Vừa qua, đã xảy ra một loạt những vụ việc lừa đảo khi mua bán bất động sản qua sàn khiến người dân hết sức lo lắng vì không biết giao dịch nhà đất ở đâu cho an toàn.

Nhầm thuốc!

Việc thành lập sàn giao dịch bất động sản rất dễ và hoạt động
cũng rất “tự do”. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh nhà nhà đầu tư bất động sản, người người đầu cơ đất đai, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất khá xôm tụ, đặc biệt là những thời điểm sốt đất. Người ta có thể giao dịch bằng giấy viết tay; có sổ đỏ qua công chứng hoặc xác nhận của UBND cấp xã phường.

Tuy nhiên, có những bất cập nảy sinh, đó là người mua bán bất động sản thường khai giá thấp để trốn thuế. Trong khi đó rất khó để xác minh giá giao dịch thật cũng như nhiều thông tin khác không được công khai, minh bạch, gây thiệt hại cho người mua và dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện.

Bởi vậy cơ quan quản lý đã nghĩ ra cách tổ chức ra những “chợ” bất động sản để bịt những lỗ hổng này. Năm 2006, khái niệm “sàn giao dịch bất động sản” được thừa nhận qua Luật kinh doanh bất động sản.

Sàn giao dịch bất động sản ra đời được kỳ vọng sẽ là nơi diễn ra các giao dịch bất động sản và cung cấp dịch vụ về bất động sản. Cơ quan quản lý cho rằng, tổ chức sàn bất động sản sẽ giúp cho nhà nước quản lý được các giao dịch, hạn chế thất thu thuế do việc chuyển nhượng, mua bán ngầm bên ngoài và góp phần bình ổn thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, khi giao dịch qua sàn giá cả được công khai, thông tin đầy đủ sẽ tránh được rủi ro và thiệt hại cho các bên. Người ta cũng tính đến việc phát triển các hoạt động của thị trường bất động sản thông qua việc các hoạt động dịch vụ tư vấn, dịch dụ tiếp thị, chăm sóc khách hàng, quản lý bất động sản, dịch vụ pháp lý, ngân hàng, bảo hiểm… Tất cả dịch vụ này sẽ có được cùng với sự ra đời của sàn bất động sản.

Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra không theo dự tính của cơ quan quản lý. Cho đến nay, đã có hơn 600 sàn bất động sản ra đời nhưng những bất cập của thị trường bất động sản thì vẫn còn nguyên ở đó.

Những phi vụ lừa đảo, bán nhà ma, thu tiền vênh đã xảy ra tại một số sàn bất động sản: Vụ lừa mua chung cư mini Petromaning qua sàn giao dịch BĐS Hà Thành; vụ Công ty đầu tư phát triển Đài Việt dùng tài liệu giả, ký hợp đồng bán lô đất tại Dương Nội tại sàn Galaxy trên đường Lê Văn Lương, chiếm đoạt tài sản của khách hàng hơn 4 tỷ đồng, vụ nhân viên sàn giao dịch bất động sản UDIC bị bắt quả tang khi đang nhận số tiền chênh lệch lớn trong vụ mua bán căn hộ... Thêm nữa là thị trường bất động sản cứ hết sốt nóng rồi lại đóng băng, các dịch vụ giá trị gia tăng hầu như không có hoặc đem lại rất ít giá trị thực tế…

Theo nhận định Bộ Xây dựng, phần lớn các sàn giao dịch bất động sản còn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thậm chí trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư. Số sàn thực sự tốt chỉ chiếm khoảng 15%, sàn vi phạm ít chiếm trên 50%, còn lại là các sàn có vi phạm lớn. Sau khi kiểm tra, đã có 36 sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội và Tp. HCM bị xử phạt hành chính từ 60 đến 250 triệu đồng.

Rõ ràng, sàn giao dịch không phải là bài thuốc để chữa trị những căn bệnh của thị trường bất động sản. Thậm chí, việc quản lý các sàn lỏng lẻo còn khiến những bất cập của thị trường bất động sản trở nên trầm trọng, méo mó hơn.

Theo Nhà báo và Công luận
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0