Người dân ngăn cản sửa đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do chủ đầu tư không giữ đúng lời hứa như đã cam kết trước đây.
Đợt mưa lũ vừa qua, khu vực mố cầu phía Nam cầu Kỳ Lam, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng.
Thế nhưng khi chủ đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đưa máy móc thiết bị đến sửa chữa thì người dân thôn Kỳ Lam kéo ra ngăn cản. Cầu tiếp tục bị sạt lở nặng, chính quyền không thể can thiệp được, nguyên nhân vì sao?
Đoạn sạt lở tại mố A2 Kỳ Lam.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân do chủ đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi không giữ đúng lời hứa như đã cam kết trước đây. Cụ thể, vào tháng 7/2016, chủ đầu tư đã lên phương án, kế hoạch di dời 4 hộ dân, trong tổng số 39 hộ dân tại thôn Kỳ Lam. 4 hộ này nằm ngay sát mố cầu Kỳ Lam, có nguy cơ bị sạt lở đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản.
Danh sách các hộ trong diện di dời đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Thế nhưng, người dân chờ mãi cũng không thấy chủ đầu tư đả động gì đến việc di dời, bố trí tái định cư.
Ông Trần Đình Mạnh cho biết, bà con nhiều lần làm đơn kiến nghị cấp trên giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
“Từ khi đường cao tốc hình thành, người dân ở đây gửi đơn rất nhiều nhưng rồi cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung chứ không giải quyết triệt để. Sau đợt lũ đầu tháng 11 vừa rồi làm xói lở mố cầu, dân bức xúc quá không cho sửa, chờ cấp trên về giải quyết nhưng cũng chẳng thấy ai trực tiếp giải quyết. Vì thế nên dân chúng tôi bức xúc quá không cho đắp đoạn đường đó”, ông Mạnh nói.
Liên tiếp các đợt lũ lớn vừa qua, nước từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về khiến nhiều nhà cửa, hoa màu của bà con ngập sâu trong nước, hư hại.
Ông Trần Đính, Phó Bí thư Chi bộ thôn Kỳ Lam cho biết, thời điểm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa triển khai thi công, bà con đã đề nghị chỉnh sửa thiết kế để người dân thôn Kỳ Lam không bị “bao vây” bởi nước lũ. Thế nhưng chủ đầu tư lấy lý do dự án đã phê duyệt rồi, không thể chỉnh sửa.
“Trước đây khi chưa có đường cao tốc thì nước rất ít. Cơn lũ năm ngoái mực nước chênh lệch phía trên và dưới cả 1m gây xói lở mố cầu A2 của đường cao tốc. Cơn lũ vừa qua cũng tạo dòng chảy ghê lắm, gây khó khăn cho bà con ở khu vực này. Trong khi lũ thì bà con nhà ai người nấy ở chứ ghe thuyền không dám ra vì đi là trôi hết”, ông Đính cho biết.
Bà con đề nghị làm con đê chắn lũ hoặc di dời toàn bộ dân.
Theo lãnh đạo UBND xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ngoài 4 hộ bị ảnh hưởng nặng, nằm trong diện di dời, thì 35 hộ dân còn lại ở thôn Kỳ Lam cũng có nguyện vọng dời đến nơi an toàn hoặc phải đầu tư làm kè phòng tránh lũ.
Ngày 22/11, Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) gửi công văn đến UBND xã Điện Quang đề nghị địa phương vận động người dân thôn Kỳ Lam tạo điều kiện cho đơn vị thi công sửa chữa mố cầu bị sạt lở, bảo đảm an toàn cho đường cao tốc. UBND xã cũng đã nhiều lần thuyết phục nhưng người dân không nghe.
Ông Trần Úc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã có báo cáo đề xuất phương án di dời các hộ dân vùng sạt lở nhưng chủ đầu tư chưa trả lời.
Ông Úc nói: “Tổng Công ty Đầu tư đường phát triển đường Cao tốc Việt Nam đã chấp nhận phương án kiểm tra đất nông nghiệp trước để xử lý. Còn chỗ chưa ảnh hưởng trực tiếp thì chưa trả lời, chắc do kinh phí quá lớn nên làm thinh. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị thôi, nếu mà di dời thì xác định khu tái định cư ở đâu? Ai đầu tư, nguồn lực ở đâu? Về dài hạn mà nói thì vẫn tiếp tục kiến nghị lên tỉnh và VEC”.
Hoài Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.