Khi rà soát các dự án sân golf trên toàn quốc, Bộ TN-MT đã đề nghị, dừng việc xây dựng 27 dự án ngoài quy hoạch. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT lại vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch sân golf đến năm 2020, với tổng số 118 sân, tăng 28 sân so với hiện nay.

Trách nhiệm chính quyền

Tại báo cáo kết quả thực hiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào cuối tháng 10-2010, Bộ TN-MT đã công bố 27 sân golf nằm ngoài quy hoạch trên phạm vi cả nước. Về phương hướng xử lý, Bộ TN-MT đề nghị 13 tỉnh dừng việc xây dựng 27 dự án sân golf.

Cũng tiến hành rà soát các dự án sân golf, Bộ KH-ĐT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc phát hiện 27 sân golf thuộc 13 tỉnh nằm ngoài danh mục quy hoạch đã được phê duyệt. Con số này hoàn toàn khớp với rà soát của Bộ TN-MT. Trong số 27 sân golf này, 5 dự án đang triển khai xây dựng, 5 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước khi có quy hoạch được duyệt. Bộ KH-ĐT nêu rõ, việc để “lọt” 27 sân golf ngoài quy hoạch, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND tỉnh đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng sân golf: Dừng hay thêm?

Người dân không ủng hộ dự án sân golf vì chiếm quá nhiều đất

Theo rà soát của Bộ KH-ĐT, ngay cả các dự án sân golf có trong quy hoạch cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, cả nước có 90 sân golf ở 34 tỉnh, thành phố. Thế nhưng, khảo sát thực tế cho thấy, trong số 59/90 dự án đã có quyết định thu hồi đất, chỉ có 13 sân golf, tương đương 22%, chủ đầu tư sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, diện tích được giao và đã xây dựng các hạng mục công trình theo đúng dự án và quy hoạch chi tiết xây dựng.

Ngoài ra, có 46/59 chủ đầu tư (chiếm 78%) xây dựng các hạng mục công trình chậm so với dự án được duyệt. Có hồ sơ về đất đai chưa đúng với thực tế sử dụng đất; xây dựng sân golf khi quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt; đất được giao, cho thuê nhưng không sử dụng, chưa ký hợp đồng thuê đất, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định...

Sân golf hay bất động sản?

Cũng theo Bộ KH-ĐT, có tới 69 dự án kết hợp kinh doanh sân golf và bất động sản, khu du lịch. Trong đó, sân golf chỉ là một dự án thành phần và chiếm diện tích rất nhỏ. Ví dụ, dự án tại huyện Tam Nông (Phú Thọ) chiếm hơn 2.000ha nhưng diện tích làm sân golf chỉ có 171ha; dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) 1.204ha, diện tích xây dựng sân golf chỉ có 222ha. Ngoài ra, nhiều dự án được giao đất từ lâu nhưng chủ đầu tư chậm triển khai do thiếu vốn hoặc do khó khăn trong GPMB...

Đáng chú ý, tổng vốn đăng ký của 90 dự án sân golf rất lớn, lên tới 24,5 tỷ USD nhưng vốn thực hiện lại rất thấp. 24 dự án đã đi vào hoạt động mới giải ngân được 75,6 triệu USD. Kiểm tra cũng chỉ ra, hiệu quả đầu tư của các dự án sân golf hoặc có mục tiêu sân golf chủ yếu là từ việc kinh doanh bất động sản (bán và cho thuê biệt thự trong khu vực dự án) và bán thẻ hội viên. Nếu chỉ tính kinh doanh dựa trên việc thu phí chơi golf từ khách hàng thì hiệu quả chưa cao, chậm thu hồi vốn.

Bộ KH-ĐT kiến nghị 3 phương án xử lý 27 sân golf ngoài quy hoạch và 12 sân golf vừa được các tỉnh xin cấp phép đầu tư mới. Song khác với kiến nghị trước đó của Bộ TN-MT là dừng các dự án ngoài quy hoạch, Bộ KH-ĐT lại ủng hộ phương án cho phép điều chỉnh tổng thể một lần quy hoạch đến năm 2020 là 118 sân golf. Trong đó, gồm 85 sân đã có trong danh mục (5 trong tổng số 90 dự án theo quy hoạch phê duyệt tại Quyết định 1946/QĐ-TTg sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch), song lại bổ sung 33/39 sân golf nằm ngoài danh mục.

Bộ KH-ĐT cho rằng, ở các thành phố lớn, các khu du lịch trọng điểm và các khu đô thị, sẽ dành một số địa điểm để xây dựng sân golf phục vụ cộng đồng hoặc theo hướng dành một số buổi/tuần cho... cộng đồng. Thế nhưng, cộng đồng có lẽ khó có cơ hội để tiếp cận môn thể thao quý tộc này bởi chi phí cho trò chơi quá tốn kém. Bình luận về môn thể thao không dành cho số đông này, GS. Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học Đất Việt Nam nói thẳng, đó là một trò chơi tốn đất.

Hiện nay, quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp đang có xu hướng giảm do thu hồi diện tích đất rất lớn cho một dự án sân golf. Đáng chú ý, hiệu quả kinh tế của sân golf, vốn rất tốn đất, hóa ra lại thấp hơn nhiều lĩnh vực khác. Một nghiên cứu từ năm 2009 đã chỉ rõ, một sân golf quy mô vừa chỉ sử dụng khoảng từ 200 - 400 lao động với thu nhập khoảng 1-1,5 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó, những hệ lụy do dư thừa lao động (do bị thu hồi đất) hay ô nhiễm môi trường lại rất lớn.

Theo Phương Mai ( ANTD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0