Bắc Giang là cửa ngõ chuyển tiếp Hà Nội với vùng Trung du miền núi phía bắc và nằm trên tuyến đường huyết mạch đến tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc.
Thời gian gần đây, với việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp, thị trường bất động sản Bắc Giang trở nên hấp dẫn, thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư từ nhiều nơi đổ về.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, tỉnh Bắc Giang là một trong những điểm sáng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 đứng đầu toàn quốc, đạt hơn 13%, năng suất lao động xã hội tăng 9,9%, đạt gần 110 triệu đồng.
GRDP bình quân đầu người của Bắc Giang đạt 2.900 USD, tăng 14,2% so với năm 2019.
Năm 2020, tỉnh này đã thu hút được gần 1,25 tỉ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới và điều chỉnh 104 dự án trong nước với vốn đăng ký 8.789 tỉ đồng, 87 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 867,7 triệu USD (riêng thu hút vốn FDI đứng thứ 8 toàn quốc).
Tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút 588,7 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp gần 4,5 lần cùng kỳ 2020.
Trong đó, cấp mới 4 dự án trong nước với vốn đăng ký 325 tỉ đồng, tăng 60%; 5 dự án FDI vốn đăng ký 562 triệu USD, gấp 10,3 lần; điều chỉnh 1 dự án trong nước với vốn đăng ký bổ sung 16 tỉ đồng và 5 dự án FDI với vốn tăng thêm 12,1 triệu USD.
Có thể nói chỉ trong 2 năm 2020 và 2021, thị trường Bắc Giang đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ một thành phố công nghiệp cấp 2, Bắc Giang đã bật dậy thành một trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về tổng vốn thu hút đầu tư FDI.
Ở phía bắc, Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố được đánh giá là có giao dịch tích cực, sôi động, với lực cầu đầu tư rất tốt cả ở trong và ngoài nước nhờ duy trì được hoạt động của bất động sản công nghiệp bất chấp những tác động của dịch Covid-19.
Là tỉnh thành bị “tấn công” đầu tiên trong làn sóng dịch Covid lần thứ 4, các kế hoạch giãn cách xã hội tại Bắc Giang đã tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, dịch bệnh tại đây đã nhanh chóng được kiểm soát, đưa hoạt động sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung trở về trạng thái bình thường.
Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác chống dịch, sự phát triển của hạ tầng, cùng với đó là quỹ đất dồi dào, giá cả phải chăng đã khiến Bắc Giang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn.
Năm 2020, “sóng” đầu tư bất động sản công nghiệp Bắc Giang đến từ sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn như JA Solar, Sumimoto, Foxconn, Luxshare,…
Bước sang năm 2021, thị trường bất động sản công nghiệp tại Bắc Giang càng sôi động khi Thủ tướng chính phủ đồng ý bổ sung, mở rộng loạt KCN quy mô lớn vào quy hoạch KCN.
Cụ thể, Thủ tướng đồng ý bổ sung mới 3 KCN gồm Yên Lư với diện tích 377ha tại các xã Yên Lư và Nham Sơn, huyện Yên Dũng; KCN Yên Sơn - Bắc Lũng với diện tích 300ha tại các xã Yên Sơn và Bắc Lũng, huyện Lục Nam; KCN Tân Hưng với diện tích 105,3ha tại các xã Tân Hưng và Xương Lâm, huyện Lạng Giang.
Thủ tướng cũng đồng ý mở rộng các KCN gồm: KCN Quang Châu với diện tích tăng thêm 90ha tại thị trấn Nếnh và các xã Quang Châu, Vân Trung, huyện Việt Yên; KCN Hòa Phú với diện tích tăng thêm 85 ha tại các xã Mai Đình và Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa; KCN Việt Hàn với diện tích tăng thêm 148 ha tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên.
Riêng trong tháng 2.2021, Tập đoàn Foxconn Singapore PTE Ltd có quyết định tăng thêm 23 triệu USD vốn đăng ký đầu tư đối với dự án Nhà máy Fukang Technology tại KCN Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), nâng tổng vốn đầu tư dự án này lên 293 triệu USD.
Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp tại Bắc Giang đã làm trợ lực kéo theo sự phát triển của các phân khúc bất động sản khác, đưa thị trường này vững vàng vượt qua khó khăn do bão Covid-19 gây ra, trong đó có phân khúc đất nền.
Đất nền Bắc Giang từng là một trong những điểm nóng của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm 2021 và nhanh chóng rơi vào trầm lắng khi trở thành tâm dịch. Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát, phân khúc bất động sản này đang dần sôi động trở lại.
