì bất động sản ven biển Bình Thuận mới được chú ý. Với vẻ đẹp của đường bờ biển sẵn có, trong quá khứ nhiều khu vực của Bình Thuận đã được các nhà đầu tư rót tiền để xây dựng các dự án nghỉ dưỡng ven biển, nhưng sau đó lại đổ bể vì nhiều lý do khách quan.

Đình đám hơn cả chính là khu vực Mũi Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam). Mũi Kê Gà có cung đường uốn lượn ven biển tuyệt đẹp, từng là nơi lý tưởng để phát triển bất động sản du lịch biển.

Vào những năm 2000, một làn sóng nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ về vùng biển này để xây dựng các khu du lịch, resort. Tuy nhiên, khi những dự án này bắt đầu hoạt động, lượng du khách đổ về Kê Gà ngày mỗi đông thì cũng là lúc dự án mang tên cảng Kê Gà xuất hiện.

Cụ thể, năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp. Cảng có chức năng vận chuyển bôxit từ Tây Nguyên với kinh phí đầu tư 1 tỉ USD do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) làm chủ đầu tư.

Để nhường chỗ cho dự án cảng biển, hàng loạt khu resort, nghỉ dưỡng ven biển Kê Gà buộc phải ngừng hoạt động. Năm 2009, TKV khởi công xây dựng dự án cảng biển Kê Gà. Tuy nhiên, dự án giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm sau đó.

cầu tỉnh Bình Thuận, TKV và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm đếm, bồi thường cho các nhà đầu tư bất động sản bị ảnh hưởng.

Cho đến nay, việc bồi thường, đền bù thiệt hại cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do dự án cảng Kê Gà vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi đó, những khu resort, du lịch chỉ còn là những dấu tích hoang phế.

Một khu vực khác thuộc thủ phủ resort Mũi Né đang bị lãng quên là Long Sơn – Suối Nước. Theo đề án được UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra năm 2008, khu đô thị Long Sơn - Suối Nước có diện tích quy hoạch lên đến hơn 700 ha, sẽ là khu đô thị du lịch đa năng đầu tiên và lớn nhất Bình Thuận.

Cụ thể, khoảng 1/3 diện tích sẽ dành phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại, đua ngựa trên cát và các loại hình thể thao khác. Diện tích còn lại để xây dựng hệ thống biệt thự cao cấp, biệt thự vườn, khu nghỉ dưỡng…

Nhiều năm trước dàng loạt dự án du lịch đã được đăng ký và xây dựng tại khu vực Long Sơn – Suối nước. Thế nhưng, đến nay chỉ còn một vài dự án hoạt động cầm chừng, số còn lại xây dựng dang dở, bỏ hoang hoặc vẫn đang nằm trên giấy.

Việc các dự án hạ tầng như sân bay hay cao tốc được đầu tư sẽ có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Nổi bật hơn cả là lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Thế nhưng, cũng chính những hạ tầng này đang kéo theo một làn sóng sốt đất nền âm ỉ, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho nhiều địa phương quanh khu vực quy hoạch dự án.

Xã Thiện Nghiệp là địa phương được quy hoạch một phần để xây dựng sân bay Phan Thiết. Hiện nay, đi dọc theo các tuyến đường 715, Trần Bình Trọng, Hồ Quang Cảnh dễ dàng bắt gặp nhiều điểm môi giới, chào bán bất động sản. Có văn phòng môi giới được thành lập khá hoành tráng, có nhân viên túc trực nhưng cũng có không ít “văn phòng” trụ sở là quán café với đội ngũ cò đất nhộp nhịp.

Hai bên những tuyến đường này, trên cột điện, cây xanh cũng treo nhiều mẩu tin rao bán, giới thiệu nhà đất với thông điệp chính “bán đất sân bay Phan Thiết”. Một số khu đất tại đây cũng được đổ đường nhựa, phân lô để bán.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyên, nhân viên tại văn phòng môi giới bất động sản trên đường Trần Bình Trọng, cho biết thời điểm này cơn sốt đã qua đi, giao dịch không còn rầm rộ như những tháng đầu năm 2019. Lý do là hiện đang có đoàn thanh tra tỉnh về siết chặt việc phân lô tách thửa. Tuy nhiên, mức giá bán vẫn không giảm so với thời điểm sốt đất.

