Bao giờ siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa hết long đong?Bao giờ siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa hết long đong?
CafeLand - Nắng chiều nhạt dần, ông Việt bắt đầu dọn dẹp, đi lại tất bật trong gian hàng tạp hóa nhỏ chất đầy đồ đạc. Trong khi đó, vợ ông cũng chuẩn bị xoong nồi để nấu cơm trong gian bếp được quây lợp bằng những tấm tôn cũ. Nếp sống và sinh hoạt của vợ chồng ông Việt hệt như những người dân quê ở một vùng nông thôn nào đó. Nhưng không, họ là những người dân đang sinh sống ở dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, nơi chỉ cách trung tâm TP.HCM độ 5km.

Nắng chiều nhạt dần, ông Việt bắt đầu dọn dẹp, đi lại tất bật trong gian hàng tạp hóa nhỏ chất đầy đồ đạc. Trong khi đó, vợ ông cũng chuẩn bị xoong nồi để nấu cơm trong gian bếp được quây lợp bằng những tấm tôn cũ. Nếp sống và sinh hoạt của vợ chồng ông Việt hệt như những người dân quê ở một vùng nông thôn nào đó. Nhưng không, họ là những người dân đang sinh sống ở dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, nơi chỉ cách trung tâm TP.HCM độ 5km.

Ông Việt kể, suốt 27 năm qua ông sống trong sự chờ đợi dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được xây dựng. Nay tóc ông đã bạc, nhiều người hàng xóm sống cùng thời với ông nay cũng không còn để thấy được khu mình sinh sống đã thay đổi như thế nào.

Ông cũng như nhiều người dân ở bán đảo Thanh Đa vẫn nói vui rằng: mình là những “đại gia chân đất”, vì nếu đền bù giải tỏa họ sẽ có trong tay tiền tỉ. Nhưng bao năm qua, họ vẫn bươn chải làm thuê kiếm sống. Nhiều người cố bám lấy ruộng vườn, nhưng thu nhập rất bấp bênh. Còn những người trồng lúa thì luôn thấp thỏm lo chuột cắn phá.

Nông thôn giữa lòng thành phố có lẽ là cụm từ phù hợp nhất khi nói về bán đảo Thanh Đa. Sau gần 3 thập kỷ chờ đợi, hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đang mong ngày siêu đô thị này được chính thức khởi động.

Câu chuyện của chị Mỹ cũng tương tự. Chị Mỹ cho biết chị đang sống trên mảnh đất cho ông bà để lại. Dù nhà nằm ngay trong nội đô, nhưng hàng ngày gia đình chị Mỹ vẫn trồng trọt và chăn nuôi. “Gần nửa đời người sống trong quy hoạch treo, mong muốn cất cái nhà cho con ở cũng không được”, chị Mỹ nói và cho biết thêm nhiều người mong muốn dự án sớm triển khai để họ ổn định cuộc sống.

Gần nhà chị Mỹ có hai vợ chồng đã lớn tuổi. Họ có 17.000m2 đất nhưng không thể cất nhà, và hiện đang cho thuê 14.000m2 để làm hồ câu cá giải trí với giá 8 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập chính để nuôi sống đôi vợ chồng già.

Bán đảo Thanh Đa gồm toàn bộ phường 28 của quận Bình Thạnh, được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Nơi đây chỉ cách khu biệt thự Thảo Điền quận 2 một con sông rộng chưa đến 100m, nhưng hai vùng đất này là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Trái ngược với hình ảnh của những căn biệt thự sang trọng bên kia song, bán đảo Thanh Đa vẫn còn sình lầy xen kẽ vườn cây, ruộng lúa, ao nuôi cá và những con đường đất đỏ.

Những năm gần đây, dịch vụ câu cá giải trí và quán ăn gia đình nở rộ ở bán đảo Thanh Đa. Dọc đường Bình Quới và các hẻm lớn xuất hiện nhan nhản bảng hiệu chào mời khách. Tuy nhiên, người kinh doanh dịch vụ này chủ yếu từ nơi khác đến thuê đất. Hiện, chỉ có đường Bình Quới là con đường chính và duy nhất bắc qua kênh Thanh Đa bởi cây cầu Kinh nối liền bán đảo với các vùng phụ cận.

