Thị trường bất động sản đóng băng, theo Bộ trưởng Xây dựng đã làm thu nhập người dân giảm, thất nghiệp tăng nên phải cứu khẩn trương. Thương dân, Bộ trưởng Tài nguyên tiếp tục dúi vào tay họ thêm cái giấy nợ màu đỏ.

Bộ trưởng Dũng: Giải liền, cứu khẩn trương

Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản đóng băng, nhà đất bản không ai mua, các khu đô thị “ma” dần xuất hiện, cỏ xanh, rêu mọc đang trở thành hình ảnh phổ biến tại các thành phố. Thời gian trên rơi đúng vào nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Xây dựng của ông Trịnh Đình Dũng.

Với gánh nặng trên đôi vai mình, Bộ trưởng Dũng đã hoạt động năng nổ, nhiệt thành với hy vọng có thể vức dậy thị trường bất động sản đang xuống giá không phanh, làm nhiều người từng một thời là “đại gia” giờ thành con nợ khó đòi, từ chỗ là nợ đẹp, nợ tốt, giờ thành nợ xấu, nợ quá hạn, thậm chí có vị chuyên gia còn ví nợ bấn động sản xấu hơn cả nợ xấu.

bo-truong-bo-xay-dung-Trinh-Dinh-Dung-Phunutoday.vn.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: TTO.

Vì thế phải cứu, như Bộ trưởng Dũng cũng phải thẳng thắn thế này: “Thị trường bất động sản khó khăn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác mà nó còn làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng việc giải quyết lao động, việc làm, do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế và tất cả mọi người dân sẽ chịu thiệt thòi”.

Nên cần phải cứu, và phải cứu gấp, khẩn trương, không thể để giảm thêm được nữa, khi mà giá đã “chạm đáy” và không thể giảm thêm được nữa, cái đáy đó giờ đã ở mức bình quân khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi chi phí xây dựng được tính toán là khoảng 7-8 triệu đồng/m2, nên theo tính toán doanh nghiệp đã chấp nhận lỗ để xả hàng, trả nợ…

Xem ra các chủ đầu tư bất động sản vẫn đang “gồng mình” gánh lỗ khi tiếp tục giảm giá thêm, khi nhiều dự án khác đã chào giá bán mức 12 rồi 10 triệu đồng/m2, và mới đây dự án nhà ở xã hội ở Gia Lâm (Hà Nội) giá chỉ 8,5 triệu đồng/m2.

Giá đó là thấp rồi, quý vì còn đòi thấp bao nhiêu nữa, quý vị thử so với giá xây dựng cái nhà cầu ở Quảng Ngãi xem, giá trên chỉ bằng một nửa thôi, thậm chí không bằng ấy chứ. Này nhé, giá nhà ở xã hội xây giữa Thủ đô bán chỉ gần 9 triệu đồng/m2, trong khi giá xây cái nhà cầu ở vùng quê đó tới hơn 20 triệu đồng/m2. Còn nếu xét về tổng tiền, tiền xây một cái nhà vệ sinh có thể mua được 3 căn nhà ở xã hội có diện tích tương đường (khoảng 30m2). Dứng chứng nhé, nhà ở xã hội thấp nhất chỉ 250 triệu/căn, còn mấy cái nhà cầu kia có giá lên tới 600 triệu đồng/nhà, thậm chí có nhà cầu lên tới hơn 700 triệu đồng. Thử hỏi quý vị, thế không gọi là bất động sản chạm đáy thì gọi là gì, thủng đáy chăng? Nên cần cứu gấp.

Không chỉ vậy, bất động sản đóng băng còn kéo theo vật liệu xây dựng, như sắt thép, xi măng, gạch, đá… cũng chết cứng, và không ai xây nhà thì phu hồ lấy đâu việc làm, thợ sơn ve cũng thất nghiệp. Nên phải vực lại, nhưng quý vị đừng hiểu nhầm y tốt của Bộ trưởng, Bộ trưởng của chúng ta cứu cái bất động sản không phải là để cứu chủ đầu tư như nhiều người đã tuyên truyền, mà ông cứu, đơn giản là giải quyết hàng tồn kho, tạo việc làm.

