Vấn nạn "đội lái"trên TTCK đã được báo chí cảnh báo từ lâu. Trong thời gian qua, ngoài những ca thán của những người đầu tư chân chính, chưa thấy có vụ làm giá nào được đem ra xét xử… Vì vậy, vụ bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự ông Lê Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) được cho là một tín hiệu tốt cho TTCK…

Thiệt hại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ

Nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm thường mắc bẫy "đội lái". Họ thường thấy mã cổ phiếu nào có lượng đặt mua lớn, giá tăng hấp dẫn thì cố xếp hàng để tranh mua, không cần biết mã đó tốt hay xấu.

Trong khi đó, nhiều "đội lái" luôn cài sẵn bẫy để mai phục. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như tung tin đồn tốt về doanh nghiệp, đưa ra nhận định mức giá cao sắp tới, thông đồng đặt lệnh mua giá trần..., các "đội lái" thường tạo ra sự hấp dẫn cho mã cổ phiếu mình cài bẫy. Và thường những cổ phiếu penny do quy mô vốn nhỏ, chỉ số tài chính yếu kém, thông tin thiếu minh bạch, lợi nhuận mù mờ, thanh khoản kém luôn là "điểm đến" của các đội lái.

Trước giờ "G", đội lái đã gom sẵn hàng và chờ. Khi "giờ đã điểm", họ ồ ạt đổ lệnh mua giá trần lên sàn giao dịch. Do thanh khoản hàng ngày kém nên khi lượng mua tăng lên với số lượng cực lớn, người bên ngoài thấy cực kỳ hấp dẫn nên cũng chen vào để tranh mua. Và sau đó thì "đội lái" trở thành "đội lặn", để cho mã hàng mất thanh khoản và những nhà đầu tư cuối cùng… lãnh đủ.

Trước đó, mọi việc vẫn chỉ dừng ở những nghi vấn và nằm ở trong bóng tối nên vụ việc của ông Lê Văn Dũng bị cơ quan pháp luật "sờ gáy" đang khiến giới đầu tư quan tâm. Theo đó, ông Dũng đã lập 11 tài khoản giao dịch chứng khoán và giao cho ông Lê Văn Mạnh là em trai quản lý 9 tài khoản. Ông Mạnh đã sử dụng các tài khoản này thực hiện việc đặt mua, bán chứng khoán của CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) để tạo ra các giao dịch ảo trên thị trường nhằm thao túng giá cổ phiếu DHT. Không ít nhà đầu tư đã mua theo và bị thiệt hại đáng kể, trong đó có cả các cổ đông tổ chức nghiêm túc cũng là nạn nhân của sự thiếu minh bạch này.

Nhà đầu tư tổ chức cũng điên đầu!

Một số cổ đông lớn của DVD như Quỹ PENM II cũng là nạn nhân của việc làm giá. Cổ phiếu của DVD đã liên tục giảm sau sự kiện trên. Đại diện của PENM II, ông Hans Christian Jacobsen cho biết: "Cũng như các cổ đông nhỏ lẻ khác, trong sự cố này, chúng tôi là một nạn nhân vì thực tế chúng tôi đã thiệt hại rất nhiều"!

Một lần nữa tính minh bạch lại được đặt ra. "Đối với Quỹ, tính minh bạch luôn là tiêu chí được chúng tôi đặt lên hàng đầu để bảo đảm quyền lợi chính đáng của những cổ đông của Quỹ. Tính minh bạch được đặt ra không chỉ cho Quỹ mà còn cho chính những công ty mà chúng tôi đầu tư!", ông Hans nói và cho biết thêm: "Trước khi đặt bút ký hợp đồng đầu tư vào Công ty, chúng tôi cũng đã yêu cầu những người có trách nhiệm phải ký vào những quy định thực hành quản lý minh bạch cũng như quy định chống tham nhũng. Đây là quy định mang tính quốc tế bắt buộc mà những quỹ như PENM tuyệt đối tuân thủ!"

Vấn đề đặt ra là làm sao kiểm soát được việc làm giá của các cán bộ chủ chốt trong Công ty? Ông Hans cho biết thêm: "PENM II cũng chỉ là một thành viên trong HĐQT của DVD. Chúng tôi chỉ họp định kỳ để duyệt những định hướng chiến lược dài hạn cho Công ty từ đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường cho đến mua bán, sáp nhập. Tổng giám đốc là người thực thi những chiến lược đó. Vì thế, người điều hành cao nhất sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cho những sai phạm nếu có!".

Theo các chuyên gia chứng khoán, phạt tiền nặng hơn, truy tố hình sự các hành vi thao túng giá chứng khoán là các biện pháp cần thiết để trả lại sự minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư dù là cá nhân hay tổ chức, giúp TTCK vận hành một cách lành mạnh theo đúng bản chất của nó.

Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland