Cách đây hơn 10 năm phong trào xây dựng trang trại các vùng ven Hà Nội của người dân bắt đầu nở rộ. Nhưng chỉ vài năm sau đó phong trào lắng xuống.
Xong 2 năm trở lại đây, khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, các gia đình bắt đầu quay lại tu sửa trang trại của gia đình trở thành nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.

Sự trở lại của trang trại nghỉ dưỡng

Những cuộc mua bán chuyển nhượng diễn ra nhiều hơn, giá cả cũng được đẩy lên cao. Sự phát triển của đô thị, nhất là khi Hà Nội, Hà Tây, một phần huyện Lương Sơn và huyện Mê Linh sáp nhập thì việc mua bán diễn ra thường xuyên hơn. Chúng tôi quay trở lại thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã thấy sự đổi thay của địa phương này. Thời điểm đỉnh cao trang trại mấy năm về trước thôn này mới có khoảng 24 gia đình từ Hà Nội lên mua đất. Nhưng theo thống kê mới nhất của Trưởng thôn Phạm Văn Bảy thì hiện tại ở đây đã có hơn 40 nóc nhà là của các gia đình từ Hà Nội và các tỉnh, thậm chí trong số đó không ít là Việt kiều. Mỗi gia đình từ nơi khác đến đây xây dựng trang trại đều phải đóng kinh phí xây dựng đường, mắc điện sinh hoạt nên những con đường trong thôn đều đã thuận tiện hơn trong việc đi lại. Bộ mặt được thay đổi cũng là lúc ôtô trong thôn nhiều lên. Nhiều không phải vì dân đã giàu mà vì đường sá thuận lợi nên dịp cuối tuần, các gia đình thích về đây hít thở không khí trong lành hơn.

Gia đình anh Lại Phú Hiển được mệnh danh là đẹp nhất thôn vì căn biệt thự kiểu Pháp mọc lên giữa một vùng đồi núi. Anh Hiển tiếc nuối những vẻ đẹp Hà Nội đang bị đô thị hóa nên đã trồng hẳn một vườn đào trong trang trại nhà mình. Cây đang mùa ra lá, nhìn vườn đào của anh mướt xanh mà cảm thấy cả một không gian xanh đang trùm lên xua tan đi cái nắng gắt của mùa hè. Cách nhà anh Hiển khoảng 300m đường đi là gia đình ông Nguyễn Quý Đông với những gốc vải, nhãn, được trồng theo đúng hàng ngay ngắn. Ông Đông vui vẻ cho biết: Thấy các cháu rất thích tắm mà bể bơi ở Hà Nội quá đông lại nhiều chất clo, nhất là vào ngày cuối tuần, nên tôi quyết định đầu tư xây dựng một khu bể bơi cho các cháu trong khuôn viên trang trại của mình. Đất đào bể bơi tôi đắp thêm một quả đồi, trồng cỏ cho nó có quang cảnh như những khu resort tôi đã từng đi.

Không chỉ ở Bùi Trám mà các địa phương khác ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Hoài Đức, các biệt thự nhà vườn cũng mọc lên ngày càng nhiều. Xu hướng chung hiện nay của một số gia đình có điều kiện là chuyển lên các vùng lân cận, không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe, nhà cửa rộng rãi và có không gian. Làm việc trong nội thành thì di chuyển bằng ôtô, không tốn quá nhiều thời gian. Với những nơi cách trung tâm quá xa, các trang trại này trở thành những nơi nghỉ dưỡng. Một vấn đề nữa khiến các trang trại này hồi sinh là thời gian vừa qua, bất động sản nghỉ dưỡng giá bị đẩy lên quá cao. Nhiều khu như Đại Lải - Vĩnh Phúc, Kim Bôi - Hòa Bình, các căn biệt thự nghỉ dưỡng (tất nhiên được xây dựng đẹp với nội thất đắt tiền) có giá từ vài tỷ đến hơn chục tỷ đồng khiến không phải người tiêu dùng nào cũng có khả năng. Người dân quay về xây dựng lại các khu trang trại ban đầu vì hợp với điều kiện kinh tế. So sánh với biệt thự nghỉ dưỡng, điều kiện tốt hơn, nhưng ngôi nhà xây dựng trong trang trại tuy không hiện đại bằng nhưng đưa mỗi người về với thiên nhiên. Ông Nguyễn Quý Đông chia sẻ thêm: Tôi ở Hà Nội tính ra cũng đã 60 năm, không biết thế nào là quê hương với ao chuôm, bụi tre, gốc gạo. Khi xây dựng trang trại ở đây, rất tự nhiên tôi nghĩ mình nên đào ao, thả vài con vịt, làm một cái nhà sàn giữa ao để mỗi cuối tuần, lại được cùng con cái thư giãn câu cá. Thú vui của người già chắc cũng chỉ đơn giản như thế.

Xu hướng trở lại của các trang trại trở thành một tín hiệu vui của thị trường bất động sản. Giá không bị đẩy lên cao, thị trường sôi động hơn, nhưng lại trở thành điều không vui với bất động sản nghỉ dưỡng hạng sang đang bão hòa ở các khu vực lân cận Hà Nội. Chắc chắn các nhà đầu tư phải có quyết sách của mình sao cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo Châu Anh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0