Thị trường có hơn trăm mã giảm sàn với vốn hóa bốc hơi lớn nhất từ trước tới nay, nhiều cổ phiếu lớn ở tình trạng "trắng bảng bên mua".

Thị trường vừa chứng kiến một trong những phiên giao dịch giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. Con số 8 tỷ USD (tương đương 185.000 tỷ đồng) cũng là kỷ lục vốn hóa bốc hơi lớn nhất trong một phiên giao dịch của thị trường chứng khoán từ trước đến nay.

Chốt phiên giao dịch 5/2, VN-Index giảm 56 điểm, tương đương 5,1% còn 1.048,71 điểm, HNX-Index giảm 5,03 điểm, tương ứng 4,06%, trong khi UPCOM-Index cũng mất hơn 3,2%.

Mở cửa phiên giao dịch tuần cuối cùng trước Tết Nguyên đán, thị trường đã phải hứng chịu làn sóng bán ồ ạt của nhà đầu tư. Trên toàn thị trường, tình trạng “trắng bảng bên mua” diễn ra phổ biến khi có tới 128 mã cổ phiếu giảm sàn, trên tổng số 571 mã cổ phiếu giảm giá. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường.

Thị trường chìm trong sắc đỏ ngay trong phiên đầu tuần trên bảng điện tử của VnDirect. Ảnh chụp màn hình.

Khác những đợt giảm trước, thị trường trong phiên hôm nay thiếu đi những cổ phiếu có khả năng làm lực đỡ, khi độ rộng chênh lệch hoàn toàn về phía người bán. Ngay cả nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thường đi ngược lại thị trường giúp thu hẹp đà giảm, cũng chìm trong sắc đỏ. Trong rổ VN30, nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa trên thị trường có 27 cổ phiếu giảm giá, trong đó có tới 13 cổ phiếu giảm sàn.

Trong những nhóm này, tài chính, dầu khí và bất động sản là những cái tên chịu ảnh hưởng lớn nhất. Cổ phiếu một loạt ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank đều giảm sàn với dư bán hàng chục nghìn, cho tới hàng trăm nghìn cổ phiếu. Nhóm công ty chứng khoán và bảo hiểm với đại diện là SSI và BVH cũng chịu chung cảnh "trắng bảng bên mua".

Ở nhóm dầu khí, cổ phiếu PVD của Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, PVS của Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam hay GAS của Tổng công Khí đều giảm tối đa biến độ. Trước đó những cổ phiếu này đều ghi nhận chuỗi phiên giao dịch tăng mạnh sau sự phục hồi của giá dầu và kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh trở lại với hai tổng công ty.

Phiên giảm điểm hôm nay, không chỉ có tác động trong ngày. Theo dự báo, áp lực giảm điểm rất lớn sẽ còn tiếp tục trong phiên mai khi lực bán cổ phiếu thu hồi khoản vay (call margin) của các công ty chứng khoán gia tăng. Đặc biệt khi những cổ phiếu giảm sàn trong phiên 5/2 nằm ở nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Mức độ tác động của nhóm 10 cổ phiếu lớn nhất lên VN-Index. Ảnh: VNDirect

Theo một số chuyên gia, áp lực chốt lời đến từ tâm lý nghỉ Tết Nguyên đán có thể là nguyên nhân kích hoạt đợt giảm giá của thị trường trong phiên hôm nay. Nhiều nhà đầu tư có xu hướng hiện thực hóa lợi nhuận trong tuần cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Trước đó thị trường cũng đã tăng mạnh trong tháng đầu tiên của năm 2018 khi lần lượt các mốc kháng cự quan trọng đã bị phá vỡ.

Triển vọng về ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng khi tâm lý chốt lời được dự báo kéo dài cho tới nghỉ Tết, tuy nhiên lực đỡ từ khối ngoại trong những phiên "đỏ lửa" sẽ là căn cứ để thị trường trụ vững qua thời gian này.

Về dài hạn, đa phần các chuyên gia vẫn giữ quan điểm rằng năm 2018 sẽ là một năm thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Chủ tịch SSI và CEO của quỹ VFM trong phiên họp tổng kết của Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới đây đều cho rằng có lý do để tin tưởng năm nay sẽ tiếp tục là một năm thành công của thị trường.

"Chúng tôi đã đi hỏi ý kiến của những chuyên gia hàng đầu phố Wall, những nhà quản lý quỹ lớn trên thế giới thì nhận được câu trả lời rằng năm 2018 sẽ là năm fully invest – có nghĩa là đầu tư bằng mọi thứ đang có", Tổng giám đốc VFM nói và cho rằng điều này cho thấy một xu thế tăng trưởng sẽ diễn ra trong năm tới, mặc dù không thể đặt kỳ vọng về mức tăng 50% như năm 2017, nhưng tin tưởng rằng năm tới thị trường sẽ tiếp tục tích cực.

Nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự báo cho VN-Index tại thời điểm cuối năm nay có thể đạt trên 1.300 điểm, thậm chí tới 1.600 điểm trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách được xem xét nâng hạng thị trường.

Minh Sơn (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.