Theo GS Đặng Hùng Võ, cơ chế thu hồi đất và đền bù cần chia sẻ lợi ích hài hòa giữa người bị thu hồi đất và nhà đầu tư có dự án.

Từ 25-26/9, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ bàn thảo về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây được coi là bước đệm quan trọng trước khi có thể thông qua Dự án Luật này tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội dự kiến sẽ bắt đầu từ 21/10 tới đây. Theo quan điểm của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này không có nhiều đột phá, còn nhiều điểm cần phải bàn luận thêm.

Bình mới, rượu cũ?

Khẳng định Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này không có nhiều đột phá, GS Đặng Hùng Võ dẫn chứng: Chính sách thu hồi đất, cơ chế bồi thường hỗ trợ tái định cư không khác gì Luật Đất đai năm 2003; Chính sách về tài chính đất đai không có gì thay đổi; Chính sách giao đất, cho thuê đất có thay đổi về hình thức, không thay đổi về nội dung…

GS Đặng Hùng Võ

Trong đó, phân tích cụ thể, GS Võ cho biết: Về cơ chế bồi thường hỗ trợ tái định cư, Dự thảo Luật lần này có đưa được một số điều của Nghị định 69 về thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư vào Luật, đó là chi tiết hóa hơn trình tự, thủ tục, còn mọi thứ giữ nguyên như Luật 2003. “Kỳ vọng Luật sửa đổi lần này sẽ có cơ chế tốt hơn về việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, chắc chắn chưa đạt được”- GS Võ nhận định.

Theo phân tích của GS Võ, Luật Đất đai năm 2003 đã có đổi mới khi đề cập đến việc hỗ trợ tái định cư cần được sự đồng thuận của những người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, đổi mới đó còn dang dở. Vậy nên kỳ vọng ở lần sửa đổi này sẽ có quyết định đột phá hơn. Đó là phải tạo ra được cách thức chia sẻ lợi ích giữa từ người nông dân có đất bị thu hồi và nhà đầu tư có dự án.

“Chẳng có lý gì khi thu hồi đất mà lợi ích chỉ nhà đầu tư được hưởng, còn người dân rơi vào cơ chế bán đất một cách bị bắt buộc, thậm chí bán với giá rẻ. Sau đó, người dân cầm đồng tiền hỗ trợ sẽ giải quyết được việc gì, khi mà họ mất đất là mất sinh kế. Trong khi đó đúng ra, tái định cư thì chỗ ở mới là phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, rồi phải có hỗ trợ đảm bảo thỏa đáng chuyện đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp…”.

Vì “một nguyên lý mang tính phổ quát, nhân bản, là không thể thu hồi đất cho một dự án vì lợi ích của nhà đầu tư. Còn nếu vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng, vì quốc phòng an ninh, chắc chắn người dân bị thu hồi đất không có ý kiến gì. Người dân chỉ bức xúc khi nhà đầu tư được lợi rất nhiều từ dự án mà người dân được bồi thường rất ít. Khi đó, người dân có cảm giác đấy là sự bất công nên bất bình, không đồng ý”.

Còn về chính sách giao đất, cho thuê đất, GS Võ cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới có ưu điểm là sắp xếp lại về mặt thể chế. Chẳng hạn, đối với việc Nhà nước giao đất hay cho doanh nghiệp thuê đất, về mặt hình thức đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài được nhận 2 chế độ về thuê đất như nhau. Đó là thuê đất trả tiền một lần hoặc thuê đất trả tiền hàng năm. Vì trước đây, doanh nghiệp trong nước được giao đất có quyền và nghĩa vụ giống doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trả tiền một lần. Điều đó dẫn đến một số nhầm lẫn trong xây dựng Nghị định về tiền thuê đất.

Cùng với đó, “có điểm đổi mới khá đáng kể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đó là bắt đầu từ cấp tỉnh, cấp huyện, có quy hoạch phân vùng sử dụng đất”- GS Võ nhấn mạnh. Rồi theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, thời hạn sử dụng đất được đặt ra sẽ là 50 năm, áp dụng đồng loạt cho cả đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm. Đây là điểm mới so với Luật Đất đai 2003, đáp ứng được yêu cầu nông dân cần một chế độ sử dụng đất ổn định để còn đầu tư, tính toán lâu dài, có như vậy mới tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản.

Chưa có chế tài mạnh để thực thi Luật

Dư luận cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi lần này, xét cho cùng là nhằm góp phần đắc lực vào việc hỗ trợ cho quản lý đất đai được tốt hơn, làm giảm những xung đột trong xã hội xuất phát từ những bất cập của Luật Đất đai. Vì thế, nếu chưa đủ độ chín, không nên thông qua vội. Đồng quan điểm này, GS Võ nhấn mạnh rằng, “đừng làm gì chỉ mang tính hình thức. Phải xem có thay đổi chính sách gì không, còn nếu chỉ diễn chính sách đó thành luật thì quá đơn giản. Nếu thế, chỉ cần thuê một vài chuyên gia để diễn luật, có thể chỉ cần một tuần là xong. Điều quan trọng phải là chính sách sẽ thay đổi như thế nào?”.

Theo phân tích của GS Võ, nếu làm ra được Luật Đất đai sửa đổi tốt như kỳ vọng, nhưng nếu thực thi pháp luật chưa tốt thì cũng không hiệu quả. Bởi vì, Luật Đất đai 2003 có nhược điểm là không có chế tài để thực thi. Chẳng hạn, Luật này yêu cầu phải công bố công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, nhưng không quy định là ai không công khai thì sẽ xử lý ra sao.

Hoặc Luật quy định người dân không được tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất trong 5 trường hợp (ví dụ, chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; chuyển đất lúa sang làm việc khác; chuyển đất rừng sang làm việc khác; chuyển đất phi nông nghiệp không thu tiền thành đất phi nông nghiệp có thu tiền; chuyển đất không phải đất ở thành đất ở). Nhưng Luật Đất đai 2003 cũng không có chế tài về việc nếu vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào.

Chính vì vậy, kể cả cán bộ lẫn người dân đều vi phạm pháp luật ở rất nhiều nơi. Khi xử lý lại mỗi nơi mỗi cách. Như vậy, sẽ không có chuẩn, do đó người dân vốn đã mắc bệnh “nhờn luật”, khi không có cơ chế xử lý thì càng “nhờn”.

“Tôi hy vọng Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 tập trung vào giải quyết vấn đề này. Đó là xây dựng chế tài mạnh, để buộc người dân và cán bộ đều phải thực thi đúng pháp luật. Nhưng ngay trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi này cũng chưa có”.

GS Đặng Hùng Võ:

“Luật Đất đai sửa đổi phải tìm mọi cách để chống được tham nhũng và khiếu kiện liên quan đến đất đai. Không phải chống khiếu kiện là giải quyết cho nhanh, mà phải làm cho người dân không có gì phải khiếu kiện nữa. Nhưng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện nay chưa làm được hai việc này”.

Chủ đề: Đền bù - Thu hồi,
Xuân Thân (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.