Cái vòng luẩn quẩn giữa thị trường tài chính với lạm phát chưa thể có chuyển biến mới nếu Chính phủ chưa đưa ra được biện pháp cứng rắn.
Ngoảnh đi ngoảnh lại nhà đầu tư vẫn chưa biết phải chọn kênh đầu tư nào trong thời kỳ bão giá, lạm phát như hiện nay.

Ở Việt Nam, vàng luôn là công cụ thanh toán hàng đầu cho tới đầu thế kỷ XXI, thời điểm giá vàng leo thang. Đơn vị để mua bán nhà đất được chuyển thành VND, thay vì tính bằng vàng như trước.

Vàng: Trò cút bắt

Tuy nhiên, việc không còn được sử dụng như một phương tiện thanh toán trong giao dịch nhà đất cũng không làm giảm đi tính hấp dẫn của vàng. Nhiều số liệu ước tính về số vàng trong dân đã được đưa ra, nhưng thực tế rất khó có được số liệu chính xác khi tâm lý trữ vàng đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen của dân. Chính vì thế, hiếm có dự thảo nào được cả người dân lẫn giới đầu tư quan tâm theo sát như dự thảo nghị định mới về hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước. Nghị định này sẽ tác động trực tiếp tới thói quen tiêu dùng lẫn phương thức thanh toán trong giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, trước khi quyền sở hữu vàng của người dân được pháp luật thừa nhận và Nhà nước chỉ có mục tiêu duy nhất là tổ chức sắp xếp lại thị trường vàng, thì trong vài tháng vừa qua, thị trường vàng trong nước đã xáo động bởi sự nhiễu loạn thông tin lẫn sự bất ổn của giá vàng thế giới. Có thể chia giá vàng từ năm 2010 đến nay thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: những tháng cuối năm 2010, giá vàng liên tục chạm ngưỡng 3,8 triệu đồng/chỉ.

Giai đoạn 2: hai tháng đầu năm 2011, vàng liên tiếp rớt giá xuống còn 3,5 triệu đồng/chỉ. Lo sợ do có thông tin Chính phủ xóa bỏ thị trường vàng miếng, người dân đổ xô đi mua vàng trang sức thay cho vàng miếng.

Giai đoạn 3: từ tháng 3 đến nay, giá vàng lại tiệm cận ngưỡng 3,8 triệu đồng/chỉ. Tuy nhiên giai đoạn này khá trầm lắng, thanh khoản về vàng trang sức không còn mạnh. Có lẽ người dân và giới kinh doanh đang chờ đợi những động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước.

Tỏ ra khá thận trọng với sự phức tạp của thị trường vàng nên trước bao kiến nghị và đề xuất, Chính phủ vẫn khẳng định mong muốn thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả và có tổ chức. Năm 2010, do lo ngại xảy ra những hệ lụy không tốt và rủi ro cho nền kinh tế lẫn nhà đầu tư, Chính phủ đã đóng cửa hoạt động sàn giao dịch vàng. Nhưng thay vì giao dịch ký quỹ trên tài khoản, nhà đầu tư chuyển sang giao dịch vàng vật chất. Năm 2011, Chính phủ chủ trương xóa bỏ giao dịch vàng miếng trên thị trường tự do, nhà đầu tư và người dân lại chuyển sang mua bán vàng trang sức. Cứ như thế, giữa nhà đầu tư và chính sách luôn diễn ra trò cút bắt và cho đến bây giờ, mặc dù giá vàng đang trong giai đoạn lùi 1 bước tiến 9 bước, sức nóng từ thị trường vàng vẫn không hề giảm.

Điều này có thể hiểu được trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang bất ổn, giá dầu không ngừng leo thang và lạm phát đang trùm bóng đen lên nền kinh tế thế giới. Ngay cả những người không có kiến thức về kinh tế cũng có thể hiểu rằng, hiện nay vàng vẫn là kênh tiết kiệm an toàn. Nhưng liệu Chính phủ có cùng suy nghĩ như người dân không?

Đô-la: Mới tạm ổn

Cũng như vàng, thị trường ngoại tệ, chủ yếu là USD, cũng nóng ngay từ đầu năm. Tỉ giá USD đã tăng với tốc độ chóng mặt và có lúc trên thị trường chợ đen, gần 23.000 đồng mới đổi được 1 USD.

Mặc dù việc xóa bỏ thị trường tự do nhằm chống tình trạng “đô-la hóa” là hợp lý, nhưng điều này không hề dễ dàng khi nền kinh tế vẫn còn thiếu USD trầm trọng. Không chỉ người dân gặp khó khăn khi gõ cửa ngân hàng để mua ngoại tệ, mà ngay cả đối với doanh nghiệp, việc mua ngoại tệ cũng lắm gian nan.

Tuy nhiên, những căng thẳng về ngoại tệ như mấy tháng trước đã giảm bớt khi lãi suất trần huy động USD ở mức 3%/năm. So sánh với lãi suất huy động VND, nhiều người dân đã nghĩ tới chuyện bán lại ngoại tệ cho ngân hàng và sự dịch chuyển dòng vốn được xác lập từ ngoại tệ sang nội tệ. Dấu hiệu tạm ổn trên thị trường ngoại tệ như hiện giờ quả là đáng mừng, nhưng không ai dám nói trước tình hình này sẽ kéo dài được bao lâu.

Chứng khoán: Chợ chiều

Cùng với vàng và ngoại tệ, chứng khoán cũng là một mắt xích quan trọng của thị trường tài chính. Cả 3 đều có điểm chung là nhạy cảm với sự thay đổi, dù là nhỏ nhất, của chỉ số lạm phát. Và lạm phát ở đây chính là hố đen của nền kinh tế. Vốn đã lâm vào cảnh chợ chiều từ lâu, đến nay chứng khoán vẫn chưa hề có dấu hiệu dậy sóng trở lại. Giao dịch trong quý I và tháng đầu quý II luôn ở mức thấp, nhiều nhà đầu tư phải nói lời tạm biệt với chứng khoán để đứng ngoài quan sát.

Từ đầu năm đến nay, liên tiếp các buổi hội thảo về tái cấu trúc thị trường và thành lập thị trường chứng khoán phái sinh được mở ra. Nhưng cuối cùng vẫn chưa có gì thay đổi, ngoại trừ lời hứa hẹn “ít nhất đến năm 2014 Việt Nam mới có thị trường phái sinh”.

Điều đáng tiếc là ngay tại thời điểm này, nhiều công ty chứng khoán không buồn “hiến kế” cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư cũng không hy vọng có sự mới mẻ về các biện pháp hành chính. Các cuộc mua bán sáp nhập hay chuyển đổi mô hình hoạt động của công ty chứng khoán không xảy ra như dự đoán bởi còn vướng cơ chế. Các công ty chứng khoán không còn cách nào khác là thu bớt hoạt động để chờ thời.

Đối với nhà đầu tư, ngoảnh đi ngoảnh lại không biết phải làm gì trong thời kỳ bão giá lạm phát bởi tất cả các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ hay chứng khoán đều không mang lại hiệu quả. Cái vòng luẩn quẩn giữa thị trường tài chính với lạm phát chưa thể có chuyển biến mới nếu Chính phủ chưa đưa ra được biện pháp cứng rắn. Rõ ràng, giữa chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát, Chính phủ buộc phải lựa chọn.

Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland