"Tại sao khi thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án thì thành phố làm rất quyết liệt, phải thu hồi bằng được, nhưng khi có đất rồi, dự án bỏ hoang hàng chục năm thì thành phố lại chậm xử lý, tái thu hồi?".

Đại biểu Phạm Hoài Nam: "Liệu đằng sau thực tế này có vấn đề gì uẩn khúc không?".

Thắc mắc trên được đại biểu Phạm Hoài Nam gửi đến lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tại phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân thành phố, sáng 5/12.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, vấn đề các dự án được giao đất nhiều năm nhưng chậm đưa vào sử dụng là thực tế có thật, gây bức xúc cho người dân lẫn chính quyền.

Chính vì vậy, ngay từ năm 2009 đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt và trong năm 2013 sẽ quyết liệt hơn nữa để khắc phục tình trạng này.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này, Hà Nội đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để khắc phục, trong đó có giải pháp hướng vào tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư để nhanh chóng đưa đất vào sử dụng. Tất nhiên, thành phố cũng tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp sai phạm nếu không có lý do chính đáng.

Ông Khanh cho hay, qua kiểm tra của UBND thành phố thì có đến 882 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm, trong đó thực tế có 779 vi phạm ở mức độ khác nhau. Thành phố đã xử phạt hành chính hơn 100 tổ chức, thu hồi đất của 45 tổ chức, doanh nghiệp với diện tích hơn 820 ha. Thành phố cũng đã giúp 132 tổ chức, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Lý giải cho tình trạng chậm sử dụng đất, để hoang hóa gây lãng phí, lãnh đạo UBND thành phố cho rằng có nhiều nguyên nhân như năng lực tài chính của chủ đầu tư, khó khăn của nền kinh tế, thậm chí là có tổ chức cố tình dây dưa, vi phạm, song theo ông Khanh, còn có cả nguyên nhân do doanh nghiệp phải “chờ quy hoạch”.

Lãnh đạo thành phố cũng cho biết, trong năm 2013, Hà Nội sẽ tập trung rà soát, kiểm tra tiến độ của các doanh nghiệp được gia hạn, kiểm tra năng lực tài chính, nếu không khắc phục được thì buộc phải thu hồi.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Hoài Nam nói trên, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh khẳng định, “chủ trương của UBND thành phố hoàn toàn không có chuyện đó. Tất cả mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Khi thực hiện một chủ trương, quyết định nào đó thì thành phố đều muốn thực hiện nhanh chóng, hiệu quả”.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng thừa nhận, nguyên nhân khiến việc chậm đưa dự án vào sử dụng hoặc chậm khắc phục, xử lý những sai phạm trước hết là do chủ đầu tư cũng như công tác quản lý ở một số địa phương là chưa tốt.

Bên cạnh đó, thực tế là có những dự án phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề nên quá trình xử lý cũng có phần bị chậm. Cùng với đó, theo Phó chủ tịch Hà Nội, các dự án bỏ hoang hiện nay có liên quan đến giai đoạn hợp nhất Hà Nội, do đó liên quan đến công tác quy hoạch, phải tạm dừng chờ rà soát…

“Nói là phức tạp nhưng không có nghĩa là thành phố không dám làm, không dám xử lý. Thực tế thì lãnh đạo thành phố đã có yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm với nhiều cá nhân, tập thể, thậm chí đã xử lý hình sự một số cán bộ có sai phạm liên quan đến quản lý đất đai”, Phó chủ tịch Khanh nói.

Liên quan đến sai phạm tại một số dự án cụ thể như: khu đất của trung tâm y tế thuộc Sở Công Thương được đơn vị này liên doanh xây dự án chung cư, dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính chưa giao chủ đầu tư, nhưng đã tạm bàn giao đất cho công ty Megastar để làm dự án; một số dự án của Công ty Kính mắt Hà Nội, Công ty Sách... được giao đất 5 – 6 năm nay vẫn chưa triển khai, ông Khanh nhận trách nhiệm trong việc xử lý chậm. Đối với một số dự án khác, lãnh đạo thành phố đã kiên quyết cho thu hồi để sử dụng vào mục đích khác.

Kết luận cho phần trả lời chất vấn của đại biểu về nội dung quản lý đất đai, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Lê Văn Hoạt lưu ý, việc các dự án "vướng quy hoạch" như Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh nêu là có thật, nhưng không phải là phổ biến. Theo ông Hoạt, thực tế có không ít dự án, chủ đầu tư đang "ẩn bóng" vướng quy hoạch để chây ì, không triển khai dự án.

Ông Hoạt đề nghị UBND thành phố phải chỉ rõ trách nhiệm, năng lực của chủ đầu tư, bởi nếu không thì cứ đổ lỗi cho khách quan hết.

"Tôi chỉ lấy một ví dụ thôi, dự án của Công ty Sách Hà Nội ở Thanh Trì thu đất của dân 10 năm nay rồi khoanh lại để đấy, khiến dân không có đất sản xuất, không có đất ở, Nhà nước thì thất thu thuế", ông Hoạt nói.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đã yêu cầu UBND thành phố trong thời gian tới cần tăng cường thẩm định năng lực của các chủ đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án sai phạm, chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, năng lực thực hiện. Cùng với đó, Hà Nội phải công khai các sai phạm của các chủ đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng.

  • Vẫn còn nhiều người bị lừa khi mua, bán nhà đất

    Vẫn còn nhiều người bị lừa khi mua, bán nhà đất

    Nếu tài sản có nhiều chủ sở hữu thì nhất thiết phải yêu cầu tất cả các chủ sở hữu làm văn bản đồng ý bán để tránh giá cả hoặc tranh chấp mà một trong các đồng sở hữu chủ “lật lọng” sau này.

  • Chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Liệu có khả thi?

    Chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Liệu có khả thi?

    Với tổng số hơn 2.000 dự án, hơn 70.000 căn hộ cao cấp tồn đọng hiện nay thì không thể chuyển đổi tất cả các dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội mà cần phải cân nhắc thận trọng về quy mô và lộ trình chuyển đổi sao cho hợp lý. <br/br>

  • HSBC đang lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam

    HSBC đang lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam

    CafeLand - Ngân hàng HSBC vừa bình luận trong báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam rằng Tháng 11 là một trong những tháng ngọt ngào nhất của năm và cuối cùng cũng đã có dấu hiệu kinh tế tích cực hơn dù chỉ là khiêm tốn.

Theo Bảo Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.