Đô thị “khát” trường học: Hệ luỵ đầy bi kịchĐô thị “khát” trường học: Hệ luỵ đầy bi kịch
Một nghịch lý dễ thấy trong bức tranh đô thị hoá hiện nay là diện tích xây dựng đô thị, cao ốc ngày càng được mở rộng trong khi không gian công cộng, hạ tầng xã hội, trong đó có hệ thống trường học lại dần bị thu hẹp. Theo một số chuyên gia, đây chính là hệ luỵ đầy bi kịch cho đô thị Việt Nam, và vấn đề này không bao giờ hết “nóng” mỗi dịp năm học mới cận kề.

Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Hà Nội, từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn thành phố có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội, 11 dự án nhà tái định cư được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trong số này có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở.

Cụ thể như: khu đô thị mới Phùng Khoang, khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, khu đô thị Xuân Phương – Viglacera, khu đô thị Thành phố giao lưu, khu đô thị Đoàn Ngoại giao, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, khu nhà ở Vĩnh Hoàng, khu chức năng đô thị Ao Sào, khu đô thị mới Cầu Bươu, khu nhà ở Thạch Bàn, khu đô thị Đặng Xá, khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp; khu đô thị mới Việt Hưng...

Một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp. Các nhà đầu tư thứ cấp này chậm triển khai nhưng các chủ dự án không đôn đốc kịp thời theo tiến độ.

Điển hình là khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm quy hoạch sáu ô đất xây dựng trường học. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có một công trình trường tiểu học hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.

Còn năm ô đất quy hoạch xây dựng trường học, Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng haiô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; hai ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; một ô đất (TH4) đang vướng mắc, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

HUD cũng đang tiến hành thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở quy hoạch phân khu được duyệt, hai lô đất trường mầm non và một lô đất trường THCS, HUD đã chuyển nhượng hạ tầng cho các nhà đầu tư thứ phát để xây dựng công trình; tuy nhiên đến nay các nhà đầu tư chưa xây dựng.

Đối với khu đô thị mới Việt Hưng, HUD thị đã chuyển giao 5 lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp 2 nhưng đến nay chỉ có 1 công trình trường học đã hoàn thành xây dựng.

Chị Đặng Thị Hương, khu đô thị (KĐT) Đặng Xá, Gia Lâm Hà Nội trước đó đã rất bức xúc khi cùng với khu đô thị mà những người có hộ khẩu thường trú ở xã Đặng Xá thì con em họ được đi học, còn nhiều người thì không vì con em họ vướng hai chữ Cổ Bi.

Không chỉ có chị Hương mà nhiều ông bố bà mẹ khác có con em học ở trường tiểu học Cao Bá Quát (KĐT Đặng Xá, Gia Lâm) đều ngỡ ngàng vì 202 học sinh vừa nhập học lớp 1 bị liệt vào danh sách trường tiểu học Trung Thành (Gia Lâm). Lý do, KĐT Đặng Xá được xây dựng trên hai xã Đặng Xá và Cổ Bi thế nên con em ở xã nào thì về trường của xã đó để học.

Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh rơi nước mắt là trường Trung Thành lúc đó đang trong quá trình xây dựng dở dang.

Câu chuyện này đặt ra một vấn đề. Đó là khu đô thị ở quy mô như thế nào thì bắt buộc phải bố trí trường học các cấp cho trẻ? Và quy mô của trường học như thế nào mới đủ đáp ứng nhu cầu cư dân trong khu đô thị?

Trả lời vấn đề này, trong một tọa đàm với chủ đề “Thiếu trường học tại các khu đô thị” gần đây, KTS Trần Thanh Bình cho rằng từ khi Hà Nội mở rộng đã có “vấn đề” về tiêu chuẩn. Hiện nay chúng ta chưa định hình lại tiêu chuẩn mà trước đây ta đã tính trong khu đô thị nén về bán kính. Bởi có những khu đô thị quy mô dân số bằng ba phường thì phải xác định thế nào là khu đô thị, và hạ tầng trong khu đô thị nén phải nhìn ở tầm vĩ mô để xem xét lại tiêu chuẩn.