Thời điểm sau Tết Nguyên đán, đất nền ven khu công nghiệp Bắc Giang lên cơn sốt.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 1.2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, điểm nóng của đất ven khu công nghiệp Bắc Giang thời điểm đầu năm tập trung ở TP. Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng.
Tại các khu vực này, đất ven 4 Khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu là điểm nóng của thị trường, với giá dao động 25-40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50-70% so với cuối năm 2020.
Tuy nhiên, khi Bắc Giang trở thành tâm dịch, bất động sản ven khu công nghiệp rơi cảnh trầm lắng, không có giao dịch.
Ở thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, đất ven khu công nghiệp ghi nhận mức giá đi ngang hoặc giảm nhẹ 5-10% so với thời điểm sốt. Đất gần khu công nghiệp Quang Châu giá đang chào bán là 20-25 triệu đồng/m2, giảm nhẹ khoảng 5% so với cơn sốt thời điểm đầu năm.
Đất vị trí mặt tiền đường kinh doanh được gần khu công nghiệp Việt Yên ghi nhận mức đi ngang, vẫn đang được chào giá 33-37 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đất sâu trong làng giảm từ mức 15-18 triệu đồng/m2 ở thời điểm đầu năm về mức 13-17 triệu đồng/m2 hiện tại.
Mặc dù giá không còn tăng như thời điểm sốt đất, thậm chí đã quay đầu giảm nhẹ, nhưng so với những địa phương đang chịu tác động bởi dịch Covid-19, thị trường bất động sản Bắc Giang vẫn được đánh giá là đang có dấu hiệu của sự phục hồi sau đại dịch khi hoạt động giao dịch, mua bán vẫn diễn ra túc tắc.
Mặt khác, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng theo số liệu của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh này, trong 6 tháng đầu năm 2021, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn tăng so với cùng kỳ, đạt 746,87 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 4,5 lần.
Trong đó, cấp mới 19 dự án trong nước với vốn đăng ký 1.482 tỉ đồng và cấp mới cho 10 dự án FDI với vốn đăng ký 601,1 triệu USD, gấp 2 lần.
Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với các dự án quy mô khủng như dự án Công nghệ tế bào Quang điện JA Solar PV Việt Nam có vốn đăng ký 210 triệu USD và dự án Nhà máy Fukang Technology vốn đăng ký 293 triệu USD.
Với nền tảng đó, bất động sản Bắc Giang như được tạo đà, đón nhiều dự án mới được phê duyệt quy hoạch hoặc rục rịch tung ra thị trường.
Điển hình như cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang duyệt quy hoạch xây dựng hai đô thị gần 4.000ha là đô thị Cẩm Lý và Lan Mẫu, đều thuộc huyện Lục Nam.
Giữa tháng 7, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 706 về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (tỷ lệ 1/2000) và phê duyệt quy hoạch chi tiết, phân khu bao gồm Tân Hưng (Lạng Giang) và Yên Sơn - Bắc Lũng (Lục Nam).
Mới đây nhất, UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu nhà ở xã hội dành cho công nhân thuộc xã Quang Châu, huyện Việt Yên với tổng vốn đầu tư hơn 1.048 tỉ đồng, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho khoảng 3.600 người lao động.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán đất đấu giá trong tháng 7 và tháng 8 tại Bắc Giang sôi nổi khi các phiên đấu giá như: đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn (Việt Yên), đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Khu dân cư Vàm Cuối, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) và khu dân cư Thượng Phúc, xã Tăng Tiến (Việt Yên).
Các phiên đấu giá đều ghi nhận sức mua tốt, với tỷ lệ trúng đấu giá gần như 100%.
Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản quy mô lớn đã, đang và sẽ có kế hoạch bung hàng từ nay cho đến cuối năm, tiếp tục khuấy đảo thị trường bất động sản Bắc Giang.
Trong số các dự án có thể kể đến như Vinhomes Skypark, Mỹ Độ Vista, Kosy Bắc Giang, HP Intermix Bắc Giang…
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết với hấp lực mạnh dòng vốn FDI, tiềm năng phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp, bất động sản Bắc Giang sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong tương lai.
Trong năm 2021, thị trường bất động sản Bắc Giang sẽ còn tiếp tục sôi động. Song ông Đính lưu ý nhà đầu tư cần tránh chạy theo các cơn sóng, đám đông mà nên xác định mục tiêu trung và dài hạn tại thị trường này.
Giới chuyên gia bất động sản cho hay, diễn biến thị trường bất động sản Bắc Giang có thể ví như “chiếc lò xo” bị nén, lực nén càng mạnh thì lực bật sẽ càng cao. Đặc biệt, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu về bất động sản cũng sẽ bật tăng trở lại.