Dọc theo đường Bình Quới, đi sâu vào bên trong bán đảo là những lô đất rộng lớn. Phần lớn trong tổng số 450 ha đất của dự án là những bãi cỏ rậm rạp, sình lầy xen kẽ vườn cây, ruộng lúa...

Theo phản ánh của người dân, dù có đất đai nhà cửa như họ không thể ổn định cuộc sống mà phải chịu đựng từ khi có dự án. Khổ nhất là tình trạng nhà cửa xuống cấp, không thể xây dựng mới. Họ chỉ được phép nâng nền cho đỡ ngập, sửa mái nhà cho đỡ dột chứ không được phép xây mới dù con cái lập gia đình, nhà cửa chật chội. Nhiều năm trôi qua, họ chưa thấy dự án này nhúc nhích, chỉ thấy nhiều chủ đầu tư đến rồi đi.

Dù vậy, anh Duy, người dân tại đây, bày tỏ sự ủng hộ nếu quy hoạch phát triển Thanh Đa như một khu sinh thái giữa lòng thành phố. “Vì xung quanh đây đã là đô thị rồi, không còn mảng xanh nữa… Tôi muốn tái định cư tại chỗ, vì nếu đi đến chỗ mới tôi phải bắt đầu lại từ đầu”.

Giới đầu tư bất động sản nhận định, nếu được triển khai, dự án này sẽ trở thành khu đô thị du lịch, sinh thái tầm cỡ nhờ lợi thế từ vị trí đắc địa.

Bán đảo này có ba mặt giáp sông nên không gian thoáng mát. Trong xu thế các khu đô thị ven sông ngày càng trở nên đắt giá và được ưa chuộng thì đây là một điểm cộng lớn. Mặt khác, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 5km, đủ thuận lợi để thu hút nhiều người “có tiền” về đây sinh sống.

Thế nhưng, trái ngược với tiềm năng, số phận của siêu dự án này lại quá truân chuyên. Dự án Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992 với quy mô sử dụng đất 426 ha. Dự án được quy hoạch xây dựng thành khu đô thị với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000-50.000 người.

Đến năm 2010, UBND TP.HCM quyết định thu hồi dự án, xóa “treo” cho người dân Thanh Đa. Năm 2015, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch Thanh Đa là khu dân cư đô thị sinh thái với dân số 45.000 người.

Cũng trong năm này, UBND TP chấp thuận chủ trương cho liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC làm chủ đầu tư dự án quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Giữa năm 2016, Công ty Emaar Properties PJSC của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất xin rút khỏi liên danh, không tiếp tục tham gia dự án và dự án tiếp tục giậm chân tại chỗ từ đó tới nay.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhà thầu này rút khỏi dự án. Đó là thời gian hoàn thành pháp lý dự án quá kéo dài (đề xuất từ năm 2010 nhưng đến năm 2015 mới hoàn tất được thủ tục chỉ định nhà đầu tư); tổng chi phí đầu tư về đất (bao gồm tiền bồi thường và tiền sử dụng đất); thời gian hoàn tất việc giải phóng mặt bằng; cơ chế chính sách không rõ ràng sẽ dẫn đến rủi ro cho dự án. Vì vậy, Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án và chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác.

Ngoài ra các chuyên gia còn cho rằng không loại trừ khả năng lợi nhuận của dự án không được như kỳ vọng. Theo tiến sĩ, luật sư, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, sau nhiều năm chưa được triển khai đã làm thất thoát tiền vốn mà các nhà đầu tư này đặt cọc cho cơ quan quản lý nhà nước. Họ đã bị tổn thất rất nhiều khi chờ đợi nhiều năm.

Một nguy cơ khác là vấn đề hạ tầng. Theo ông Tín, nhiều dự án hạ tầng được kỳ vọng sẽ giúp khu đô thị này giảm kẹt xe đang gặp khó khăn.

Theo quy định, dự án phải được tổ chức đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư. Như vậy, sau 27 năm chìm nổi, dự án Bình Quới - Thanh Đa quay lại vạch xuất phát để tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư mới. Được biết, hiện trên bán đảo Thanh Đa có khoảng 2.000 căn nhà, 3.000 hộ dân với hơn 14.000 nhân khẩu.

Gần đây nhất, lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều động thái khi liên tục chỉ đạo các sở - ngành liên quan thực hiện nhiều đầu việc để đánh thức siêu dự án này.