Liên quan đến quá trình phát triển đô thị, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho rằng, “cái bóng” của tòa chung cư này đổ đến đâu thì tòa chung cư bên cạnh mới được “mọc” lên ở đó. Tức là, khoảng cách giữa hai tòa chung cư ít nhất phải bằng 2/3 chiều cao của tòa nhà. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, có thể nhìn thấy rất rõ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM những “rừng bê tông” (tòa chung cư) mọc lên chi chít, san sát nhau, khoảng cách giữa các khối nhà có khi chỉ cách nhau khoảng chục mét.

Theo ông Võ, chúng ta sẽ không đáp ứng được hạ tầng, dịch vụ công cộng cho một đô thị chật hẹp đang chứa lượng dân số quá lớn. “Hệ lụy này mang tính bi kịch cho đô thị Việt Nam”, ông Võ nhận định.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XIV trước đó, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại về công tác quy hoạch hiện nay. Theo ông, chất lượng quy hoạch đô thị thời gian qua còn rất thấp, vẫn hiển hiện quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu.

Vị đại biểu này cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tuân theo lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như: giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh… Đồng thời, các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu thấp nhất về hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị.

"Đây là điều đáng suy nghĩ, đã và đang gây ra hệ lụy, tổn hại về kinh tế, gây bức xúc cho xã hội, cho mọi người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện… ngày càng tăng, trước mắt là thành phố lớn và sẽ là tất cả các đô thị trong tương lai", đại biểu Vượt nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trường học trong các khu đô thị, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, thực trạng này là hậu quả của sự thiếu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến tiến trình phát triển đô thị.

“Họ đã vô tình hay cố ý thay đổi khái niệm “đô thị” với “bất động sản”, ông Ánh nhận định.

Theo ông, nếu là dự án phát triển đô thị thì phải đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu đô thị, còn với bất động sản thì không. Họ chỉ cần mua đất xây nhà rồi bán và không cần có trách nhiệm gì trong phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội.

Lý do để mở rộng địa giới hành chính Hà Nội năm 2008 là tăng không gian để cải thiện điều kiện sống của nhân dân như tăng cường diện tích trường học, nhà trẻ, bệnh viện… Tuy nhiên, trên thực tế diện tích đô thị được mở rộng, các công trình bất động sản thương mại tăng lên nhưng các công trình hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thì ngày càng bị thu hẹp.

“Công cuộc phát triển đô thị bị biến tướng thành làn sóng phát triển bất động sản tràn lan, còn hạ tầng đô thị bao gồm hạ tầng kỹ thuật và xã hội bị bỏ lại. Trong khi tài nguyên đất đai thì tan biến còn hạ tầng thiếu hụt là tất yếu”, ông Ánh đánh giá.

Theo tính toán, cứ 1 triệu dân tăng lên thì có 25% dân số là ở độ tuổi đi học. Cần 6-10m2/học sinh để làm nơi học hành, hoạt động thể chất. Theo tính toán của cựu Hiệu trưởng ĐHKT, Hà Nội mở rộng theo quy hoạch có sức chứa 50 triệu dân, tương đương với 2,6 tỉ mét vuông sàn nhà ở.

Nhiều “ông lớn” đang hò reo phải xây nhiều bất động sản hơn nữa nhưng không ai nhắc đến cần hàng chục, hàng trăm triệu mét vuông đất trường học và hoạt động thể chất.

Với đà này, Hà Nội sẽ không chỉ dừng lại ở việc thiếu trường học, mà còn thiếu hàng loạt hạ tầng kỹ thuật.

“Căn cứ vào các mục tiêu của mở rộng Hà Nội 2008, sau 10 năm, mục tiêu phát triển đô thị là thất bại, chỉ có phát triển bất động sản là thành công”, KTS. Trần Huy Ánh nhìn nhận.

Để giải quyết tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới, ông Ánh cho rằng cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất là sự quyết tâm vào cuộc của chính của địa phương. Nếu có quyết tâm thì sẽ có những cách làm sáng tạo, vấn đề dù có được coi là khó vẫn có thể giải quyết ổn thỏa.

Ví dụ, quận Hoàn Kiếm là một quận lõi trung tâm, có diện tích nhỏ, dân số đông nhất thành phố nhưng các cơ sở trường công lập luôn đáp ứng đủ nhu cầu con em trong quận.

