Tái cấu trúc nền kinh tế mà cụ thể là tái cơ cấu đầu tư công, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đi được một chặng đường. Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, quá trình tái cấu trúc hiện vẫn diễn ra chậm chạp, đã đến lúc phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy quá trình này.

Lẫn lộn giải pháp tình thế và cải cách

PHÓNG VIÊN: - Ông nhìn nhận thế nào về tăng trưởng kinh tế năm qua và việc tái cấu trúc đã mang lại kết quả tích cực?

Ông LÊ ĐÌNH ÂN: - Báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, kết quả giám sát của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế cũng như lãnh đạo các bộ, ngành đều nhận định việc tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng tuy còn chậm so với yêu cầu, song kết quả đạt được là khả quan, đã góp phần đưa tăng trưởng nền kinh tế cao hơn 2013; ổn định và kiềm chế được lạm phát, tỷ giá ổn định; xuất khẩu tăng nhanh; sản xuất công nghiệp phục hồi; sản lượng nông nghiệp tăng...

Thực tế cho thấy, việc lạm phát giảm sâu, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng, sản xuất công nghiệp tăng, tăng trưởng GDP vẫn tăng trong 3 năm qua… hoàn toàn không phải là kết quả từ việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, mà chủ yếu nhờ các giải pháp điều hành tình huống.

Tuy nhiên, theo tôi việc đánh giá kết quả tái cấu trúc nền kinh tế cần phải được xem xét, phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra nhận định liệu mô hình tăng trưởng đã có chuyển biến tốt và phát huy tác dụng hay không.

Về tăng trưởng GDP, dù năm 2014 GDP tăng cao hơn năm 2013, nhưng chủ yếu do việc bán thêm 1 triệu tấn dầu thô và khoảng 500.000 tấn than. Không chỉ năm ngoái, mà từ nhiều năm trước, mỗi khi tăng trưởng không đạt kế hoạch chúng ta đều phải khai thác thêm dầu thô, than đá để đạt chỉ tiêu…

Về xuất khẩu, những kết quả khả quan đạt được chủ yếu do gia công, lắp ráp, sử dụng nhân công giá rẻ, trong lúc năng suất lao động đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực và đang có xu hướng đi xuống; ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiến bộ để tăng trưởng đang ngày càng sụt giảm. Nếu như ở giai đoạn 1990-2000, TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) trong GDP là 44,4%, sang giai đoạn 2000-2008 chỉ còn lại 26%. Như vậy TFP đang giảm mạnh.

- Như vậy theo ông mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa có gì thay đổi. Vậy những tín hiệu ấm lên của nền kinh tế năm qua có phải là thành tích, kết quả của việc tái cấu trúc kinh tế không, hay do chúng ta chuyển đổi mô hình tăng trưởng?

- Những tín hiệu tốt lên của nền kinh tế trong năm 2014 chủ yếu do các biện pháp xử lý tình huống như giãn, giảm thuế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông nghiệp; nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài mà chủ yếu là của một số tập đoàn lớn đang gia công, lắp ráp tại Việt Nam… hoàn toàn không phải là kết quả của tái cấu trúc nền kinh tế, càng không phải do chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Việc cho rằng những tín hiệu ấm lên của nền kinh tế là thành quả của tái cấu trúc kinh tế chẳng qua chỉ để ngụy biện cho sự yếu kém trong việc triển khai chủ trương lớn của Đại hội Đảng và chứng tỏ các bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ vẫn chưa có gì thay đổi.

Nếu bằng tinh thần trách nhiệm, nhìn thẳng vào thực tế kinh tế hiện nay, phải nói rằng việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình phát triển mới chúng ta làm quá chậm. Chậm so với đòi hỏi của nền kinh tế, so với tiến độ đặt ra chứ không phải chậm so với yêu cầu tiến bộ của thế giới như một số lý giải.

Chưa nhắm đến vấn đề cốt lõi

- Ông nhìn nhận thế nào về quá trình tái cấu trúc chúng ta đang tiến hành?

Để thay đổi tình hình hiện nay, nên thành lập một cơ quan chuyên trách lo việc tái cấu trúc. Tức cơ quan đủ thẩm quyền để điều phối, phối hợp và đôn đốc việc thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tái cấu trúc nền kinh tế. Việc tái cấu trúc vừa qua đã giao cho từng bộ, ngành địa phương tự thực hiện. Điều đó là không thể.

