Quảng Nam cần gì để trở thành vùng đất đáng sống?Quảng Nam cần gì để trở thành vùng đất đáng sống?
Những phát triển thời gian qua đã đưa Quảng Nam vươn lên đứng thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chỉ sau thành phố Đà Nẵng. Vấn đề đặt ra là Quảng Nam cần làm gì nữa để biến nơi đây thành vùng đất đáng sống?

Thực tế cho thấy hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phát triển khá toàn diện, góp phần tạo ra diện mạo mới cho địa phương. Có thể kể đến một số công trình giao thông lớn như đường Võ Chí Công nối từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cầu Đế Võng, cầu Giao Thủy, cầu Cẩm Kim và cầu Bình Đào.

Quảng Nam hiện có 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích đất sử dụng 1.100 ha. Ngoài ra, tỉnh này cũng quy hoạch 92 cụm công nghiệp với diện tích hơn 2.280 ha.

Về chương trình phát triển đô thị, đến nay tất cả các địa phương cấp huyện đều có đô thị trung tâm, đã hình thành các đô thị mới như Hương An, Bình Minh và Duy Hải – Duy Nghĩa. Trong đó, thành phố Tam Kỳ đang triển khai đề án xây dựng thành phố theo tiêu chí đô thị loại I, phát triển đô thị Hội An đạt tiêu chí của đô thị loại II.

Đối với nhóm dự án trọng điểm, khu đô thị - du lịch Nam Hội An với quy mô quy hoạch phát triển đến năm 2030 là 4.000 ha, trên địa bàn vùng Đông hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình.

Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã cấp chủ trương đầu tư cho 8 dự án. Trong đó, các dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động trong năm 2020, khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An đã hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2018.

Nhóm công nghiệp ô tô và ngành phụ trợ có có dự án quy mô khoảng 2.000 ha thuộc Khu công nghiệp Tam Hiệp và Tam Anh do Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng. Trong đó, Thaco đầu tư trực tiếp 20.372 tỉ đồng.

Đặc biệt, cảng hàng không Chu Lai đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách/năm. Dự kiến trong thời gian tới, Chu Lai sẽ được phát triển thành cảng hàng không quốc tế với khả năng đón tiếp từ 5-10 triệu hành khách/năm. Đồng thời đến năm 2050, Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế cửa ngõ (thay thế cảng hàng không Đà Nẵng) với công suất thiết kế 40 triệu hành khách/năm.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Quảng Nam đã xác định những việc cần phải làm ngay để sớm xây dựng khu vực phía đông của tỉnh trở thành vùng đất đáng sống, đồng thời đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố Tam Kỳ sớm trở thành đô thị loại I.

Những đổi thay của Quảng Nam ở hiện tại cùng nhiều dư địa phát triển sẵn có, đặc biệt là nguồn lực về đất đai đã thôi thúc nhiều tập đoàn bất động sản lớn đổ về đây đầu tư, nghiên cứu đầu tư nhiều dự án quy mô lớn.

Trong số các nhà đầu tư có thể kể đến những tên tuổi lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Vinacapital, Sungroup, FPT, FLC, Thaco Trường Hải và Nova Group.

Quảng Nam có hai thành phố, một thị xã và 15 huyện, với 241 đơn vị hành chính cấp xã (203 xã, 25 phường và 13 thị trấn). Quy mô GRDP tỉnh Quảng Nam đứng thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sau thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh vị trí, Quảng Nam còn có thế mạnh về lao động và việc làm. Dân số từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động hơn 903 nghìn người (chiếm 60%). Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động kết hợp với đào tạo nghề cho lao động phổ thông chưa có tay nghề đang tăng cao, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người.

Tổng diện tích đất tự nhiên của Quảng Nam là 1.057.486 ha, trong đó có 947.425 ha đất nông nghiệp, 96.608 ha đất phi nông nghiệp, 13.454 ha đất chưa sử dụng và 327 ha đất có mặt nước ven biển.

Nguồn lực về đất đai chính là thế mạnh, sự khác biệt của Quảng Nam. Song nguồn lực ấy được khai thác và sử dụng hiệu quả ra sao thì vẫn còn cần nhiều cơ chế làm bệ đỡ cho sự phát triển của địa phương này trong thời gian tới.

Tại cuộc họp ngày 15-11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã giao các sở ngành có liên quan khẩn trương phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, xây dựng đề cương phát triển khu vực miền Trung và của tỉnh trong giai đoạn mới.

Trong đó có việc xây dựng cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn và Đề án Một số chủ trương lớn tạo điều kiện phát triển toàn diện Khu kinh tế mở Chu Lai.

Đối với nội dung xây dựng sân bay Chu Lai thành Trung tâm dịch vụ hàng không Quốc gia có khả năng cạnh tranh quốc tế, ông Thanh cho rằng cần có cơ chế quản lý phân định khai thác rành mạch giữa quân sự và dân sự, đồng thời cho phép các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài được đầu tư các công trình tại sân bay để khai thác phục vụ sửa chữa máy bay, sản xuất linh kiện, thành lập trung tâm đào tạo phi công.

Về vấn đề đầu tư cảng biển, cho phép thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công – tư PPP đối với việc nạo vét luồng từ khu vực Cửa Lở đến bến Tam Hiệp cho tàu 5 vạn tấn. Trung tâm Logistic tại Chu Lai sẽ hình thành, trong đó dịch vụ vận tải biển là trọng yếu (chủ yếu là container).

Cùng với đó là việc nghiên cứu các cơ chế thuận lợi nhất để đầu tư, phát triển các khu phi thuế quan cảng biển và sân bay.

Đối với việc đầu tư các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh định hướng xây dựng mô hình các khu công nghiệp sinh thái, thu hút ngành nghề có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng sẽ đề xuất Chính phủ xác định và tạo cơ chế hình thành Trung tâm công nghiệp cơ khí quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Trong đó có ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ cơ khí đa dụng, sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Quảng Nam sẽ xây dựng cơ chế đầu tư phát triển các khu đô thị với quy mô lớn, tạo hạ tầng đồng bộ do nhà đầu tư có uy tín, năng lực (trong nước và quốc tế) nghiên cứu, đầu tư nhiều khu chức năng, tạo thành trung tâm đô thị ven biển, ven sông đẳng cấp quốc tế.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.