Hay như tại quận Hai Bà Trưng, khi các nhà máy, xí nghiệp được di dời ra khỏi thành phố thì thay vào đó là những công trình nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê mọc lên. Nhưng nhờ quyết tâm “giữ đất” của chính quyền quận, nhiều trường học tại các khu đất “vàng” như trường mầm non tại khu đất 622 Minh Khai, trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm), trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc)... được xây dựng.

Và một điển hình nữa cho thấy nếu có quyết tâm của những người đứng đầu địa phương thì những bản quy hoạch lỗi hoàn toàn có thể khắc phục để phù hợp với tốc độ phát triển đô thị.

Năm 2000, quận Cầu Giấy có bản quy hoạch phát triển trường học trên địa bàn quận. Định hình quy hoạch dựa trên cơ sở dân số là 90.000 dân năm 2000, dự kiến 10 năm sau sẽ có 170.000 dân. Tuy nhiên, năm 2010, dân cư tại quận này đã đạt đến 350.000 và đến nay đã là gần nửa triệu dân. Trong khi đó, trên địa bàn quận có 65 điểm trường nhưng đã có hơn 10 điểm là trường tư thục.

Trước thực trạng quá tải như trên, quận Cầu Giấy đã nhanh chóng nhìn nhận và kiên quyết thay đổi dứt điểm tình trạng này, nhiều trường đã được xây dựng từ những dự án bất động sản…

Thứ hai, ngành giáo dục thủ đô cần đưa ra những dữ liệu chính xác về chiến lược phát triển của ngành để phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các quận huyện, các sở ngành chức năng nhằm xây dựng mạng lưới trường học cho phù hợp với nhu cầu từng khu vực, địa bàn dân cư.

Thứ ba, trên cơ sở nhu cầu mạng lưới trường học mà ngành giáo dục đưa ra thì các chuyên ngành như quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường phải có trách nhiệm giới thiệu địa điểm, dành đất, dành không gian phát triển, đưa ra phương án phát triển mạng lưới trường học.

Cuối cùng, trách nhiệm cao nhất là chính quyền thành phố. Thành phố phải có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa.

Khi các bên thực hiện được như trên thì tình trạng thiếu trường lớp tại các khu đô thị mới được giải quyết triệt để, còn không nó chỉ như việc “ném đá ao bèo”, năm sau lại thiếu trầm trọng hơn năm trước.

Đối với những chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học trong dự án của mình, ông Ánh cho rằng, cần sử dụng công cụ tài chính thay cho mô hình xin – cho.

“Chúng ta đang phát triển đô thị dưới sự điều tiết bởi nền kinh tế thị trường. Do đó, câu chuyện rất rõ ràng ở đây là phải dùng công cụ tài chính để ứng xử”, ông Ánh nói.

Những khu vực đất công dành để phát triển bất động sản phải được lượng hóa bằng tiền. Những doanh nghiệp lấy đất có nghĩa là lấy tiền đi thì phải trả lại tài sản công được lượng hóa bằng tiền như xây trường học, nhà trẻ…

“Nếu chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học trong dự án của mình thì phải nộp lại số tiền tương đương để mua một không gian đủ chỗ cho số học sinh trong khối dân cư mà dự án đó sẽ hình thành”, ông Ánh nói.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh phải xây dựng các cơ sở giáo dục công lập chứ không phải biến tướng thành bất động sản kinh doanh trường học, có nghĩa là xây dựng các trường tư thục rồi thu học phí cao ngất ngưởng.

Cũng cần làm rõ khái niệm các cơ sở kinh doanh dịch vụ giáo dục là “bất động sản dịch vụ giáo dục”.

Đây là loại hình kinh doanh có thể thu lãi hơn các loại nhà ở kinh doanh, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn. khu du lịch, nghỉ dường, bệnh viện, chăm sóc sức khỏe.

Như vậy các trường học, cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu phí ở các mức khác nhau, đều là loại hình dịch vụ có thu cần đối xử công bằng: trường tư thì mua đất tư nhân để xây. Nếu đã được giao đất thì thuê có thời hạn/có điều kiện mà không cần bất cứ ưu đãi nào.

Bài: Tâm An - Design: Đại Đặng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.