Hà Nội là một trong những địa phương còn tồn đọng sổ hồng, sổ đỏ lớn nhất cả nước, đặc biệt là tại các dự án phát triển nhà ở. Việc không thể cấp sổ hồng, sổ đỏ khiến cư dân tại các dự án nhà ở bức xúc.

Bỏ tiền tỷ mua nhà, không được chứng nhận sở hữu

Cách đây không lâu, hàng chục hộ dân của Dự án Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông), của chủ đầu tư Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu đã có đơn gửi đến nhiều ban ngành của TP. Hà Nội về việc mua nhà từ năm 2007, đã về sinh sống ổn định từ năm 2008, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ (sổ hồng).

Sau rất nhiều lần yêu cầu, cuối cùng, chủ đầu tư đã có thông báo hướng dẫn thủ tục cấp sổ hồng. Tuy nhiên, do mức phí quá cao, lại thiếu minh bạch khiến các hộ dân phản ứng mạnh trong việc đóng tiền.

Anh Nguyễn Văn Hải, chủ nhân một căn hộ tại nhà CT6, Khu đô thị Xa La cho biết, mặc dù vừa về sống tại đây, nhưng anh và gia đình rất muốn làm sổ hồng để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi biết được hàng loạt hộ dân sống ở các tòa nhà khác của khu đô thị này dù đã về ở đây 4 - 5 năm cũng không làm được sổ hồng, anh đã “thất vọng toàn tập”.

Nhiều cư dân sống tại Dự án Khu đô thị Xa La bức xúc vì chậm được cấp sổ hồng

Không chỉ người dân tại Khu đô thị Xa La, trên địa bàn Hà Nội, còn rất nhiều khu chung cư khác, người dân cũng không được cấp sổ hồng, dù đã sinh sống ổn định nhiều năm. Tình trạng tồn đọng sổ hồng, sổ đỏ trên địa bàn Hà Nội không phải đến bây giờ mới trở thành “điểm nóng”, mà đây là một trong những bức bối được Thành phố nhắc đến nhiều lần.

Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2013, toàn Thành phố mới chỉ cấp được 41.441/86.420 sổ đỏ, đạt 48% chỉ tiêu. Trong đó, tình trạng tồn đọng sổ hồng tại các dự án phát triển nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất và gây nhức nhối nhiều nhất.

Rà soát của UBND Thành phố mới đây tại 223 dự án nhà ở (có hồ sơ quản lý), với 216.580 căn hộ và nhà thấp tầng, có 112.150 căn đã xây xong và bàn giao, nhưng mới chỉ có 31.800 căn được cấp sổ hồng, sổ đỏ, còn lại 80.350 căn hộ chưa được cấp do nhiều vướng mắc.

Lỗi tại ai?

Trong báo cáo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn Thành phố ngày 21/10 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã “chỉ mặt, gọi tên” hàng loạt vướng mắc khiến việc cấp sổ đỏ, sổ hồng tại những dự án nhà ở bị nghẽn, trong đó lỗi chính là do chủ đầu tư.

Cụ thể, có nhiều dự án kéo dài, đắp chiếu, đến khi khởi động lại, chủ dự án có sự điều chỉnh quy hoạch, thay đổi mật độ, hệ số sử dụng đất, khiến việc cấp giấy chứng nhận sau này gặp khó khăn.

Nguyên nhân thứ hai là do các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở trên địa bàn vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được duyệt, chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là do chủ đầu tư chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, do tình trạng nhà đất mua đi bán lại nhiều lần, nhưng bên mua chưa nộp đủ giấy tờ…

Tại cuộc họp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nhấn mạnh việc tăng cường xử lý các chủ dự án nhà ở chậm thực hiện nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận. Theo đó, cần xử lý vi phạm hành chính ở mức cao nhất, thậm chí có thể không cho chủ đầu tư triển khai các dự án tiếp theo nếu không hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua nhà.

Trong khi đó, tại Dự thảo Luật Đất đai được Quốc hội bàn bạc trong kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, vấn đề tồn kho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã được nhiều đại biểu đề cập.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, việc đề nghị và làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là trách nhiệm của chủ đầu tư. Tuy nhiên, cũng do công tác quản lý lỏng lẻo khiến tình trạng chủ đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch, việc chuyển nhượng dự án tràn lan xảy ra, dẫn tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho dân gặp khó khăn.

Theo ông Giàu, xử lý vấn đề này khá phức tạp, vì vậy, Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ có những quy định chi tiết hơn để xử lý trong thời gian tới.

Nguyên Minh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.