Cần Giờ trước vận hội lớn với đô thị lấn biển, “siêu cảng” tỉ đôCần Giờ trước vận hội lớn với đô thị lấn biển, “siêu cảng” tỉ đô
Cần Giờ - huyện đảo duy nhất của TP.HCM đang đứng trước cơ hội chuyển mình với các dự án đô thị lấn biển, cảng trung chuyển quốc tế có vốn đầu tư nhiều tỉ đô la được đề xuất đầu tư.

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, huyện đảo Cần Giờ xưa nay được xem như là “vùng sâu, vùng xa” bởi cách trở sông nước. Vùng đất này nổi tiếng bởi đây là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn…

Theo báo cáo của huyện Cần Giờ, địa phương này có tổng diện tích tự nhiên 70.421ha, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn TP.HCM, trong đó đất lâm nghiệp là 32.109ha, chiếm 46,45% diện tích toàn huyện; đất sông rạch là 22.850ha, bằng 32% diện đất toàn huyện.

Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 của Thành ủy TP.HCM, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Tuy nhiên, để biến mục tiêu trên thành sự thật, Cần Giờ đang trông chờ vào hàng loạt dự án mang tầm cỡ quốc tế.

Chiều ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác gồm lãnh đạo nhiều bộ ngành, TP.HCM đã có chuyến khảo sát khu vực dự kiến sẽ xây dựng cảng biển trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.

Theo đơn vị tư vấn, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ).

Cù lao này có hơn 93 ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82 ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu. Khu vực này nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, do đó, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi của khu dự trữ sinh quyền Cần Giờ.

Dự án dự kiến khởi công vào năm 2024 và triển khai 7 giai đoạn. Siêu cảng khi hoàn thành vào năm 2045 sẽ có 7,2km cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU. Dự án dự kiến tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 người lao động và đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.

Dự án cố tổng vốn đầu tư lên đến 5,5 tỉ USD với sự tham gia của hãng tàu container lớn nhất thế giới - Mediterranean Shipping Company (MSC). Bên cạnh đó, nhà đầu tư MSC cũng cam kết sẽ điều nguồn hàng về cảng. Dự kiến từ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hàng hóa sẽ được vận chuyển đi các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Kết thúc buổi khảo sát, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM phối hợp với các bộ ngành trung ương để sớm hoàn thiện hồ sơ dự án ngay trong tháng 7/2023.

Trước đó, đề xuất xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ nhận được sự quan tâm, phản biện của nhiều chuyên gia.

Tại Hội thảo đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mới đây, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề cần bàn hiện nay không phải là có làm cảng Cần Giờ hay không, mà là làm sao triển khai nhanh nhất để không lỡ mất cơ hội.

Theo ông Lịch, dự án triển khai sớm sẽ là bước đột phá không chỉ cho TP.HCM mà cả Đông Nam Bộ, bởi hình thành cửa ngõ giao thương tầm cỡ quốc tế. Cảng Cần Giờ sẽ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh khu Thị Vải - Cái Mép ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mà cả hai sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển cho vùng.

Trong khi đó, chia sẻ trên báo Vnexpress, ông Trần Thanh Hải, chuyên gia thương mại quốc tế cho biết, hiện nay gần 50% hoạt động trung chuyển hàng hóa quốc tế được thực hiện tại khu vực Đông Á. Biển Đông đóng vai trò lớn trong thương mại không chỉ của khu vực mà cho cả thế giới. Việt Nam có vị trí tự nhiên thuận lợi nhưng tỷ trọng hàng trung chuyển quốc tế còn khá thấp.

Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, với 28/63 tỉnh, thành phố có đường bờ biển trải dài. Các bờ biển ở khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ phần lớn không đạt độ sâu cần thiết để làm cảng, nhưng miền Bắc và Đông Nam Bộ với nhiều vùng biển rộng lớn đã phát triển được các cảng cửa ngõ, có thể đầu tư để phát triển thành cảng trung chuyển.

Ngoài Cái Mép, khu vực cửa ngõ Cần Giờ cũng đang được nghiên cứu để xây dựng thành cảng trung chuyển quốc tế.

Là địa phương duy nhất giáp biển của TP.HCM, tuy nhiên hiện nay Cần Giờ chỉ là điểm đến của một lượng nhỏ du khách dịp cuối tuần. Cách trở sông nước, bãi biển hẹp, nước biển không sạch và cơ sở dịch vụ tiện ích còn thiếu thốn là những nguyên nhân khiến khách du lịch đến với huyện đảo còn khiêm tốn.

Tuy nhiên, viễn cảnh trên sẽ được xóa bỏ khi dự án cầu Cần Giờ và siêu đô thị lấn biển được triển khai trong thời gian tới.

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố đã cho biết những thông tin liên quan đến tiến độ triển khai dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Cụ thể, lãnh đạo TP.HCM cho biết, hiện nay nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh cục bộ khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Thành phố yêu cầu nhà đầu tư cố gắng xong các thủ tục điều chỉnh để đến năm 2025 triển khai khởi công dự án.

