Vùng phi quân sự (DMZ: Demilitarized zone) ở bán đảo Triều Tiên là một trong những địa danh hấp dẫn du khách đến với xứ sở kim chi. Và tất nhiên các công ty lữ hành Hàn Quốc đã không bỏ qua vùng đất ghi đậm dấu ấn lịch sử đau buồn này để khai thác du lịch, đến mức chỉ cần quá cảnh tại sân bay quốc tế Incheon ở Seoul là du khách đã có thể đi tour du lịch độc đáo này, được gói gọn trong vòng hơn năm tiếng đồng hồ.

Vùng đất lịch sử

Nhìn ống nhòm qua CHDCND Triều Tiên

Nhân dịp công tác ở Seoul, tôi mua tour qua mạng với giá 46.000 won (khoảng 500.000 đồng VN) để đến thăm vùng ranh giới hai miền Nam-Bắc Triều Tiên vào ngày cuối tuần. Chuyến tham quan khởi hành đúng 8 giờ sáng, từ Seoul vượt hơn 50 cây số đường tới DMZ. Cô hướng dẫn viên Jenny Ohs người Hàn Quốc tranh thủ giới thiệu đôi nét về DMZ trên đường đi với đoàn khách đủ mọi quốc tịch bằng tiếng Anh giọng Mỹ khá chuẩn.

Sau khi Nhật thất trận trong chiến tranh thế giới thứ hai, căn cứ vào hiệp định đã ký kết, Mỹ và Liên Xô cùng tiếp thu sự đầu hàng của quân đội Nhật Bản ở Triều Tiên (vốn là thuộc địa của Nhật từ năm 1910). Thế là bán đảo Triều Tiên bị chia đôi tại vĩ tuyến 38, phía Bắc do quân đội Liên Xô chiếm đóng còn phía Nam do quân đội Mỹ đóng. Năm 1948 đánh dấu sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại hàn Dân quốc (Hàn Quốc), vĩ tuyến 38 trở thành biên giới giữa hai nước và là một trong những chiến tuyến căng thẳng nhất trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Phía trước của nơi đặt ống nhòm

Tháng 6-1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra ác liệt trong suốt ba năm, CHDCND Triều Tiên được Trung Quốc hỗ trợ, còn Hàn Quốc thì có đồng minh Hoa Kỳ. Đến năm 1953, một hiệp định đình chiến được ký kết, DMZ được xác lập ở vĩ tuyến 38 và quân đội của mỗi bên thỏa thuận rút ra cách đường biên giới này hai cây số, tạo nên một khu phi quân sự dài 248 km và có chiều rộng 4 km.

Trên đường đi, xe dừng lại chừng 10 phút để khách thư giãn tại một đài kỷ niệm do chính phủ Hàn Quốc xây dựng để những người gốc gác miền Bắc Triều Tiên đang sinh sống ở Hàn Quốc lui tới cúng kiến, tưởng niệm ông bà tổ tiên đang yên nghỉ ở cố hương.

Từ đây cảnh vật đã khác hẳn với thủ đô Seoul thanh bình rực rỡ. Dọc hai bên đường là hàng rào kẽm gai tua tủa, vì khu vực này vẫn còn nhiều bãi mìn do quân đội hai nước gài từ thời giao tranh. Cứ khoảng một cây số lại có một trạm gác xây kiên cố bên trong hàng rào.

Du khách được lưu ý không được chụp hình trên đường đi. Tất cả như nhắc nhở rằng ở đây chiến tranh chưa thật sự kết thúc, mà quả thật hiện nay hai bên vẫn chưa hề đặt bút ký hòa ước. Theo Jenny Ohs, từ trên cao nhìn xuống có thể dễ dàng phân biệt lãnh thổ của từng miền. Phía Nam DMZ cây cối phủ xanh um còn phía Bắc thì toàn núi đồi trọc vì cây bị chặt trụi hết.

Đường hầm bí mật

Bia tưởng niệm cho người CHDCND Triều Tiên đến cầu nguyện tổ tiên

Vừa đến nơi, xe phải dừng lại để quân cảnh Hàn Quốc kiểm tra rất kỹ hộ chiếu từng người. Điểm tham quan đầu tiên là đường hầm bí mật. Vào năm 1968, một nhóm biệt kích phía Bắc bất ngờ tấn công Seoul khiến phía Hàn Quốc rất hoang mang, không biết đối phương có thể vào tận thủ đô của mình bằng cách nào, mà phải sáu năm sau bí mật này mới được hé lộ khi quân đội Hàn Quốc phát hiện hai đường hầm được đào từ biên giới phía Bắc dẫn sang phần đất phía Nam.