- Chúng ta mới ban hành được Quyết định tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (đề án tổng thể); Quyết định phê duyệt đề án tổng thể tái cấu trúc DNNN. Trong lúc đó lại chưa có đề án tổng thể đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam; chưa có đề án tổng thể tái cấu trúc đầu tư công; chưa có các đề án tổng thể tái cấu trúc các ngành kinh tế, vùng kinh tế…

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang dừng lại ở việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Tái cấu trúc DNNN vẫn chủ yếu ở việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Việc tái cấu trúc đầu tư công chưa có đề án tổng thể, mới thực hiện việc cắt, giảm công trình không hiệu quả, quản lý chặt việc khởi công công trình mới… Phải nhìn nhận khách quan, đúng hiện trạng mới có giải pháp đúng đắn, đẩy nhanh thực hiện các chủ trương của Đảng xung quanh việc tái cấu trúc nền kinh tế.

Trong những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân của việc thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng đã được nhìn nhận là: chưa có sự nhận thức sâu sắc và thống nhất cao về mô hình tăng trưởng mới, nhất là các động lực cho tăng trưởng; mô hình tăng trưởng chưa có sự đổi mới rõ rệt theo chủ trương của Đảng, nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng; chưa có đề án cơ cấu lại đầu tư công; chưa có đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; sự phát triển giữa các địa phương, vùng lãnh thổ… vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp, thiếu thể chế kinh tế vùng, không gian kinh tế vùng còn bị chia cắt…

Tất cả những tồn tại này là cốt lõi của quá trình chậm khiển khai, thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế. Thế nhưng, đáng tiếc là trong phần giải pháp tiếp theo, báo cáo gần như không đề cập đến các vấn đề cốt lõi trên: đó là nhận thức, tính thống nhất trong nhận thức và thực hiện; nội dung chính của mô hình tăng trưởng sắp tới là gì...

Hội nhập ASEAN đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Cần nhất quán, quyết liệt

- Vậy theo ông, giải pháp cho hoạt động tái cấu trúc là gì?

- Tôi thiết nghĩ cần bổ sung thêm các giải pháp trên và nhấn mạnh hơn phần giải pháp, quan trọng là cần có quan điểm và nhận thức nhất quán, thống nhất trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Chính phủ về mức độ thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế.

Hiện nay, các quan điểm và nhận thức vẫn còn khác xa nhau, do đó việc thực hiện không đồng bộ, nhất quán. Quan điểm của Đảng là cần thiết và cấp bách phải hình thành một mô hình tăng trưởng mới theo chiều sâu kết hợp với chiều rộng, khẩn trương tái cấu trúc một số ngành, lĩnh vực quan trọng và coi đây như một cuộc cách mạng.

Tuy vậy, một số lãnh đạo, bộ trưởng lại phát biểu rằng việc tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng là sự nghiệp lâu dài, phải làm từ từ và một số ý kiến lại coi đây là việc làm thường xuyên mà từ trước đây vẫn làm. Thậm chí, các báo cáo của Chính phủ đã đánh đồng kết quả, giải pháp điều hành, xử lý những vấn đề tình huống với sự nghiệp cách mạng về thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, nhằm biện hộ việc thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc đang tiến hành có kết quả.

Trong tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến mới: mô hình tăng trưởng đã xác lập lại theo hướng tăng sản xuất và tiêu dùng nội địa, việc bảo hộ kinh tế trong nước ngày càng gia tăng, song song với xu thế hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng hơn.

Trong khi đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao, sử dụng lao động có trình độ… đang là xu thế mới của thế giới. Đó là những áp lực đòi hỏi kinh tế Việt Nam phải chuyển đổi cho phù hợp. Kinh tế trong nước đang trì trệ, không bền vững do tổng cầu quá yếu.

Chúng ta vẫn đi vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp và sử dụng lao động thủ công rẻ... để tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp so các nước ASEAN và thế giới là những thực tế đáng lo ngại. Việc hội nhập Cộng đồng ASEAN cũng như các hiệp định thương mại sẽ đi vào vận hành càng đòi hỏi cấp thiết phải chuyển đổi nhanh mô hình tăng trưởng và cấu trúc lại các ngành kinh tế.

Đây là yêu cầu thực tế, cấp bách và muốn thực hiện phải coi đây là một cuộc cách mạng, một cuộc đổi mới thứ 2 thì mới thực hiện có hiệu quả.

Việc thực hiện tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng mới phải được xây dựng, thiết kế thành một kế hoạch cụ thể, mang nội dung chính của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nội dung của từng lĩnh vực, ngành cần tái cấu trúc.

Trong lúc chưa có một “bản thiết kế” tổng thể cho mô hình tăng trưởng mới, chúng ta không có cơ sở để gắn các tái cấu trúc ngành, lĩnh vực. Và như vậy, tái cấu trúc các ngành kinh tế sẽ không có định hướng, mục tiêu cuối cùng và sẽ không đồng bộ.

Điều quan trọng là tái cấu trúc kinh tế phải được gắn chặt và tiến hành song song, đồng bộ với việc xây dựng một cơ chế thị trường hiện đại. Đây là vấn đề lớn và quyết định sự thành công trong cả 2 chủ trương lớn của Đảng.

- Xin cảm ơn ông.

Quang Minh (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.