Việt Nam “dọn ổ đón đại bàng": Trên rải thảm dưới đừng rải đinhViệt Nam “dọn ổ đón đại bàng": Trên rải thảm dưới đừng rải đinh
Nếu sớm kiểm soát được dịch bệnh, lĩnh vực công nghiệp Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn FDI nhiều hơn nữa, Việt Nam cần nâng cao các tiêu chí như bảo vệ môi trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Bên cạnh đó, cần có sự cởi mở về chính sách thông suốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 từ năm 2020 đến nay, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực công nghiệp có lợi thế để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Giáo sư Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh nền kinh tế Việt Nam vẫn được xem như là “ngôi sao” khi nằm trong tốp 3 nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Nền kinh tế giàu tiềm năng, nhân công dồi dào, chính trị ổn định là những yếu tố giúp ngành công nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Lợi thế này còn tăng lên khi xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu giữa các cường quốc kinh tế thế giới đang có sự thay đổi. Việt Nam trở thành điểm đến trong kế hoạch của nhiều doanh nghiệp “đại bàng” quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cũng đồng quan điểm trên. Mặc dù trong năm 2021 tình hình kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức hơn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát thì Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.7.2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 16,7 tỷ USD. Tính lũy kế đến nay, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 33.463 dự án, tổng vốn đăng ký 349,9 tỷ USD.

Nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam được thực hiện trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, nguồn vốn này giúp hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như: viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ôtô - xe máy, công nghệ thông tin, da giày, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm…

Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều doanh nghiệp “đại bàng” chọn Việt Nam làm tổ đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Chẳng hạn, Tập đoàn Samsung đến nay đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam và thường xuyên chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thông qua mặt hàng chính điện thoại cao cấp và linh kiện điện tử. Hiện, Samsung thu hút hơn 170 nghìn lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Mặc dù tiềm năng, nhưng để giữ chân và thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư thì công nghiệp Việt Nam cần cải thiện nhiều mặt. Đặc biệt, những tác động của đại dịch đã làm lộ rõ những bất cập trong chính sách, cũng như hệ thống quy hoạch, xây dựng, phát triển của công nghiệp Việt Nam.

Theo Giáo sư Trần Đình Thiên, để biến tiềm năng thành dòng vốn đầu tư thật thì Việt Nam cần có nhiều sự cởi mở hơn nữa trong chính sách thu hút đầu tư. Cần sửa đổi luật, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Ông Thiên cho rằng, Chính phủ cần phân quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương. Bởi mỗi tỉnh thành có thế mạnh lợi thế riêng, chính quyền địa phương là người hiểu rõ nhất nên họ sẽ có những chính sách sáng tạo để thu hút dòng vốn đầu tư hiệu quả.

Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo, sự cởi mở chính sách cần được nhất quán từ trung ương đến địa phương. Tránh tình trạng ở “trên rải thảm, dưới lại rải đinh”.

Ông Thiên cho biết thêm, để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam cần hướng đến sự “đẳng cấp” hơn là số lượng như hiện nay. Theo đó, cần ưu tiên mời gọi các lĩnh vực công nghiệp sạch, năng lượng sạch, khoa học công nghệ…mạnh tay loại bỏ những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến các yếu tố bảo vệ môi trường, năng suất nguồn lao động và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Từ trước nay, Việt Nam luôn tự hào về nguồn lao động trẻ dồi dào, giá rẻ nhưng nay cần phải nâng cao chất lượng, cải thiện năng suất lao động. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu.

Ngoài ra, ông Hiếu chỉ ra một thực trạng là các khu công nghiệp Việt Nam chưa đảm bảo được chốn an sinh cho người lao động, chuyên gia.

Ở phần lớn khu công nghiệp hiện nay, công nhân đang phải sinh sống trong những phòng trọ với không gian chật hẹp, thiếu hụt tiện ích. Khoảng cách gữa chỗ ở của người lao động với khu công nghiệp cũng rất xa. Có nơi, công nhân phải di chuyển hàng trăm km từ chỗ ở đến nơi làm việc. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho hoạt động sản xuất của nhiều khu công nghiệp bị ngưng trệ trong đại dịch.

Theo ông Hiếu, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp cần hướng đến một hệ sinh thái đầy đủ. Trong đó, liền kề khu công nghiệp là những khu đô thị phụ trợ với đầy đủ tiện ích đảm bảo an sinh cho người lao động, chuyên gia làm việc.

Những khu đô thị phụ trợ công nghiệp như vậy sẽ kéo người lao động đổ về lấp đầy các khu công nghiệp. Đây cũng là yếu tố để thu hút dòng vốn đầu tư một cách bền vững hơn.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là trang thông tin đầu tư bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.