Và giải pháp được Bộ trưởng Dũng đưa ra rất trúng và đúng là chia nhỏ căn hộ để bán, vì lâu nay chúng ta xây nhà to quá, dân không có nhu cầu và không đủ lực để mua những căn tổng tiền lên tới 2, 3 tỷ đồng, nên phải chia nhỏ ra, thành những căn giá khoảng 1 tỷ, thậm chí thấp hơn. Và chính sách này liền được đưa ra. Còn chia rồi nhà còn chắc hay không, không có cửa sổ, ban công thì có thể lắp quạt thông gió… Tóm lại là cứ ở rồi sẽ biết.

Có nhà là quyền lợi chính đáng của người dân, và còn chính đáng hơn khi có nhà thì phải có sổ đỏ, sổ hồng để được chính chủ, việc này đã có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giúp sức.

Bộ trưởng Quang lo dân nợ còn ít

Tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có cả TP. HCM, đang có hàng ngàn hộ dân sống trên đất của ông bà để lại, hoặc sống ổn định trên dất từ 20-30 năm qua, nhưng vẫn chưa làm sổ đỏ, dù đất không có tranh chấp, giờ nếu cứ để vậy, không may xảy ra giải tỏa, tranh chấp thì người dân sẽ lại lãnh “đủ”, lại là đối tượng chịu thiệt đầu tiên. Lo lắng trước những nguy cơ đó, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang chỉ đạo cấp dưới phải tạo điều kiện giải quyết nhu cầu sở hữu sổ đỏ chính đáng của người dân.

bo-truong-tai-nguyen-va-moi-truong-nguyen-minh-quang-Phunutoday.vn.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

Và các cấp địa phương đã vào cuộc quyết liệt, hàng ngàn sổ đỏ được cấp mới, người dân vui sướng, tấp nập đi nhận sổ đỏ, sổ hồng. Nhưng chao ôi, chưa kịp vui mừng vì lòng tốt, sự thương dân của Bộ trưởng, thì những người dân nghèo “bỗng dưng” thành “con nợ” của nhà nước, khi hàng ngàn hộ dân (cụ thể là tại TP. HCM) muốn lấy được sổ đỏ, sổ hồng phải trả số tiền sử dụng đất và các chi phí liên quan ít thì vài chục triệu, có hộ nhiều lên tới gần 2 tỷ đồng. Số tiền lớn vậy nhưng từ trước đó không hề một ai nói với họ điều này, để khi cầm sổ trên tay mới đứng tim, bệnh viện lại có thêm bệnh nhân để được quá tải.

Đã nghèo lại còn vướng cái ơn… to vật vã, thế là hàng ngàn hộ dân đó lại nườm nượp vác theo sổ đỏ, sổ hồng đi xin trả lại nhà nước, chứ nếu lấy cái “giấy nợ” đó về có bán miếng đất đi cũng chắc gì đã đủ tiền mà trả.

Giải thích về số tiền nợ lớn đó, Bộ trưởng Quang nói rằng: “Việc ghi nợ được thực hiện trong 5 năm, người dân chỉ phải trả theo giá ở thời điểm cấp giấy đó. Có thể ở một số địa phương vấn đề ghi nợ chưa được triển khai, hoặc người dân chưa biết được chính sách này để có thể ghi nợ”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường còn là cơ quan thẩm định, hoàn thiện và phê duyệt báo cáo tác động môi trường của hai dự án thủy điện gây tranh cãi trong lõi Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, là Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

Cũng chính vì hai dự án thủy điện này mà mới đây bộ phận tư vấn thuộc Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã từ chối công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, vì “không đáp ứng các yêu cầu liên quan đến quản lý, bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn”. Hai dự án thủy điện dự kiến xây dựng trên sông Đồng Nai được liệt vào nhóm các mối đe dọa tiềm tàng đến chính khu vực đề cử dù dự án không nằm trong vùng đề cử. “Phải có hành động chống lại các mối đe dọa chính như phát triển thủy điện…”, tổ chức này kiến nghị.

Nhưng điều đó cũng đâu có sao, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có thể vui vẻ được, vì VQG Cát Tiên đã là một trong 6 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, rồi thì Việt Nam cũng đã có tới 2 di sản thiên nhiên thế giới rồi giờ có thêm thì tốt, không thêm cũng chả sao.

Đấy là người viết còn chưa kể tới cái công lớn lao của Bộ trưởng Quang khi đưa ngành dự báo khí tượng Việt Nam phát triển vào loại hiện đại và dự báo chính xác nhất khu vực, chỉ thua một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… (như báo cáo của Bộ trưởng Quang gửi tới Quốc hội).

Ừ thì, ơn cao lồng lộng, nào ai dám thắc mắc gì?

Phạm Thanh (Phunutoday)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.