CafeLand - Hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc đang là một vấn đề nan giải. Quốc Hội đã ban hành Luật kinh doanh bất động sản 2014 và Luật nhà ở 2014 hiệu lực 1/7/2015 nhằm khắc phục vấn đề này.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhiều nhà ở

Theo quy định tại Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/06/2008, cá nhân nước ngoài chỉ được phép sở hữu một căn hộ chung cư hoặc một số căn hộ chung cư đối với tổ chức nước ngoài trong dự án phát triển nhà ở thương mại với thời hạn sở hữu tối đa là 50 năm. Kể từ ngày 01/07/2015 tức là ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở 2014 (LNO 2014), tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam) cá nhân nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam có quyền mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư và không quá 250 căn nhà riêng lẻ bao gồm biệt thự, nhà ở liền kề trong một đơn vị hành chính cấp phường.

Tổ chức, cá nhân có quyền đầu tư xây dựng dự án nhà ở tại Việt Nam

LNO 2014 cũng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia đầu tư xây dựng dự án nhà ở tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định.

Để thực hiện dự án đầu tư dự án xây dựng, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng. Đối với mỗi dự án xây dựng nhà ở, chủ đầu tư phải ký quỹ để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; bảo đảm năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công khai thông tin, bảo hành nhà và nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận cho người mua, người thuê theo đúng quy định tại Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014 và LNO 2014.

Những động thái tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

Tận dụng các điểm mới này, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang đặt ra các phương án tăng vốn để đáp ứng về mặt pháp lý và tạo lòng tin với khách hàng.

Theo đó, việc tăng vốn có thể thực hiện qua các hình thức sau:

  • Huy động thêm nguồn vốn sẵn có của các thành viên/cổ đông hiện tại;
  • Bán các tài sản/quỹ đất hiện có của doanh nghiệp để tằng cường nguồn vốn;
  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần (nếu chưa là công ty cổ phần) và tiến hành phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn;
  • Thu nạp thêm thành viên góp vốn, đặc biệt là các thành viên quốc tịch nước ngoài;
  • Vay tiền từ các tổ chức tín dụng có chức năng cho vay tại Việt Nam.

Việc lựa chọn hình thức thức tăng vốn nào còn tùy thuộc vào kế hoạch dài hạn của mỗi doanh nghiệp và đáp ứng các yêu cầu về quy trình, thủ tục hành chính, cách thức thực hiện phải được tuân thủ đúng quy định pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định không dưới 20 tỷ đồng, các doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện việc tăng vốn trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật Kinh Doanh Bất Động Sản có hiệu lực.

CafeLand kết hợp Công ty Luật PLF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.