Tháng 3/2019, một sự kiện được dư luận vào báo giới Việt Nam tốn rất nhiều giấy mực là đám cưới đình đám của cặp đôi tỉ phú người Ấn Độ Rushang Shah và Kaabia Grewal. Sở dĩ nó được quan tâm hơn cả bởi cặp đôi giàu có này đã lựa chọn một khách sạn ở Phú Quốc để tổ chức ngày trọng đại của đời mình. Đám cưới được tổ chức trong nhiều ngày với hơn 500 khách mời sang trọng từ nhiều nơi trên thế giới.
Những đám cưới kiểu này là “của hiếm” tại Việt Nam, bởi giới siêu giàu luôn có nhiều lựa chọn và họ đòi hỏi rất khắt khe với những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng chứ chưa nói đến những sự kiện “cả đời một lần” như đám cưới.
Ví dụ cho thấy rằng, Phú Quốc có sức hấp dẫn như thế nào trong con mắt của du khách quốc tế.
Trong năm 2019, Phú Quốc liên tục được CNN – một tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ, vinh danh là một trong những điểm đến du lịch nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á và thế giới. Sức hấp dẫn của đảo ngọc cũng được thể hiện trong từng con số. Cụ thể, năm 2019 Phú Quốc đón hơn 4 triệu lượt du khách và dự kiến trong năm 2020 sẽ là hơn 5 triệu du khách.
Phú Quốc hiện có khoảng hơn 22.000 phòng lưu trú, hơn một nửa trong số đó có tiêu chuẩn từ 3-5 sao được quản lý vận hành bởi những thương hiệu hàng đầu thế giới.
Nằm ở vùng biển Tây Nam của tổ quốc, Phú Quốc có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng. Từ đây dễ dàng kết nối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng khác của các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan… Đây cũng là hòn đảo lớn nhất Việt Nam – Phú Quốc bao gồm một quần thể 22 đảo lớn nhỏ có diện tích gần 600km2, gần bằng với đảo quốc Singapore.
Điểm đặc biệt nhất tại Phú Quốc đó chính là sở hữu hệ sinh thái cảnh quan tuyệt đẹp và đa dạng. Với 150km đường bờ biển bao quanh, Phú Quốc đang có những bãi biển được xếp vào top đầu trên thế giới như Bãi Trường, Bãi Thơm, Bãi Khem… Bên cạnh biển, rừng cũng là một đặc sản ở Phú Quốc. Hòn đảo này có đến gần 100 ngọn núi đồi với 36.000ha rừng nguyên sinh.
Ngoài những vẻ đẹp được thiên nhiên ưu đãi, hòn đảo này cũng hấp dẫn du khách bởi nhiều nét văn hóa độc đáo từ sinh hoạt làng chài, ngành nghề nước mắm truyền thống lâu đời, thương hiệu tiêu Phú Quốc và không thể không nhắc đến ngọc trai nổi tiếng.
Về địa giới hành chính, Phú Quốc hiện nay được phân thành hai khu Bắc và Nam đảo với 2 thị trấn là Dương Đông và An Thới. Dân số trên đảo gần 180.000 người.
Dù rất tiềm năng, nhưng Phú Quốc chỉ thật sự được đánh thức từ năm 2012. Sự kiện có vai trò quyết định là việc cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chính thức hoạt động, cùng với đó là nhiều dự án hạ tầng giao thông trên đảo được xây dựng. Đến năm 2014, Phú Quốc có lưới điện quốc gia. Đảo ngọc cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lên đô thị loại II.
Với những bãi biển dài cát trắng, nắng vàng, Phú Quốc như thỏi nam châm hút mọi ông lớn trong lĩnh vực bất động sản đổ về đầu tư nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Cũng chính những dự án này đã và đang làm thay đổi bộ mặt của đảo ngọc và biến nơi đây thành một trong những thị trường bất động sản sôi nổi nhất của cả nước. Đây chính là những tiền đề tạo lực đẩy cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Phú Quốc, trong đó có thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Hiện nay, phía bắc đảo đang là nơi “thống trị” của Tập đoàn Vingroup với quần thể nghỉ dưỡng 5 sao bao gồm khách sạn, villas, sân golf, safari… đặc biệt là casino đầu tiên cho người Việt mở cửa từ đầu năm 2019.
Dọc bãi Trường là sự hiện diện của các ông lớn như CEO Group với tổ hợp Sonasea Villas & Resort quy mô 132ha; BIM Group với Phú Quốc Marina có diện tích 155ha; Nam Group với dự án Wyndham Phú Quốc, Meyhomes Capital Phú Quốc của Tân Á Đại Thành.
