Nếu bây giờ xác lập một biểu đồ chỉ số lòng tin của khách hàng với việc giao dịch BĐS qua các sàn chắc chắn ta sẽ có một biểu đồ đi xuống. UDIC Land chỉ là đỉnh điểm của sự “thoái trào” lòng tin ấy, là giọt nước tràn ly, là kết cục tất yếu của tất cả những hệ lụy xung quanh việc hoạt động và quản lý hoạt động của các sàn BĐS hiện tại.

Sàn BĐS sau vụ UDIC Land: Cái giá của lòng tin

Sàn BĐS Viglacera- một sàn BĐS uy tín, chất lượng cao với những hoạt động chuyên nghiệp.

Phúc bất trùng lai

Chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui về việc trúng cử Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Minh Quang - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc TCty UDIC đã phải đối mặt trước một chuyện buồn do UDIC Land gây ra. Đúng là “phúc bất trùng lai”. Trước sự việc này, ông cho biết: Tháng 12/2010 TCty phê duyệt lại phương án bán 12 căn nhà lô K với giá từ 110 - 135 triệu đ/m2, giá bán đã được TCty phân tích trên cơ sở tham khảo giá thị trường và theo nguyên tắc phải thu hồi vốn nhanh để phục vụ SXKD trong tình hình thị trường khó khăn hiện nay. TCty cũng đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về việc xây dựng, phê duyệt giá bán từng căn nhà, phê duyệt quy chế bán nhà, thống nhất với UDIC Land quy trình giao dịch đúng quy định pháp luật. TCty UDIC không có chủ trương thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Chuyện này hoàn toàn là việc làm đơn phương của UDIC Land. Người đại biểu nhân dân này cũng đã rất đau lòng khẳng định: Đây là một bài học lớn về quản lý kinh tế và chúng tôi sẽ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình quản trị SXKD.

Họa vô đơn chí

Đúng vào lúc khó khăn nhất của thời BĐS “rớt giá” vèo vèo khiến thị trường rơi vào tình trạng “ngủ đông” nghe chừng… còn lâu mới tỉnh, thì lại rộ lên scandal UDIC. Nội vụ của sự việc này có lẽ không cần nhắc lại nữa bởi nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã lên tiếng. Điều đáng nói là cùng với “tai họa” đó (với các sàn BĐS thì đúng là tai họa) lòng tin của khách hàng cũng… rớt giá!

Cũng chẳng nên đổ lỗi hết cho UDIC Land bởi vài năm trở lại đây, trên nhiều sàn đã diễn ra không ít những tiêu cực, làm ăn phi pháp. Có thể kể đến vụ bán đất khống Thanh Hà Cienco5 Land của Cty CP Xây dựng & Dịch vụ 1-5 vướng vòng hình sự. Nhiều chuyện bán đất khống, không phải của mình cũng bán, chưa được chấp thuận của chủ đầu tư cũng giao dịch lòng vòng, nhận tiền cọc của khách hàng rồi không trả.v.v.. biểu hiện qua hàng loạt vụ việc mà Báo XD&PL đã nêu trong thời gian qua như: Dự án Khương Viên, dự án Nam 32 của Cty Lũng Lô, dự án chung cư mini Petromaning, sàn BĐS Kiến Vàng.v.v..

Điều đáng buồn nhất là những sự việc trên đã làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của hàng loạt sàn BĐS lớn, có chất lượng cao và hoạt động chuyên nghiệp. Vậy là “họa vô đơn chí” cùng lúc với việc phải lo ứng phó với thị trường đầy rẫy khó khăn, những sàn BĐS làm ăn nghiêm chỉnh lại còn phải lo đến việc giành lại lòng tin của khách hàng sau những chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh” kia.

Lấy lại niềm tin

Không phải là chúng ta không có những sàn BĐS đầy uy tín và rất chuyên nghiệp. Không phải mục tiêu công khai minh bạch đưa ra trong việc giao dịch BĐS tại sàn chỉ là lời hô hào suông. Các sàn BĐS như Vincom, Housing, Ecopark, Viglacera… luôn là “ngân hàng lòng tin” của mọi khách hàng. Phần lớn những vụ việc vi phạm pháp luật đều rơi vào các trung tâm môi giới, Cty địa ốc, sàn BĐS nhỏ lẻ, làm ăn chụp giật…

Lấy lại niềm tin bằng cách nào? Đầu năm 2011, Bộ Xây dựng đã tiến hành hàng loạt cuộc thanh, kiểm tra trên phạm vi rộng toàn bộ các sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội, TP.HCM. Tỷ lệ 36 sàn BĐS bị phạt trên tổng số gần 700 sàn BĐS toàn quốc là một con số rất nhỏ, nhưng chí ít nó cũng cảnh báo một hiện tượng không lành mạnh đang diễn ra trong hoạt động nhiều sàn BĐS.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, cho rằng: Để thành lập một sàn giao dịch BĐS theo Luật BĐS không khó, chỉ cần 2 nhân viên có chứng chỉ môi giới BĐS và người quản lý có chứng nhận đã hoàn thành khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS, sau đó đăng ký thành lập DN có chức năng hoạt động sàn tại Sở KH&ĐT rồi tự động đăng nhập vào danh sách sàn giao dịch BĐS.

Có thể khe hở bắt đầu từ đây, và việc lấy lại niềm tin cũng nên bắt đầu từ đây, từ các quy định, tiêu chí, điều kiện cho phép thành lập một sàn giao dịch BĐS đúng nghĩa chuyên nghiệp.

Thanh tra Bộ Xây dựng sau đợt kiểm tra đã ra quyết định xử phạt từ 60-250 triệu đồng/sàn tương ứng với các mức độ vi phạm. Nhiều người cho rằng chế tài như vậy chưa đủ mạnh bởi mức phạt đó đôi khi chỉ tương đương với phần chênh lệch giá 1m2 nhà hoặc đất (?). Chế tài nhẹ thì người vi phạm nhờn. Khe hở cũng từ đây và lấy lại niềm tin cũng nên bắt đầu từ việc thanh, kiểm tra định kỳ hàng năm với mức phạt đủ mạnh để răn đe kèm theo việc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép.

Hơn ai hết, những sàn BĐS làm ăn nghiêm chỉnh đang phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất sau những vụ việc vi phạm pháp luật nêu trên. Đổi mới phương thức quản lý cùng các quy định chế tài đủ sức vực dậy các hoạt động giao dịch qua sàn để loại trừ những “con sâu làm rầu nồi canh”, lấy lại niềm tin của khách hàng… chính là điều họ đang mong chờ.

Theo Khánh Vy (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0