Cụ thể, tại cuộc họp báo kinh tế văn hóa xã hội tháng 2/2019, Chánh Văn phòng Võ Văn Hoan cho biết sắp tới thành phố sẽ rà soát lại quy hoạch cũ, điều chỉnh dự án Bình Quới - Thanh Đa cho phù hợp thực tế. Quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp, bởi thực tế đã có nhiều biến động như thành phố có chủ trương tạm thời cấp giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch. Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh lại dự án.

Song song với việc điều chỉnh lại dự án, UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán, xây dựng tiêu chí để tổ chức đấu thầu theo đúng quy định.

Cũng trong cuộc họp này, lãnh đạo TP.HCM cho biết có năm nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và sẵn sàng cam kết ký quỹ hơn 3 tỉ USD. Các nhà đầu tư đưa ra điều kiện để thể hiện mong muốn tham gia đấu thầu và phát triển dự án, nhưng họ cũng yêu cầu về thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng, đơn giá sử dụng đất nếu trúng thầu. Đây đều là những vấn thành phố loay hoay bao năm qua vẫn chưa thể tìm được câu trả lời.

Chưa đầy 10 ngày sau cuộc họp của lãnh đạo thành phố, số doanh nghiệp quan tâm đến dự án khu đô thị này đã tăng gấp đôi.

Theo đó, danh sách các nhà đầu tư bao gồm: Công ty TNHH Roytrade; Công ty CP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á; Liên danh Công ty CP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land; Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd; Công ty CP Xử lý ùn tắc giao thông - môi trường; Công ty CP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; Liên danh Công ty CP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thái Lan) và Công ty CP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân; Công ty CP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Theo các chuyên gia, muốn dự án nhanh chóng đi vào triển khai trên thực tế cần tháo gỡ nhiều khó khăn, lớn nhất là giải phóng mặt bằng và lên phương án bồi thường cho phù hợp.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, cho rằng để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, đề bài đặt ra trong hồ sơ đấu thầu là vấn đề hết sức quan trọng. Nếu cần có thể thuê tư vấn đấu thầu quốc tế, để có thể dựa vào uy tín của họ trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Ông Châu cũng nói thêm rằng, hiệp hội ủng hộ phương thức đấu thầu và cho đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế. “Bên cạnh đó, cần nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch, ranh dự án để có thể ổn định dân cư. Trong lúc chưa chọn được nhà đầu tư thì để cho dân tự sửa chữa nhà, khi chính thức công bố dự án thì dừng lại và thương lượng giải phóng mặt bằng”, ông Châu nói.

Có thể đưa ra bảng tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, trong đó có thể dựa trên ba yếu tố chính là kinh tế - xã hội - môi trường. Mỗi một tiêu chí đó có thể đưa ra chỉ số khác nhau, trong hồ sơ thầu yêu cầu các nhà đầu tư phải thể hiện được ý định rõ ràng về các tiêu chí này.

Trao đổi với CafeLand, giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, gợi ý có thể đưa ra bảng tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, trong đó có thể dựa trên ba yếu tố chính là kinh tế - xã hội - môi trường.

“Mỗi một tiêu chí đó có thể đưa ra chỉ số khác nhau, trong hồ sơ thầu yêu cầu các nhà đầu tư phải thể hiện được ý định rõ ràng về các tiêu chí này. Từ đó sẽ đánh giá được tư duy về các chỉ số cụ thể về kinh tế xã hội và môi trường trong quá trình nâng cấp khu đô thị này”, ông Võ lưu ý.

Trước vấn đề chọn một hay nhiều nhà đầu tư để thực hiện dự án, cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng cơ chế nhiều nhà đầu tư là yếu tố tốt. Trong đó có thể có sự tham gia của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Vì nhà đầu tư nước ngoài thường mạnh về kỹ thuật, kinh nghiệm lẫn năng lực tài chính. Các thủ pháp trong phát triển đô thị của họ cũng nhiều hơn ta. Song các nhà đầu tư trong nước lại có thế mạnh hơn ở khía cạnh sát sao với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của các địa điểm ở trong nước, sát với vấn đề xã hội, vấn đề môi trường.

Thanh Thịnh - Design: Thuận Trần
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là trang thông tin đầu tư bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.