Bãi Khem là nơi tọa lạc của quần thể nghỉ dưỡng của Sun Group gồm W Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Premier Residences Phú Quốc Emerald Bay, Premier Village Phú Quốc Resort.
Những thương hiệu quản lý, vận hành bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất thế giới hiện nay đã tề tựu về Phú Quốc như Intercontinental, Novotel, Sheraton, Pullman, Park Hyatt, Mariott…
Một báo cáo từ tháng 7/2019 cho biết, Phú Quốc hiện có 299 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.585ha. Hiện nay, có 46 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 1.200ha, tổng vốn đầu tư 13.472 tỉ đồng, 41 dự án đang triển khai xây dựng, diện tích 3.246 ha, tổng vốn đầu tư 101.343 tỉ đồng. Ngoài ra, Phú Quốc còn có 31 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 293 triệu USD.
Hiện nay, dù dịch bệnh covid – 19 đang khiến thị trường chững lại song ghi nhận thực tế, nó không tác động quá nhiều đến giá bất động sản ở Phú Quốc. Một người dân tại thị trấn Dương Đông cho biết, trung tâm thị trấn này giá đất dao động trung bình từ 200 - 250 triệu đồng/m2. Cá biệt, một số vị trí đẹp, giá bán còn cao hơn với mức 300 -500 triệu đồng/m2.
Con số này sẽ khiến không ít người phải giật mình bởi nó tương đương với nhiều tuyến đường tại các quận trung tâm của TP.HCM.
Với những sản phẩm bất động sản như condotel, biệt thự, nhà phố trong các tổ hợp cao cấp ven biển, mức giá hiện nay cũng đã tăng từ 2-3 lần so với thời điểm mở bán các đây 2 đến 3 năm.
Cụ thể, theo một môi giới bất động sản, giá bán một căn nhà phố tại một dự án dọc bãi Trường vào năm 2017 dao động từ 3-4,5 tỉ đồng, hiện nay mức giao dịch thứ cấp thấp nhất là 7 tỉ đồng. Những căn nhà phố mới mở bán cũng có giá trung bình 9-10 tỷ đồng, những căn đẹp có giá 15-20 tỷ đồng.
Cũng theo nhân viên môi giới bất động sản kể trên khách đến mua bất động sản Phú Quốc chủ yếu đến từ Hà Nội, một phần nhỏ đến từ TP HCM. Tuy nhiên, gần đây cũng đã có một lực lượng đông đảo Việt Kiều.
Dù giá bán đã rất cao, nhưng theo nhiều môi giới bất động sản tại Phú Quốc, điểm rơi thật sự của thị trường tại đây có thể là 3-5 năm tới khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện và nhiều dự án quan trọng đi vào vận hành hình thành nên một tổ hợp nghỉ dưỡng hoàn thiện. Do đó, dù giá bất động sản hiện đang khá cao nhưng vẫn là thời điểm thích hợp để đầu tư.
Bên cạnh yếu tố trên, giới đầu tư bất động sản còn có nhiều cơ sở để tin rằng dư địa bất động sản tại Phú Quốc là tiềm năng. Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế Phú Quốc có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, Chính phủ cho phép khu kinh tế Phú Quốc là khu kinh tế ven biển được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo quy định tại khoản 7, điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019. Luật cũng quy định người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển được miễn thị thực thì cấp tạm trú 30 ngày.
Động thái này, cùng với việc Việt Nam đang trở thành điểm sáng về phòng chống dịch Covid sẽ là điều kiện để thu hút du khách và nhà đầu tư quốc tế quay trở lại khi các đường bay quốc tế mở cửa.
Một động lực dài hơi hơn, là việc Kiên Giang đang lấy ý kiến cử tri về việc thành lập thành phố Phú Quốc. Theo dự thảo đề án, thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 575,29km2 và quy mô dân số 177.540 người (giảm về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Thổ Châu) với 8 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, Dương Đông và An Thới được xác định sẽ trở thành hai đô thị điểm nhấn của thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc cởi bỏ “chiếc áo” chật chội bấy lâu sẽ giúp Phú Quốc chuyển mình mạnh mẽ hơn. Không chỉ cởi trói cho bộ máy hành chính mà còn tạo động lực để khơi gợi mọi nguồn lực của thành phố đảo. Trong đó, có việc tận dụng tối đa các ưu đãi, chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Thực tế, để chuẩn bị cho việc nâng tầm vị thế, nhiều năm qua Phú Quốc đã có nhiều kế hoạch, trong đó có việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông. Trong đó, sân bay quốc tế Phú Quốc định hướng đến năm 2030, sẽ có khả năng tiếp nhận 20 máy bay trong giờ cao điểm, công suất 7 triệu hành khách mỗi năm.
