Dấu ấn bất động sản Hải Phòng, giữa thời kỳ khủng hoảngDấu ấn bất động sản Hải Phòng, giữa thời kỳ khủng hoảng
Giữa vòng xoáy khủng hoảng, thị trường bất động sản Hải Phòng vẫn có những dấu ấn riêng. Mặc dù không nằm ngoài vùng ảnh hưởng, nhưng khu vực này vẫn có những phân khúc được coi là điểm sáng, thu hút được nhiều nhà đầu tư nửa cuối năm 2023.

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, năm 2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận lượng giao dịch gia tăng và tình trạng bán cắt lỗ sâu, hạ giá bất động sản giảm mạnh so với năm 2022.

Diễn biến tích cực này bắt đầu từ quý 3.2023, với lượng giao dịch nhiều nhất, giá có xu hướng đi ngang và tăng nhẹ ở một số khu vực.

Bước sang quý 4.2023, lượng giao dịch tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt trong tháng 10.

Chuyên gia của An Phú Land cho biết, hai phân khúc được coi là điểm sáng của thị trường bất động sản Hải Phòng trong năm 2023 là đấu giá đất nền có hạ tầng tại các quận huyện như Kiến An, Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, Kiến Thụy và nhiều nơi đã tạo ra khá nhiều giao dịch, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nửa cuối năm 2023.

Dữ liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, từ đầu quý 2.2023, bất động sản Hải Phòng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét với lượng giao dịch ghi nhận thành công ngày càng nhiều. Địa phương này có 11 dự án nhà ở đang mở bán, đưa ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm.

Trong đó, 70% nguồn cung là căn hộ cao cấp đến từ các dự án chung cư thuộc quận Lê Chân, mức giá sơ cấp trung bình khoảng 48 triệu đồng/m2, tăng 4,3% theo quý, bằng với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 8% mức giá trung bình căn hộ sơ cấp tại Hà Nội.

Về tình hình giao dịch bất động sản quý 2, theo VARS, thị trường ghi nhận 236 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ đạt 24%, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc căn hộ chung cư dẫn đầu lượng giao dịch với các dự án chung cư mở bán đều ghi nhận lượng giao dịch tốt, đều đặn. Một số dự án đã gần như bán hết.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng phân tích, năm 2023, tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn dù quyết định xuống tiền còn chưa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các văn phòng bất động sản đã hoạt động trở lại qua việc tích cực tuyển dụng, mở văn phòng mới, hiện tượng nghỉ và đóng cửa không còn. Lượng giao dịch nửa cuối năm tốt hơn đầu năm.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, toàn thành phố hiện có khoảng hơn 200 công ty, sàn, văn phòng giao dịch có hoạt động dịch vụ môi giới, phân phối các loại hình bất động sản, với khoảng 2.000 - 2.500 môi giới. Ngoài ra, có khoảng 2.000 môi giới hoạt động tư do.

"Thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên việc hồi phục là một quá trình, tốc độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc từng khu vực, phân khúc sản phẩm. Bên cạnh đó, các ngành hàng khác - những khách hàng của ngành bất động sản còn gặp quá nhiều khó khăn nên thị trường bất động Hải Phòng cũng chưa thể khởi sắc", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng Nguyễn Quang Văn đưa ra nhận định và cho rằng dù thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội và triển vọng hồi phục vẫn luôn hiện hữu.

Là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, Hải Phòng đang đón đầu làn sóng đầu tư tại nhiều lĩnh vực nhờ sở hữu nhiều thế mạnh về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển.

Thống kê trong nửa đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng tăng 9,9% theo năm, cao hơn 6,2% so với trung bình cả nước. Với chỉ số này, Hải Phòng đứng thứ 3 toàn quốc và đứng đầu trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đến năm 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ chiếm 6,4% tỷ trọng GDP cả nước, tăng từ mức 3,9% trong năm 2022.

Tương tự, Hải Phòng cũng duy trì điểm số cao về môi trường kinh doanh thuận lợi và tiềm năng đầu tư trong tương lai khi đứng thứ 3 toàn quốc trong xếp hạng PCI 2022, chỉ sau Quảng Ninh và Bắc Giang. PCI thành phố đạt 70,7 điểm.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, Hải Phòng chính là một trong những điểm sáng hiếm hoi của thị trường bất động sản năm 2023 khi vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng nhất định trong bối cảnh thị trường cả nước “đóng băng”. Nguyên nhân là do Hải Phòng hội tụ những tiềm năng về kinh tế biển, hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ... cộng thêm việc triển khai một cách quyết liệt các công trình giao thông, dự án trọng điểm.

