Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 17/9 tại Văn phòng Ban Quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông báo đã sẵn sàng thông xe toàn tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch

Dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được khởi công từ tháng 4/2009 là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất Việt Nam đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái có 4 làn xe, 2 làn xe dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 km/giờ; đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng 2 làn xe, 2 làn xe dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 80km/giờ.

Với tốc độ thiết kế từ 80-100 km/giờ, giúp rút ngắn một nửa thời gian lưu thông trên tuyến Nội Bài-Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với trước đây về thời gian là nhanh gấp đôi, giảm chi phí và an toàn hơn nhiều khi lưu thông so với tuyến đường hiện hữu.

Để thực hiện dự án đã phải bồi thường giải phóng mặt bằng cho 25.031 hộ dân; xây dựng 99 khu tái định cư, di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng; đồng thời thực hiện phục hồi thu nhập cho gần 17.000 hộ dân.

Dự án được chia làm 8 gói thầu xây lắp, từ gói thầu A1 đến gói thầu A8 với khối lượng hơn 100 triệu m3 đất đá đào đắp, 120 cầu lớn nhỏ, trong đó có 2 cầu lớn bắc qua sông Hồng và sông Lô với chiều dài 1,68km rộng 16,5m; 1 hầm xuyên núi dài 530m; hàng trăm công trình hầm chui, cống hộp, cống chui dân sinh và 18 nút giao khác... với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.464 triệu USD.

Đoạn nút giao từ IC 10 đến IC 14 có tổng chiều dài 71km, từ lý trình km79+060 đến km149+705, thuộc phạm vi gói thầu A4, A5 do nhà thầu thi công Keangnam Enterprises của Hàn Quốc thực hiện.

Trước đó, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cố gắng hoàn thành và đưa vào khai thác tạm các gói thầu xây lắp: gói thầu A1 (27/12/2013); gói thầu A8 (2/3/2014): gói thầu A7(1/4/2014); gói thầu A2 và 1 phần A3 (6/4/2014); A6 (14/6/2014) và gói thầu A2 và 1 phần A3(28/6/2014).

Khi dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đưa vào khai thác giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội lên Lào Cai, mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy cho tăng trưởng, thúc đẩy khai thác các tiềm năng về phát triển du lịch, kết nối các khu công nghiệp...

"Để hoạt động khai thác hiệu quả, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam sẽ tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thống nhất quy chế phối hợp thực hiện điều hành, kiểm soát giao thông trong quá trình khai thác, tổ chức chứu hộ, cứu nạ, cứu thương 24/24 giờ... để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc," ông Mai Tuấn Anh Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam khẳng định./.

Nguyễn Trọng Lịch (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.