Hiện nay, để kết nối thị trấn Dương Đông với An Thới thông qua hai tuyến đường chính là DT975 và DT46, trong đó DT975 sẽ trở thành tuyến cao tốc trong tương lai.
Phía Bắc đảo, dự án đang được xây dựng là Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến là 27 km, trong đó phần nâng cấp, mở rộng dài 22,2 km và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam - Bắc đảo Phú Quốc dài 4,87 km.
Cụ thể, nền đường, mặt đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu được mở rộng từ 2 làn xe rộng 7-11m thành 4 làn ô tô và 2 làn xe hỗn hợp rộng 18,5 m, tổng chiều rộng nền đường 20m. Phần nhánh nối trục Bắc - Nam đảo với đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu được xây dựng mới đạt quy mô 4 làn xe ô tô và 2 làn xe hỗn hợp có chiều rộng mặt đường 18,5m, nền đường 20m.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển, các tuyến đường giao thông đường biển cũng đang được đầu tư khai thác.
Sự đổi thay của Phú Quốc những năm qua có rất nhiều điểm tươi sáng, đáng mừng song cũng có không ít nốt trầm đáng lo ngại.
Đầu tiên là những cơn sóng đất ảo. Từ năm 2014 cho đến nay, Phú Quốc được ví như chảo lửa về giá đất. Từ những thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch đặc khu đến những lời đồn thổi từ cò đất đã khiến thị trường đất đai hỗn loạn. Tình trạng phân lô bán nền trái phép, lấn chiếm đất đai, phá vỡ quy hoạch trở thành khối “u nhọt” khó trị.
Chuyện những ngư dân quanh năm với chài lưới, sau một đêm bỗng trở thành tỉ phú với từng bao tải tiền trong nhà không hiếm tại Phú Quốc. Nhiều người giàu lên nhờ bán đất nhưng chẳng mấy chốc đã buồn bởi cả đời chỉ quen với con cua, con cá. Số khác có tiền lại đâm ra cờ bạc, tệ nạn… Bài toán công ăn việc làm cho người dân sau khi nhường đất cho các dự bán bất động sản là dấu hỏi.
Hiện nay, bên cạnh những dự án đã và đang được triển khai, Phú Quốc còn hàng trăm dự án bất động sản vẫn chỉ nằm trên giấy. Việc những dự án này ì ạch không chỉ gây lãng phí, mất mỹ quan cho đảo ngọc mà còn kéo theo sự khốn khó của biết bao hộ dân. Dù những ngôi nhà đã rệu rã, dù mảnh đất để cỏ dại suốt nhiều năm nhưng họ không thể sửa chữa, tròng trọt bởi cụm từ “dự án treo”.
Sở hữu “rừng vàng, biển bạc” nhưng Phú Quốc cũng đang đối diện với những thách thức bởi sự phát triển quá nóng. Nhiều bãi biển, núi rừng bị khai phá một cách không có quy hoạch. Hàng loạt dự án bất động sản dính sai phạm trong quá trình triển khai.
Những nội dung này được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017.
Theo đó, tại Phú Quốc, việc buông lỏng quản lý rừng, dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn xử lý, dẫn đến có một số hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng. Điều này dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng…gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai. Đặc biệt, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thấm quyền phê duyệt.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc (giai đoạn từ ngày 01/01/2016 đến ngày 09/6/2017) với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) không vì mục đích sản xuất nông nghiệp, trong khi quy định của pháp luật về đất đai trong giai đoạn này không có quy định về việc tách thửa đất nông nghiệp, dẫn tới tình trạng chuyến nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc trong thời gian này diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Rõ ràng, bên cạnh việc khai phá hết tiềm năng của Phú Quốc thì câu chuyện giữ gìn những vẻ đẹp thiên nhiên vốn có của hòn đảo này là chuyện sống còn. Bởi một khi những nét riêng của Phú Quốc mất đi thì dù có lên thành phố hay khu kinh tế đặc biệt nó cũng như mọi đô thị khác – “một đô thị bê tông”.
Đến lúc đó, những đám cưới kiểu như cặp đôi tỉ phú người Ấn Độ Rushang Shah và Kaabia Grewal sẽ khó mà xuất hiện thêm lần nữa!