Rồi năm 1978, một kỹ sư ở phía Bắc đào thoát sang Hàn Quốc đã giúp phát hiện thêm một đường hầm thứ ba dài 1,6 cây số và chỉ cách Seoul 50 km, vì ông chính là người đã thiết kế đường hầm này. Ngoài ra còn một đường hầm thứ tư được phát hiện năm 1990. Phía CHDCND Triều Tiên nói rằng họ xây những đường hầm là để khai thác than đá, nhưng bên Hàn Quốc phản bác rằng vùng này chỉ có đá granite mà thôi. Cô hướng dẫn viên cho biết với những đường hầm nói trên thì một sư đoàn có thể di chuyển sang đến đất Hàn Quốc chỉ trong vòng một giờ đồng hồ.

Hàn Quốc đã xây dựng một đoạn dốc xi măng dài 385m nối với miệng hầm thứ ba để cho khách du lịch vào tham quan. Khác với địa đạo Củ Chi ở TP.HCM, những đường hầm ở đây được đào trong lòng núi nên xung quanh và phía trên là những tảng đá lởm chởm. Lòng hầm rộng thoai thoải, cao 2m và rộng 2m, khi đi trở ra rất mệt vì phải lên dốc. Tôi nói đùa với cô Ohs rằng so với địa đạo Củ Chi thì đường hầm này quá tiện nghi.

Ra khỏi đường hầm, đoàn khách tiếp tục đến tham quan đài quan sát, nơi có đặt nhiều ống nhòm để nhìn sang phía Bắc và có thể thấy được tượng của lãnh tụ nước này. Tuy nhiên nếu muốn chụp bên kia vùng DMZ thì theo quy định du khách phải lùi lại chừng năm mét, đứng sau một vạch màu vàng. Với khoảng cách này thì chỉ những người cao trên hai mét mới có cơ may chụp được ảnh, chứ “khiêm tốn” cỡ 1,75 mét như tôi thì chỉ chụp được bầu trời mà thôi.

Một vài du khách làm ra vẻ vô tư đứng sát phía ngoài chụp hình, ngay lập tức một anh quân cảnh xuất hiện, nhã nhặn hỏi mượn máy rồi lạnh lùng xóa tất tần tật các ảnh vừa chộp được!

Nhà ga biểu tượng hòa bình

Nhà ga

Chặng cuối của cuộc hành trình là Dorasan, ga cuối cùng của tuyến đường sắt phía Bắc Hàn Quốc được xây hiện đại không thua sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, với mái nhà thiết kế cách điệu hình ảnh hai bàn tay nắm lấy nhau.

Gần đó là bức tường hòa bình gắn những viên đá được thu thập từ nhiều chiến trường khắp nơi trên thế giới, mang biểu tượng làm viên đá lót đường cho tiến trình hòa giải Triều Tiên.

Tuyến đường sắt cũ nơi đây đã bị phá hủy hồi năm 1951 trong cuộc chiến Triều Tiên và phải mất đến nửa thế kỷ đàm phán, hai miền Nam Bắc mới thống nhất thông tuyến đường sắt liên Triều, sau khi Hàn Quốc chi khoản viện trợ 80 triệu USD về công nghiệp nhẹ cho CHDCND Triều Tiên.

Từ đó nhà ga Dorasan ra đời và thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, nhất là khi Tổng thống Mỹ Bush và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung tới thăm vào ngày 20-2-2002. Cuối năm 2007 nhà ga này chứng kiến sự kiện lịch sử khai thông tuyến đường sắt liên Triều với chuyến tàu chở hàng đầu tiên khởi hành từ Dorasan ở Hàn Quốc băng qua biên giới tới ga Panmun trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên rồi quay trở lại.

Bên trong nhà ga

Hiện nay hành khách chỉ có thể đi từ nhà ga này về Seoul và ngược lại. Còn ai muốn mua vé đi Peongyang (Bình Nhưỡng, thủ đô CHDCND Triều Tiên) thì cứ đến... quầy bán hàng lưu niệm. Du khách tranh nhau mua vé cho những chuyến tàu mơ ước, đi từ Dorasan tới Bình Nhưỡng, sẽ thành hiện thực trong tương lai với giá chỉ 500 won/vé. Một cặp vợ chồng già đến từ một tỉnh phía Nam Hàn Quốc chọn mua hai tấm vé khởi hành vào năm 2015, rồi tần ngần hỏi nhau “Liệu có còn sống đến ngày đó không?”.

Phòng chiếu phim của DMZ

Rõ ràng, bằng những câu chuyện lịch sử thăng trầm của mình, vùng phi quân sự DMZ thu hút du khách đến đây để cảm nhận nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của một dân tộc. Như người Hàn Quốc vẫn thường nói: Dorosan không phải là trạm đường sắt cuối cùng của miền Nam mà chính là nhà ga đầu tiên để nối liền với miền Bắc ruột thịt.

Theo Doanh nhân SG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.