Ông Nguyễn Văn Vương, một người dân ở xã Thiện Nghiệp, cho biết đầu năm 2019, người ta bảo dự án sân bay sắp xây dựng, rồi cơn sốt đất ào tới. Mỗi ngày vùng quê vốn bình yên đón hàng chục lượt ô tô của người ở đâu về mua đất. Những miếng đất vốn rẻ như cho thì nay được họ ra giá hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng, con số mà cả đời người dân cũng không bao giờ nghĩ tới.

Nhiều người dân thấy đất được giá, lại đang có nhiều nhu cầu bức thiết nên bán đất ào ạt. Vậy nên, phần lớn đất đai ở đây hiện đã nằm trong tay giới đầu tư, hoặc cò đất địa phương.

Một người dân khác tên Hòa chia sẻ, việc đất sốt nóng đã khiến nhiều người bất chấp pháp luật phân lô tách thửa tràn lan khu vực quanh sân bay. Việc này khiến cho quyền lợi chính đáng của người dân địa phương bị ảnh hưởng.

Gia đình ông Hòa có miếng đất nên muốn tách thửa để sang nhượng lại cho các con làm nhà ở, hoặc bán để lấy vốn làm ăn. Lúc trước việc này rất dễ dàng, nhưng bây giờ cha con ông phải lên xuống ủy ban mấy lần rồi mà vẫn chưa được.

“Mặc dù họ nói người dân địa phương tách thửa cho con cái trong gia đình thì được nhưng khi làm thì không dễ. Những người ở đâu đâu về đây rồi mua đất, buôn bán sai luật để rồi bây giờ người dân địa phương phải chịu hậu quả”, ông Hòa bức xúc.

Chia sẻ với báo chí, ông Cao Sơn Dũng, phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết, thị trường bất động sản Bình Thuận dường như bất động trước khi những thông tin về xây dựng cao tốc, sân bay xuất hiện. Mặt khác, giá đất của Bình Thuận so với các khu vực khác cũng tương đối thấp nên khi có thông tin hạ tầng sẽ sôi động hơn.

Về việc nhiều khu đất quanh sân bay Phan Thiết được phân lô bán nền, ông Dũng khẳng định, khu vực này không có dự án nào đủ điều kiện để phân lô bán nền.

Vị phó giám đốc Sở Xây dựng nhận định, để lập dự án phải có sự quản lý từ phía cơ quan chức năng, có sự tham gia của các đơn vị này trong việc thẩm định dự án, đưa ra quyết định đầu tư. Việc phân lô bán đất nền mà không có sự thẩm định, đánh giá của cơ quan chức năng trên thực tế không được xem là các dự án.

Ông Dũng cho biết, những khu đất phân lô bán nền đang được rao bán chủ yếu là do tự phát. Tình trạng rao bán dự án ảo, thổi giá, đầu cơ đã có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản địa phương.

Ghi nhận thực tế cho thấy, sự bùng nổ của bất động sản Bình Thuận, mặt trái không chỉ là tình trạng các dự án phân lô bán nền trái phép mà còn liên quan đến những dự án quy mô lớn, được chấp thuận đầu tư bài bản.

Trong tháng 5/2019, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã phải có nhiều văn bản liên quan đến một số dự án bất động sản ở địa phương vẫn đang trong giai đoạn triển khai xây dựng hạ tầng theo giấy phép, chuẩn bị đầu tư, thậm chí chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng…nhưng đã tổ chức rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua.

Cụ thể, bốn dự án bị yêu cầu ngừng giao dịch do chưa đủ điều kiện bao gồm: khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né của Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam; khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 tại phường Phú Hài của Công ty cổ phần Tân Việt Phát; khu dân cư Nam Cảng cá phường Đức Long của Công ty cổ phần xây lắp thủy sản Việt Nam; dự án Sentosa Villa tại phường Mũi Né của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn.

Trong bốn dự án trên, chỉ có dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 được Sở Xây dựng cấp phép, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng hạ tầng; các dự án còn lại chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng.

Một số dự án quy mô lớn đang triển khai cũng dính sai phạm tương tự là Mũi Né Sumerland Resort của chủ đầu tư Hưng Lộc Phát, dự án Thanh Long Bay của tập đoàn Nam Group.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.