Từ năm 2018, UBND Tp.HCM có Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Dự án do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ (CTC) làm chủ đầu tư.

Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng.

Ghi nhận thực tế, hiện khu vực triển khai dự án đã được chủ đầu tư dựng rào chắn. Bên trong một phần diện tích lấn biển, xây dựng bờ kè. Tuy nhiên, chưa có hoạt động thi công.

Liên quan đến tiến độ xây dựng cầu Cần Giờ, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Quang Lâm, cho biết, sở được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án cầu Cần Giờ. Hiện nay, bản báo cáo đã cơ bản hoàn chỉnh, đơn vị cũng tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn và lấy ý kiến từ Bộ GTVT.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, cầu Cần Giờ là công trình rất lớn, chiều dài khoảng 3,4km với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Sở GTVT đang nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc đầu tư công.

Dự kiến, dự án sẽ được trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay và khởi công vào dịp 30/4/2025.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, với hai dự án lớn như cảng trung chuyển quốc tế và dự án đô thị lấn biển Cần Giờ đang triển khai, các dự án giao thông ở huyện Cần Giờ dự kiến sẽ được làm sớm hơn kế hoạch. TP hướng tới mục tiêu xây dựng Cần Giờ thành đô thị biển hiện đại, cửa ngõ của TP.HCM nối ra Biển Đông.

Hiện nay, để di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Bất tiện và mất thời gian nhất là khoang thời gian chờ, và di chuyển qua phà Bình Khánh. Quảng đường nối từ bến phà Bình Khánh đến trung tâm huyện Cần Giờ hiện đã được đầu tư khang trang, rộng rãi. Hai bên đường rợp bóng cây xanh, cảnh quan sông nước thu hút.

Thị trấn Cần Thạnh là trung tâm, là nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất hiện nay của Cần Giờ. Tuy nhiên, không có quá nhiều công trình nổi bật được xây dựng, tiện ích khiêm tốn. Cung đường ven biển với nhiều nhà hàng nhỏ được dựng lên nhưng ngày trong tuần chỉ có vài khách ghé qua.

Mặc dù hiện tại chưa có quá nhiều điểm nhấn, song Cần Giờ trong những năm qua luôn nằm trong nhóm đầu về sốt đất tại TP.HCM. Đặc biệt, sau mỗi thông tin về quy hoạch đô thị, hạ tầng triển khai thì giá nhà đất ở huyện đảo này lại bật tăng chóng mặt.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản Cần Giờ giảm nhiệt. Giao dịch ở khu vực này trầm lắng, thậm chí có nhiều trường hợp đang phải rao bán cắt lỗ.

Anh Phú, một môi giới bất động sản Cần Giờ cho biết, giá đất trên các tuyến đường chính ở Cần Giờ như Lương Văn Nho hiện khoảng trung bình từ 16 – 25 triệu đồng/m2; đường Tắc Xuất chào bán giá 26 – 40 triệu đồng/m2; đường Duyên Hải trên 50 triệu đồng/m2…

Anh Phú cho biết, hiện nay số lượng người muốn bán đất ở Cần Giờ đều là những nhà đầu tư ngắn hạn, hoặc sử dụng vốn vay quá lớn nên buộc phải bán để tránh áp lực lãi đang cao. Tuy nhiên, ở Cần Giờ có rât nhiều nhà đầu tư đã mua đất nhiều năm, thậm chí hơn chục năm nhưng vẫn chưa bán.

“Những nhà đầu tư này hiện đã có thể lời hơn chục lần nhưng họ vẫn không bán vì không áp lực tài chính. Quan trọng hơn là họ đầu tư lâu dài, đến khi dự án cầu Cần Giờ hay đô thị lấn biển được triển khai để tối đa lợi nhuận”, anh Phú nói.

Nhận định về thị trường bất động sản Cần Giờ hiện nay, một nhà đầu tư cho biết, dù có những thông tin tích cực như dự án đô thị hay cảng biển được đề xuất đầu tư nhưng bất động sản khó sôi động ngay được.

Nguyên nhân là các dự án trên có quy mô vốn đầu tư rất lớn, một số được chấp thuận nhưng suốt nhiều năm chưa triển khai, một số thì chỉ đang là đề xuất. Ngoài ra, bất động sản Cần Giờ trong những năm qua đã trải qua nhiều cơn sốt ảo ăn theo các dự án trên nên mức giá nhiều khu vực vẫn đang bị đẩy lên cao.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng chưa ổn định cũng khiến người mua dè chừng.

“Cần Giờ vẫn là cuộc chơi của các nhà đầu tư dài hạn và có chiến lược. Không nên chạy theo các thông tin quy hoạch chưa rõ ràng, để các nhóm đầu cơ lợi dụng thổi giá như thời gian qua”, nhà đầu tư này cho biết.

Phong Vân - TK Quân Nguyễn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.