Dự báo về thị trường này, ông Đính cho rằng, BĐS Hải Phòng sẽ sớm khởi sắc và thực tế đã xuất hiện các tín hiệu lạc quan ngay từ quý 2.2023. Đây cũng sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung BĐS gần như nhanh và sớm nhất cả nước với sự hiện diện đa dạng phân khúc ở nhiều dự án mới.

Trong một diễn đàn về bất động sản Hải Phòng mới đây, TS. Nguyễn Minh Phong, cho biết có 5 nhân tố nổi bật khiến thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển mạnh nhiều phân khúc: thứ nhất, Hải Phòng có quỹ đất rộng, nguồn lao động nhập cư dồi dào tại các khu công nghiệp là điều kiện hàng đầu giúp phát triển nhà ở; thứ hai, mặt bằng giá bất động sản Hải Phòng hiện thấp và tăng chậm; thứ ba, những điều chỉnh quy hoạch Hải Phòng đang làm tăng tính hấp dẫn của thị trường bất động sản; thứ tư, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư công tác động rất tích cực đến thị trường bất động sản; thứ năm, bất động sản công nghiệp Hải Phòng đã lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư quốc tế, khiến thu hút FDI của địa phương luôn tăng cao.

Dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho rằng, giữa tâm điểm thị trường đầy biến động, bất động sản Hải Phòng vẫn là “điểm sáng” do liên tục nhận những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư. Đơn cử như một loạt công trình trọng điểm khởi công xây dựng từ giao thông tới nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn có tiềm năng, thế mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp nên chính quyền địa phương đang tập trung nguồn lực cho phân khúc bất động sản công nghiệp thông qua hàng loạt cơ chế, chính sách.

Theo ông Điệp, hiện thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù như: chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Những điều kiện này chắc chắn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào Hải Phòng.

Ông Lê Đình Chung, CEO SGO Homes, đánh giá, hiện nay, Hải Phòng vẫn tích cực mở rộng nhiều khu công nghiệp, dự kiến đến năm 2030 tăng lên khoảng 6.200ha (hiện trạng 4.400ha). Điều này sẽ giúp Hải Phòng thu hút thêm lao động, chuyên gia từ trong, ngoài nước.

Theo quy hoạch, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh việc di dân, từ 2 triệu người đến năm 2030 lên 3 triệu người nên rõ ràng nhu cầu nhà ở tương đối cao. Vì thế, thành phố đặt mục tiêu năm 2030 tăng diện tích sàn thương mại nhà ở khoảng 37 triệu m2, nghĩa là để đáp ứng tương lai ước cần 200.000 đơn vị nhà ở. Đó là điều khiến thị trường nhà ở nơi đây thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, giá bất động sản Hải Phòng chưa tương xứng, phù hợp tiềm năng bất động sản. Tính trong khu vực phía Bắc, Hải Phòng có chỉ số kinh tế phát triển bền vững nhưng giá bất động sản Hải Phòng khi so cùng Hà Nội, Quảng Ninh lại cách quá xa. Do đó, đi liền với tiềm năng rộng mở, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, mặt bằng giá chưa tăng cao, ông Chung dự báo giá bất động sản Hải Phòng hứa hẹn sự tăng tốc vào thời gian tới.

Mới đây, Hải Phòng đã có đề xuất phát triển Khu kinh tế mới phía Nam với diện tích dự kiến là 20.000ha, bao trùm quận Đồ Sơn, huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.

Việc thành lập khu kinh tế mới nhằm khai thác hiệu quả định hướng phát triển tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng; kết nối với các khu kinh tế lân cận (Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn).

Đặc biệt, Hải Phòng cũng được dự đoán trở thành tâm điểm đầu tư lớn với nhu cầu nhà ở tăng lên đáng kể khi Thủy Nguyên lên thành phố vào năm 2025, trở thành trung tâm hành chính và chính trị mới của thành phố, giống như TP. Thủ Đức trực thuộc TP. HCM.

Cùng với đó thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng quận Hồng Bàng.

Các chuyên gia nhận định, với những đòn bẩy này, cùng những lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông, nỗ lực của thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… chắc chắn sẽ đưa thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển nhanh tại nhiều phần khúc.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là trang thông tin đầu tư bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.