Hai cường quốc châu Á đang ganh đua nâng tầm ảnh hưởng kinh tế trong khu vực, thông qua chính sách viện trợ và đầu tư.

Tờ Wall Street Journal cho rằng cả Bắc Kinh và Tokyo đều đang dồn đầu tư và viện trợ vào Việt Nam, với mục tiêu gây dựng cơ sở sản xuất giá rẻ tại đây. Vị trí chiến lược của quốc gia Đông Nam Á trên tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quốc tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc đua này.

Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam rõ ràng đang gặp thách thức, do căng thẳng chính trị gia tăng từ năm ngoái. Từ đó, nước này đã tìm nhiều cách lấy lại ảnh hưởng này bằng các cam kết về vốn phát triển và thỏa thuận gia nhập ngân hàng đầu tư mới (AIIB) do họ sáng lập.

Trong khi đó, những năm gần đây, Tokyo cũng đang tăng cường viện trợ cho Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Năm 2014, họ rót vào đây 1,8 tỷ USD xây đường cao tốc và nhà ga mới tại Sân bay Nội Bài.

jp-fin-1-5780-1427705183.jpg

Trung Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam khi xây dựng hàng loạt nhà máy điện, vốn do Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc cung cấp. Tuy nhiên, giới chức và doanh nghiệp Việt phàn nàn những nhà máy này thường xuyên hỏng hóc và công ty Trung Quốc cũng thích mang nhân công từ nước mình sang hơn là tuyển dụng lao động địa phương.

Căng thẳng chính trị leo thang cũng khiến Việt Nam ngày càng chịu sức ép phải thoát dựa dẫm vào đầu tư và viện trợ từ Trung Quốc. "Những vấn đề chính trị trong quan hệ với Trung Quốc đã khiến chúng tôi phải đa dạng hóa", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương gần đây cho biết.

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất lưỡng lự trước dòng tiền từ Trung Quốc. Chính phủ mới của Sri Lanka tháng này cũng đã yêu cầu ngừng một dự án tại thủ đô Colombo, do cho rằng dự án chưa được cấp phép bởi chính quyền cũ.

Indonesia cũng phàn nàn về chất lượng các nhà máy điện do Trung Quốc xây. Còn Myanmar mở cửa cho đầu tư phương Tây một phần cũng vì muốn giảm phụ thuộc kinh tế vào láng giềng này. Năm 2011, Myanmar đình chỉ một dự án xây đập 3,6 tỷ USD của Trung Quốc. Năm ngoái, họ lại hoãn một kế hoạch xây đường sắt cao tốc nối hai quốc gia.

Đáp lại, Nhật Bản đã tích cực bơm tiền vào Myamar, xóa nợ hàng tỷ USD và liên tục thực hiện các chương trình viện trợ cho nước này.

Hiện tại, nỗ lực xây dựng ngân hàng mới của Bắc Kinh đang là thách thức với Nhật Bản - quốc gia kiểm soát Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từ thập niên 60. Nhật Bản và Mỹ đều lo ngại về cam kết môi trường và quản trị của nhà băng này.

Dù vậy, tín hiệu tích cực từ Trung Quốc, trong đó có đề xuất bỏ quyền phủ quyết dù nước này đóng góp tới 50 tỷ USD vốn ban đầu, đã phần nào xoa dịu các nghi ngờ và lôi kéo nhiều quốc gia vào đây. Trong đơn đăng ký gia nhập, Anh còn cho biết họ muốn tạo cơ hội cho các công ty nước mình tại châu Á, đồng nghĩa với công nhận sức ảnh hưởng đang lên từ Trung Quốc.

Năm 2013, Trung Quốc đã viện trợ tổng cộng 7,1 tỷ USD ra nước ngoài. Đây là con số lớn thứ 6 thế giới, sau Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật Bản, theo một nghiên cứu năm ngoái của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Một báo cáo gần đây của Chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy họ đã cung cấp 14,4 tỷ USD viện trợ quốc tế giai đoạn 2010-2012.

Quy mô viện trợ hiện tại của Trung Quốc đã tương đương Nhật Bản, khiến họ trở thành nước cấp viện trợ lớn tại châu Á - nơi các chương trình của Mỹ đang ngày càng bị lấn át khi Washington chuyển hướng sang Afghanistan và Pakistan.

Cho đến cuối những năm 2000, các công ty Nhật Bản, châu Âu và Mỹ vẫn đóng vai trò lớn trong xây dựng các nhà máy điện ở Việt Nam. Sau đó, các công ty quốc doanh Trung Quốc xuất hiện, được hỗ trợ bởi nguồn vốn giá rẻ từ Chính phủ. Nhật Bản cho biết việc này đã giúp Trung Quốc xây dựng các nhà máy với giá chỉ bằng một phần ba.

Các công ty Trung Quốc đã đóng góp khoảng hai phần ba trong số 19.000 megawatt Việt Nam đưa vào lưới điện từ năm 2007, Kazuyoshi Kume – lãnh đạo cấp cao tại mảng nhà máy điện thuộc Mitsubishi Việt Nam cho biết.

Rất nhiều nhà máy Trung Quốc gặp phải vấn đề về chất lượng, trong đó có hoạt động dưới công suất, ông Nguyễn Quốc Trường – chuyên gia nghiên cứu tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết. "Các nhà cung cấp Trung Quốc không đáp ứng được tiêu chuẩn của chúng tôi", ông nói.

Hiện tại, Nhật Bản đang xem sự thận trọng của Việt Nam với Trung Quốc là một cơ hội. Năm ngoái, các công ty Nhật Bản từng cho rằng Trung Quốc sẽ giành được hợp đồng xây nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 công suất 688 megawatt. Nhưng cuối cùng, Việt Nam lại trao hợp đồng cho Sumitomo.

"Áp lực độc lập so với Trung Quốc đang ngày càng lớn", Hiroshi Fukuda – đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhận xét. Ông cho biết Tokyo đang nỗ lực thắt chặt quan hệ ngoại giao với Hà Nội.

Trước đây, Việt Nam nhập khẩu phần lớn phân bón từ Trung Quốc. Nhưng năm ngoái, con số này giảm tới 20% so với 2013. Thay vào đó, nhập khẩu từ Nga và Đài Loan (Trung Quốc) lại tăng đáng kể.

Hồi tháng 1, Itochu cho biết sẽ mua cổ phần hãng dệt may quốc doanh lớn nhất Việt Nam - Vinatex. Một trong các mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp vốn đang dựa vào 3 tỷ USD nguyên liệu nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn trong sự phát triển của Việt Nam. Ít nhất là vì họ có ngân sách lớn và có thể xây dựng với giá rẻ, quan chức Nhật Bản cho biết.

Trong vài tuần tới, Trung Quốc và Việt Nam sẽ lên kế hoạch kết nối đường cao tốc giữa Hà Nội và Côn Minh để thúc đẩy thương mại. Ông Kenichi Yamamoto – Phó trưởng đại diện JICA Hà Nội nhận xét: "Chính phủ biết rằng họ cần phải có mối quan hệ gần gũi".

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.