Chỉ riêng tại Hà Nội, hiện có 2.684 căn biệt thự mới xây dựng, trong đó có 1.743 căn đã đưa vào sử dụng, chiếm 65%, còn lại khoảng 700 căn, chiếm tỷ lệ gần 35% chưa đưa vào sử dụng. Nguyên nhân biệt thự… bỏ hoang chủ yếu do đầu tư, đầu cơ, tích trữ. Ngoài ra còn do nhà trẻ, trường học, đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước chưa đồng bộ và hoàn chỉnh. Bộ Tài chính đang xem xét mức thuế “đánh” vào các biệt thự này có thể lên đến 10%.

Nhiều chủ đầu tư, các chuyên gia và luật gia đã lên tiếng với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Ý tưởng của cơ quan thuế đánh thuế biệt thự bỏ hoang là để hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản. Bộ Tài chính nói rõ quan điểm là việc đánh thuế không phải nhằm mục đích tăng thu ngân sách nên mức thuế áp dụng sẽ hợp lý, căn cứ vào điều kiện cụ thể.

Đánh thuế là “đánh” vào tâm lý, hạn chế tình trạng đầu cơ, đồng thời “thúc ép” người mua biệt thự sớm đưa vào sử dụng, không để hoang phí nhà đất. Đương nhiên việc “xử lý” loại biệt thự này chưa được quy định trong văn bản pháp luật. Định nghĩa và phân loại thế nào là biệt thự bỏ hoang? Đó là biệt thự mua rồi mà không hoàn thiện; hoàn thiện rồi mà không sử dụng. Sau một thời gian nhất định không sử dụng kể từ ngày mua sẽ thuộc diện chịu thuế. Mức thuế có thể tăng theo khoảng thời gian bị “bỏ hoang”.

Mỗi căn biệt thự bỏ hoang chịu một mức phạt cụ thể, có thể vài chục triệu đồng hoặc cao hơn để răn đe. Một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực bất động sản đề xuất, không chỉ riêng biệt thự, căn hộ bỏ hoang mà đất bỏ hoang cũng phải chịu thuế. Tuy nhiên, mức thuế suất của đất phi nông nghiệp quá thấp, chỉ từ 0,03% đến 0,15%, không đủ sức răn đe ai. Đối với biệt thự bỏ hoang phải đánh thuế cao ở mức 2-3%, tức là ngang bằng hoặc cao hơn giá cho thuê nhà.

Như vậy, người ta sẽ không để biệt thự bỏ hoang phí, ít nhất cũng phải đem cho thuê. Ngược lại với ý kiến này, một số chủ đầu tư lại cho rằng, nguồn gốc sâu xa của tình trạng đầu tư, lãng phí chính là do những bất cập, bất hợp lý trong chính sách quản lý nhà ở, chứ không phải là bởi vài nghìn căn biệt thự này. Cụ thể, vì có lệnh cấm phân lô bán nền nên các doanh nghiệp buộc phải xây dựng nhà thô để bán. Việc người dân mua biệt thự, căn nhà để ở, cho thuê, bán lại hoặc để không là quyền của họ. Đó là quyền sử dụng và định đoạt tài sản, không thể dùng biện pháp hành chính để ép người dân phải sử dụng tài sản như thế nào.

Việc sử dụng chính sách thuế để chống đầu cơ, chống lãng phí tài sản nhà đất là một việc làm cần thiết. Song, về khía cạnh luật pháp, một số luật sư cho rằng, khi Nhà nước giao đất nhưng chủ đầu tư không quản lý tốt nhà, đất dẫn đến bỏ hoang, thì Nhà nước có thể thu hồi và không bồi thường hoặc phạt hành chính. Đối với dự án nhà ở thương mại, nếu chủ đầu tư mới chỉ đầu tư được một phần thì cơ quan Nhà nước sẽ thu hồi toàn bộ các phần lô hoặc lô chưa đầu tư đúng tiến độ, sau đó đưa ra đấu giá. Riêng với tài sản là nhà ở của công dân, dù là biệt thự hay nhà cấp 4, dân vẫn là chủ sở hữu, tức là có quyền sử dụng, cho thuê hay không sử dụng…

Xử lý biệt thự bỏ hoang hóa ra cũng không đơn giản. Một số chuyên gia am hiểu đặt câu hỏi: Tại sao không áp dụng đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi như đã từng làm? Đơn giản là, nếu đứng tên căn nhà thứ 3 thì thuế sẽ cao hơn căn nhà thứ 2 và cứ thế lũy tiến.

Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0