3 kịch bản cho thị trường bất động sản (BĐS) thời gian tới được ông Trần Kim Chung, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo về “Chính sách tài chính cho thị trường BĐS”, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều ngày 29/6 tại Hà Nội, đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt.

Thị trường bất động sản chờ xung lực mới

Thị trường BĐS chỉ có một làn sóng mới khi chính sách tài khoá, tiền tệ được nới lỏng


Hy vọng xung lực mới


Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo, thị trường BĐS thời gian qua đã suy giảm đáng kể, giao dịch thành công ít và giá sản phẩm thiết lập đáy mới. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là không có nguồn tiền bổ sung, dẫn đến cả người mua và người bán đều không có khả năng thanh toán, vì thế thị trường đã rơi vào tình trạng trầm lắng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), mặc dù giá đã giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mặt bằng giá cuối năm 2010.

“Đây là hệ quả của một quá trình giá BĐS bị đẩy lên cao một cách phi lý”, ông Hà nói và cho rằng, trong thời gian tới, việc thị trường tiếp tục điều chỉnh giá về gần với giá trị thực của BĐS cũng là một dịp tốt cho những người có nhu cầu thực tiếp cận được với nhà ở.


Ở góc độ một chuyên gia kinh tế, ông Trần Kim Chung cho rằng, trong ngắn hạn từ nay đến đầu năm 2012, thị trường BĐS dự kiến sẽ có ba kịch bản:


Kịch bản thứ nhất, có thể coi là kịch bản “cầm chừng và suy yếu dần”, giả định tất cả không có gì thay đổi về chính sách, tình hình kinh tế trong nước và thế giới không có biến động thì thị trường BĐS sẽ suy yếu dần và không có cơ hội phục hồi. Lý do cơ bản là thị trường không có nguồn vốn bổ sung trong khi lãi vay ngân hàng quá lớn.


Kịch bản thứ hai được coi là xấu nhất nếu chính sách không thay đổi, cụ thể là chính sách tiền tệ thắt chặt, tiếp tục cắt giảm đầu tư công; lạm phát tiếp tục ở mức cao (trên 15%, thậm chí xấp xỉ 20%) thì thị trường BĐS sẽ lâm vào tình trạng đóng băng, các dự án BĐS sẽ đình trệ, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng khó khăn toàn diện.


Với kịch bản này, theo ông Chung, sẽ xảy ra tình trạng nhà đầu tư thứ cấp sẽ phải thanh lý các dự án đầu tư (dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng), thậm chí tình trạng phá sản có thể xảy ra đối với những dự án, những doanh nghiệp, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán.


Kịch bản thứ ba được coi là sáng sủa nhất, nếu giả sử chính sách tiền tệ được nới lỏng từ sau tháng 7/2011 và văn bản pháp quy về thị trường thế chấp thứ cấp được ban hành. Đồng thời, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán với những nội dung về quỹ đầu tư BĐS được ra đời; văn bản pháp lý về quỹ tiết kiệm tương hỗ BĐS được ban hành.


Ông Chung nhận định: “Khi xuất hiện những điều kiện trên, thị trường BĐS có thể có những xung lực mới, tuy không bùng phát nhưng có thể đi lên vào cuối năm 2011”.


Ông Chung cũng kiến nghị, bên cạnh biện pháp thắt chặt tín dụng cần phải có những giải pháp thay thế kênh cung cấp tài chính cho thị trường BĐS, triển khai mạnh mẽ quỹ tiết kiệm nhà ở, khai thông các nguồn vốn trong dân và tăng cường các công cụ kích thích thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc bán các doanh nghiệp trong nước hoặc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua lại một phần cổ phiếu các công ty đã cổ phần hóa.

Chờ quyết định của Chính phủ


Trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm như hiện nay, hầu hết doanh nghiệp và nhà đầu tư đều trông chờ vào việc Chính phủ thông qua đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng. Khẳng định những đề xuất trên “không phải là lợi ích của Bộ Xây dựng, cũng chẳng phải là lợi ích của nhóm nào cả mà là vì nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: “Bộ Xây dựng không đề xuất nới lỏng tín dụng mà là đề xuất chuyển dịch cơ cấu cho vay đối với các khoản mục BĐS”.


Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất, tuy không tăng tỷ trọng tín dụng BĐS trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng cần có những điều chỉnh linh hoạt. Theo đó, tín dụng với BĐS có tăng, có giảm và có giữ nguyên tỷ trọng cho vay tùy theo từng khoản mục BĐS.


Bộ còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thêm hình thức “chuyển nợ” từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà, bằng cách này sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng BĐS nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.


Ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo chi tiết về đề xuất trên để trình Thường trực Chính phủ tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 và đề xuất có được thông qua hay không phải đợi kết luận của Thủ tướng.


Tại hội thảo, các chuyên gia BĐS đều có cùng đánh giá, trong năm 2012 và cả đầu năm 2013, thị trường BĐS nước ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào động thái chính sách. Thị trường chỉ có thể có được một trào lưu, một làn sóng mới khi chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng và song hành với đó là các công cụ tài chính được ban hành.


Theo Minh Nhật (ĐTCK - Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0